Công chức, viên chức nghỉ việc đa phần trẻ tuổi, trên 50% có trình độ đại học

27/10/2022 - 18:55

PNO - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đa phần công chức, viên chức nghỉ việc là người trẻ dưới 40 tuổi, trên 50% có trình độ đại học.

Trên 50% công chức, viên chức nghỉ việc có trình độ đại học

Chiều 27/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến công chức, viên chức nghỉ việc và tăng lương cơ sở.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Về tình hình công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, theo số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các bộ, ngành, từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. 

Ở Trung ương, số thôi việc chiếm 18% và ở địa phương chiếm 82%. Các tỉnh, thành phố có nhiều công chức, viên chức nghỉ việc nhất là TPHCM (hơn 6.700 người), Đồng Nai và Hà Nội (mỗi nơi hơn 2.000 người); các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người. Trong khi đó, ở vùng Tây Nguyên, số lượng rất ít.

Từ số liệu trên, Bộ trưởng cho rằng, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%), nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế nên đây là “thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người”.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, số nghỉ việc, thôi việc đa số ở độ tuổi trẻ, từ 40 tuổi trở xuống và trên 50% có trình độ đại học. Số nghỉ việc cũng tập trung ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhiều khu công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục phát triển.

"Nhìn ra thế giới, tình trạng công chức, viên chức thôi việc là tình trạng chung của nhiều nước”, Bộ trưởng nói. Bà trích dẫn số liệu, tại Anh trong năm 2021 và 2022 công chức nghỉ việc chiếm 9,25% trên tổng số công chức. Singapore là đất nước có nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp thì số công chức nghỉ việc ở khu vực công chiếm 9,9%. Con số này ở Pháp là 6,6%; Úc là 4,62%, Mỹ là 3,1%. Các nước trong khối ASEAN cũng trong tình trạng tương tự như Việt Nam.

2 nhóm nguyên nhân khiến công chức, viên chức nghỉ việc

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ là do hội nhập nhằm đạt tới thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Người lao động có cơ hội bình đẳng trong thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động.

Ngoài ra, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở các khu đô thị. Điều này tạo cơ hội cho người lao động ra - vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu…

Tuy nhiên tỉ lệ ra khu vực tư ở giáo dục không cao như y tế. Đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã tác động sâu rộng trên mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và người lao động nói riêng, làm thay đổi lớn phương thức làm việc, kể cả nhận thức việc làm, cuộc sống.

Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ trưởng, thu nhập, tiền lương của công chức, viên chức còn thấp hơn khu vực công dù cùng trình độ. Trong khi đó, áp lực công việc ngày càng cao, nặng nề. Một số nơi chưa tạo động lực cho công chức, viên chức phát huy năng lực sở trường.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các nhiệm vụ. Đó là cải cách chính sách tiền lương. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) bắt đầu thực hiện 1/7/2023 là hợp lý, nhiều đại biểu có ý kiến nên tăng lương từ 1/1/2023.

Bên cạnh đó, tiếp tục có những hệ thống thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời quan tâm rà soát, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ chất lượng, hiệu quả hơn nữa.

"Một vấn đề nữa là xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu; xây dựng môi trường văn hóa làm việc công bằng, dân chủ, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có điều kiện, môi trường để công chức, viên chức thể hiện tài năng của mình", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI