Công chức, viên chức cần được tạo điều kiện để phát triển cá nhân

19/08/2022 - 06:37

PNO - Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy, cần có một nghiên cứu tổng thể, một khảo sát nghiêm túc, bài bản về cuộc sống, công việc của cán bộ, công chức, viên chức ở TPHCM.

 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy
Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy

Theo Công văn số 2824/UBND-VX của UBND TPHCM gửi Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1/1/2020 - 30/6/2022, có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức ở TPHCM thôi việc theo nguyện vọng. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy - nguyên Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - cho rằng, đây là con số đáng lo ngại bởi tính ra, trung bình mỗi tháng, có hơn 200 người nghỉ việc.

Phóng viên: Ông nghĩ gì về số liệu cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của TPHCM xin thôi việc trong hai năm rưỡi qua, thưa ông?

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy: Xét về phương diện xã hội, một số người làm trong khu vực nhà nước đi tìm công việc khác vì lý do cá nhân là điều bình thường. Hiện nay, người lao động có quyền chọn làm việc ở đâu mà họ cảm thấy có lợi hơn về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, riêng việc có đến 676 công chức (trong số 6.177 CBCCVC thôi việc) ra đi, chắc chắn làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước ít nhiều gì cũng gặp trở ngại và nó có thể ảnh hưởng tâm lý những người còn lại.

* Trong công văn gửi Bộ Nội vụ, UBND TPHCM nêu rằng, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vậy theo ông, còn có thêm nguyên nhân nào khác?

- Tôi nghĩ, các nguyên nhân mà chính quyền thành phố đã đưa ra là rất xác đáng, phản ánh đúng tình trạng chung, nhưng cũng còn hơi khái quát, cần những phân tích sâu hơn. Ví dụ, về việc thăng tiến, tôi thấy có vẻ như chúng ta quan tâm nhiều hơn đến chuyện “thăng quan, tiến chức”.

Thực ra, không phải ai cũng muốn làm lãnh đạo. Nhiều người cảm thấy làm lãnh đạo vừa mệt, áp lực trách nhiệm, vừa không tăng được bao nhiêu lương. Với nhiều người, thu nhập quan trọng hơn so với việc thăng quan, tiến chức.

Thăng tiến cũng được hiểu là các điều kiện để người ta nâng cao năng lực, tay nghề nhằm khẳng định được giá trị cá nhân. Chúng ta chớ ngại rằng, sau khi được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, họ lại đi mất. Cần thấy rằng, dù họ làm việc cho nhà nước hay tư nhân, năng lực đó cũng sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển. Cho nên, cái quan trọng là làm sao cho người ta được phát triển về mặt cá nhân. Theo hướng đó, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi để CBCCVC trong các cơ quan nhà nước thể hiện được tinh thần sáng tạo, tự do của mình.

Về áp lực công việc, tôi nghĩ rằng, cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách chế độ làm việc trong các cơ quan nhà nước. Hiện CBCCVC ở TPHCM phải làm quá nhiều công việc mà trong đó, nhiều đầu việc có thể tin học hóa, tự động hóa.

Cán bộ ở bộ phận tiếp dân của UBND xã Vĩnh Lộc B thường bắt đầu công việc từ 7g30 và kết thúc lúc 18g
Cán bộ ở bộ phận tiếp dân của UBND xã Vĩnh Lộc B thường bắt đầu công việc từ 7g30 và kết thúc lúc 18g

* CBCCVC ở TPHCM phải đảm trách khối lượng công việc gấp 3 - 4 lần các địa phương khác. Ông nghĩ gì về điều này?

- Theo đánh giá chủ quan của tôi, người ta vẫn chịu được áp lực nếu nhận được mức lương cao hơn, cảm thấy công sức mình bỏ ra được tưởng thưởng xứng đáng. Nghị quyết 03 của HĐND thành phố về chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC cũng giúp người ta cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng nếu không có được ích lợi về mặt tinh thần thì họ có thể đi tìm một chỗ khác vui hơn, có điều kiện tốt hơn để tiếp tục đầu tư cho kỹ năng và tinh thần.

* Trong công văn gửi Bộ Nội vụ, UBND TPHCM nhận diện, việc tuyển chọn lãnh đạo quản lý còn thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo động lực để CBCCVC rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu, đánh giá nhân sự chưa giúp tận dụng được người có tài năng, phẩm chất cho vị trí lãnh đạo. Với nhận định này, theo ông giải pháp cần thiết đối với thành phố lúc này là gì?

- Đánh giá của UBND thành phố rất thẳng thắn khi cho rằng các cơ chế để chọn cán bộ lãnh đạo vẫn có những lỗ hổng. Trong đó, có nguyên nhân cơ chế thiếu cạnh tranh có thể tạo điều kiện cho những cá nhân cơ hội lọt vào danh sách quy hoạch, được đề nghị bổ nhiệm… 

Do đó, tôi ủng hộ phương án tổ chức cạnh tranh bằng cách thi tuyển như UBND thành phố đề xuất. Theo đó nên một chức danh mở ra cho 3 - 4 người đã hội đủ mọi quy định và để cho những người này thi tuyển với nhau, ai có điểm cao nhất thì chọn. Như vậy, ít nhất cũng khách quan hơn so với quy trình bổ nhiệm hiện nay.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND TP.Thủ Đức ẢNH: VIỆT DŨNG

* Trong hơn 6.000 CBCCVC thôi việc, viên chức khối y tế và giáo dục chiếm số đông. Theo một cuộc điều tra xã hội học về nguyên nhân nghỉ việc của nhân viên ngành y tế, lý do lương thấp chiếm 93%, không hài lòng với môi trường làm việc chiếm 57%, không có cơ hội nâng cao tay nghề chiếm 43%…

- Lực lượng viên chức hiện nay phần lớn nằm ở ngành giáo dục và y tế. Đặc thù của viên chức là làm chuyên môn. Điều quan trọng vẫn là làm sao để họ sống được với chuyên môn của mình. Cần có cơ chế nhằm nuôi dưỡng niềm tự hào về nghề nghiệp của họ bằng cách tạo điều kiện để họ phát huy năng lực, bảo đảm cuộc sống cá nhân, gia đình chứ hô hào suông thì rất khó.

Nhân đây, tôi đề xuất UBND TPHCM tiến hành một nghiên cứu tổng thể, một khảo sát nghiêm túc, bài bản về cuộc sống, công việc của CBCCVC ở TPHCM. Từ đó, thành phố có thể nắm rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để sớm có các giải pháp phù hợp.

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI