Công chức lười nhác vẫn 'hoàn thành nhiệm vụ'

19/11/2014 - 07:22

PNO - PN - Theo quy định, mỗi bộ chỉ có bốn thứ trưởng nhưng con số thực tế bình quân hiện nay là 5,4. Nhiều thứ trưởng gây lãng phí ngân sách và không tạo được sự đồng thuận của xã hội.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 18/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với ba bộ trưởng (Công thương, Nội vụ và Giao thông-vận tải). Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình gây chú ý với những điểm nóng về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Nêu thực trạng “lạm phát cấp phó ở tất cả các cấp làm bộ máy cồng kềnh, lãng phí”, đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi: “Quan điểm và giải pháp của bộ trưởng?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình phân bua: “Theo quy định, mỗi bộ chỉ có bốn thứ trưởng nhưng con số thực tế bình quân hiện nay là 5,4. Nhiều thứ trưởng gây lãng phí ngân sách và không tạo được sự đồng thuận của xã hội. Có nguyên nhân thực tế là do họp hành nhiều. Thứ nữa, một số ngành đòi hỏi phải có nhiều cấp phó do tính chất công việc nặng nề”. Về giải pháp, bộ trưởng giải trình, Bộ Nội vụ nhiều lần muốn quy định cứng số lượng cấp phó nhưng khi ra Chính phủ bỏ phiếu thì chưa lần nào được quá bán. “Chúng tôi đang tiếp tục đề xuất, cần ghi rõ bộ nào có bao nhiêu thứ trưởng để sau này không tranh cãi nữa...” - ông Nguyễn Thái Bình nói.

Chuyển tải ý kiến cử tri, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) hỏi: “Dư luận phản ánh tình trạng người có năng lực đang rời khỏi khu vực Nhà nước, trong khi số công chức lười nhác, sáng cắp ô đi, tối cắp về ngày càng nhiều, vì sao?”. Bộ trưởng than khó: “Sử dụng, bố trí cán bộ, công chức đúng là chưa đạt. Cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm. Chế độ đánh giá chưa đổi mới. Tiền lương, đãi ngộ chậm cải thiện. Tuyển dụng đầu vào cũng chưa chọn được người có năng lực. Phải khắc phục tất cả các hạn chế trên để tuyển được người tài. Chúng tôi đã trình cơ chế để từ nay tới năm 2020 tạo ra đột phá, tuyển và trọng dụng được 1.000 nhân tài vào cơ quan trọng yếu... Ngoài ra, những người không đáp ứng được công việc sẽ phải miễn nhiệm, tinh giản biên chế”.

Dẫn ra con số viên chức, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ từ... 0,24% tới 0,46% (theo báo cáo của một số bộ ngành, địa phương), bộ trưởng thẳng thắn: “Chúng tôi đề xuất Chính phủ hàng năm công bố con số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để Quốc hội, toàn dân giám sát và người đứng đầu chịu trách nhiệm, chứ cứ giữ bí mật thì thành ra quýt làm cam chịu”.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI