Công chức không biết đóng dấu: Nhắm mắt cho...vừa lòng nhau?

09/01/2016 - 05:48

PNO - Nghịch lý công chức không biết đóng dấu nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ là do lối quản lý duy tình, cả nể, chạy theo thành tích.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia chia sẻ với Phunuonline về chuyện công chức cấp xã không biết đóng dấu nhưng hàng năm vẫn được nhận xét hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch huyện không biết chỉ tiêu đánh giá là gì

PV: - Những ngày vừa qua dư luận cả nước bất ngờ trước kết quả thi sát hạch công chức cấp xã ở Đồng Tháp có nhiều người không đạt yêu cầu. Cụ thể, rất nhiều công chức trả lời sai câu hỏi liên quan đến quy định đóng dấu của Bộ Nội vụ. Những câu hỏi liên quan đến địa bàn quản lý, cấp giấy phép xây dựng, giấy khai sinh... cũng có nhiều công chức trả lời sai.

Trong đó, TP Sa Đéc “đội sổ” có tới 49% công chức không đạt yêu cầu. Các huyện Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có trên 20% công chức không đạt. Cảm xúc của ông thế nào khi biết được thông tin này? Đây có phải là tình trạng phổ ở nước ta hiện nay hay không?

PGS. TS Nguyễn Hữu Tri: - Đây là vấn đề đáng lo ngại, được xã hội cảnh báo từ rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể. Công chức cấp xã cũng là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề căn bản nên cần phải được đào tạo một cách bài bản và thống nhất. Nhưng hiện nay mỗi địa phương một phách, có nơi thi tuyển có nơi lại xét tuyển theo kiểu hình thức, phong trào.

Cong chuc khong biet dong dau: Nham mat cho...vua long nhau?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri.

Tôi đã từng hỏi nhiều chủ tịch xã chuyện đán giá sản lượng chăn nuôi, sản lượng lương thực là gì nhưng họ cũng không biết. Rồi có vị chủ tịch huyện còn không biết chỉ tiêu đánh giá chăn nuôi của một huyện là gì. Một lần, tôi hỏi chị chủ tịch huyện: “Thịt chị mua ngoài chợ về ăn có phải là thực phẩm của ngành chăn nuôi không?” nhưng chị này cũng trả lời không đúng.

Nói như thế để thấy rằng, cán bộ công chức bị hổng kiến thức căn bản không chỉ ở riêng Đồng Tháp hay cấp xã, phường mà nó phổ biến trên toàn quốc, ngay kể cả các công chức cấp huyện, tỉnh cũng bị hổng kiến thức căn bản một cách trầm trọng.

Hàng năm, Nhà nước luôn dành một khoản tiền rất lớn với mục đích đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức các cấp nhưng không đem lại hiệu quả gì. Vì “tiền chùa” – đi học miễn phí mà không tự bỏ tiền túi ra thì sẽ học hời hợt, chiếu lệ, đến dánh trống ghi tên rồi ra về mà chẳng có kiến thức nào vào đầu.

Hoàn thành nhiệm vụ vì cả nể và làm “đẹp lòng” lãnh đạo

PV: Mặc dù vậy, trong báo cáo hàng năm địa phương gửi lên cấp trên đều cho thấy những công chức năng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, tình trạng người dân phản ánh về tình trạng công chức kiến thức thấp kém, cậy quyền nhũng nhiễu dân. Đến cả TS Luật học, ĐBQH TP. HCM Đỗ Văn Đương cũng từng nhiều lần bị công chức cấp xã cho “ăn hành” khi đi làm thủ tục hành chính. Nghịch lý này được hiểu như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Hữu Tri: - Điều này thì cả xã hội đều thấy, đều hiểu. Việc đánh giá, tổng kết các kỳ, các năm chỉ mang tính chất hình thức. Ai cũng hoàn thành nhiệm vụ nhưng trong khi đó vẫn xảy ra biết bao nhiêu vụ. Ở địa phương thì đó là hệ quả của lối suy nghĩ duy tình, vì nể nang bạn bè, xóm ngõ ra trong thấy nhau, vào trông thấy nhau, anh em họ hàng nên “nhắm mắt cho qua” để vừa lòng nhau. Giống như bầu cử ông trưởng thôn ở làng, ấp thì họ hàng ông nào đông thì ông ấy thắng chứ không phải ai giỏi thì sẽ được bầu.

Vấn đề này còn liên quan đến “nhà sản xuất” và “trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất” ấy. Mà chẳng có một nhà sản xuất nào nói xấu sản phẩm do mình tạo ra, chủ trương của họ lúc nào cũng phải cho rằng sản phẩm đó “tốt, tốt hơn tất cả những sản phẩm khác”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI