Công chúa 'gác cổng' cho Google

24/03/2015 - 07:24

PNO - PN - Trong truyện cổ tích, công chúa luôn cần được che chở. Nhưng ở xứ sở Google, công chúa lại là người bảo vệ đúng nghĩa của lâu đài hái ra tiền này. Đó chính là Parisa Tabriz (31 tuổi), cô gái người Mỹ gốc Iran và Ba Lan. Chức...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi Parisa Tabriz bắt đầu làm việc cho Google cách đây tám năm với chức danh “kỹ sư bảo mật thông tin”, cô thấy điều này hơi buồn chán và thật sự chưa truyền tải được hết ý nghĩa công việc mình làm. Vì thế, cô quyết định xin đổi chức danh của mình thành “công chúa bảo mật”, dù tính tình của cô không hề thích hợp trong vai trò một cô nàng yểu điệu, thích dựa dẫm người khác. Hơn nữa, Tabriz còn là tín đồ của môn thể thao… leo núi. Khi không làm việc, Tabriz thư giãn với trò thổi thủy tinh và say sưa với thú vui chụp ảnh.

Nhiệm vụ hàng ngày của Tabriz là xâm nhập vào hệ thống máy tính, cố gắng tìm ra những thiếu sót của nó trước khi bị các “black hat” tấn công. Để đánh bại những kẻ tấn công Google, Tabriz cho biết, trước tiên, những nhân viên an ninh mạng như cô phải có suy nghĩ giống như các hacker. Trong cuộc chiến trên không gian ảo này, dữ liệu của khoảng một tỷ người sử dụng Chrome như được treo trên đầu sợi tóc.

Cong chua 'gac cong' cho Google

“Công chúa” Parisa Tabriz thích môn thể thao leo núi - Ảnh: Daily Mail

Tội phạm mạng đã phát triển từ thập niên trước và ngày càng tinh vi hơn, từ việc đánh cắp thông tin thẻ tín dụng đến chương trình giám sát của chính phủ qua email. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Tabriz và các đồng nghiệp ở Google là các hacker tìm kiếm những con bọ trong phần mềm Google và bán thông tin cho các chính phủ hoặc tội phạm. Tabriz cho biết, điều này đặc biệt kinh hoàng vì dường như các vụ tấn công vào Google được tiến hành bởi các tổ chức hay chính phủ trên diện rộng và có nguồn tài trợ lớn.

Mục tiêu đánh cắp thông tin thường nhắm vào những cá nhân hay tổ chức có tầm ảnh hưởng như chính trị gia, nhà báo, thậm chí cả những người sử dụng internet một cách thất thường. “Google phát triển được là nhờ có sự tin tưởng vào dữ liệu của mình từ những người sử dụng. Nếu chúng tôi không thể bảo vệ họ, chúng tôi cũng mất việc kinh doanh của mình” - Tabriz cho biết.

Điều đặc biệt, Tabriz được nuôi dưỡng trong môi trường không có máy vi tính. Tabriz có cha là một bác sĩ gốc Iran và mẹ là y tá gốc Ba Lan, cả hai ông bà đều "mù" máy tính. Thời thơ ấu “không vi tính” của cô trong ngôi nhà tại Chicago chỉ chấm dứt khi cô học ngành kỹ thuật tại trường đại học. Tabriz lớn lên cùng hai em trai, và cô luôn nổi bật trong vai trò “đầu đàn”. “Các em vẫn gọi tôi là kẻ hay bắt nạt, nhưng tôi chơi được với chúng từ các môn thể thao cho đến chơi game. Vì lớn tuổi hơn, nên tôi biết cách “đánh bại” các em ở mọi trò chơi” - Tabriz kể với phóng viên Telegraph.

Từ một cô gái trẻ tốt nghiệp Đại học Illinois, Tabriz đã chen chân vào Google, trở thành một trong 50 kỹ sư an ninh mạng cách đây tám năm. Ngày nay, mặc dù đội ngũ nhân sự an ninh mạng của Google đã tăng gấp mười lần so với trước đây, lên đến 500 nhân viên, Tabriz vẫn được xem là một trong những nữ kỹ sư cực kỳ hiếm hoi tại đây. Chính Tabriz cũng thừa nhận, có sự bất bình đẳng giới ở thung lũng Silicon.

Một trong những câu hỏi hóc búa mà Tabriz thường đưa ra đối với các nhân viên mới là làm sao để “hack” một cái máy bán hàng tự động chứ không phải một máy tính. Theo Tabriz, thông thường người ta hay nghĩ rằng cần phải là một chuyên viên máy tính tài năng siêu phàm mới có thể là một hacker. Nhưng trong thực tế, Tabriz cho rằng ai cũng có thể là một hacker, chỉ cần suy nghĩ của họ vượt qua các vấn đề… không thuộc về phần mềm.

Phương châm làm việc của Tabriz là phải suy nghĩ “vượt qua cái màn hình vi tính”.

TRẦN KHANG
 
(Theo CNN, http://www.coloradonewsday.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI