Công bố xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

04/01/2025 - 09:29

PNO - Ngày 4/1, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ Ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về "Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam". Sự kiện được tổ chức tại TPHCM.

Đến dự Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: Ngọc Trăm

Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và các đại biểu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ ngành trung ương, đại diện cơ quan quốc tế…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị - Ảnh: Ngọc Trăm

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tham dự hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tham dự hội nghị - Ảnh: Ngọc Trăm

Quang cảnh lễ công bố
Quang cảnh lễ công bố - Ảnh: Ngọc Trăm

Chủ tọa hội nghị
Lãnh đạo Trung ương, các bộ ngành và TPHCM, TP Đà Nẵng - chủ tọa hội nghị - Ảnh: Ngọc Trăm

Tại hội nghị công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Đây là sự kiện rất ý nghĩa, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước, tạo ra động lực mới để thúc đẩy phát triển không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo điều kiện để đất nước hướng vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Trăm

Bộ trưởng cho biết, hội nghị được diễn ra trong bối cảnh năm 2025 - là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây cũng là năm tăng tốc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 và cũng là nửa chặng đường trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Đặc biệt là thế giới đang có nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù để phục vụ các thị trường này. Do vậy, các trung tâm tài chính mới nổi của Việt Nam có một "cơ hội vàng" để tham gia vào cuộc chơi này.

Trong đó, TPHCM và Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để có thể phát triển và trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế và được đánh giá là một trong những trung tâm tài chính mới nổi và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Quyết tâm này không chỉ là khát vọng của Việt Nam mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Tham gia đại diện cơ quan quốc tế
Đại diện cơ quan quốc tế tham dự hội nghị - Ảnh: Ngọc Trăm

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách quan trọng nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Ông cho rằng, đây là một vấn đề không mới trên thế giới, nhưng với Việt Nam thì đây một vấn đề mới và khó vì chưa có tiền lệ. Do đó, cơ hội lớn cũng sẽ kèm theo những thách thức lớn. Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng để giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội.

Đó là kết nối với các thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra các nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo ra một bước chuyển mới về chất để giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp các quy chuẩn quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

5 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị các điều kiện nền tảng để phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

- Thứ nhất là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu.

- Thứ hai là thu hút nhân tài quốc tế để tạo cơ chế đãi ngộ và môi trường sống, làm việc hấp dẫn nhằm thu hút các chuyên gia tài chính từ khắp nơi trên thế giới.

- Thứ ba là thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính và các lĩnh vực liên quan.

- Thứ tư là mở rộng hội nhập quốc tế và hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu.

- Thứ năm là bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính truyền thống.

Trang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI