Công bố tượng Phật lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á

29/05/2013 - 15:30

PNO - Ngày 29/5, tại chùa Phật Lớn, thuộc Khu Du lịch núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang diễn ra Lễ công bố tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày...

 Tham dự lễ công bố có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổ chức Sách kỷ lục châu Á, Sách kỷ lục Việt Nam, tỉnh An Giang cùng hàng nghìn người dân ở huyện Tịnh Biên.

Tại buổi lễ, ngài Biswaroop - Tổng Giám đốc Sách kỷ lục châu Á đã trao giấy chứng nhận Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang.

Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á được đặt trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, Núi Cấm, cao 710m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí. Tượng Phật Di Lặc tọa lạc uy nghiêm, thanh thoát nhưng rất gần gũi giữa không gian núi rừng. Quá trình thi công tượng Phật từ tháng 3/2004-12/2005 với kinh phí xây dựng trên 33 tỷ đồng.

Toàn bộ kinh phí thực hiện tượng Phật Di Lặc và tổng thể kiến trúc xung quanh tượng được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa. Về kết cấu, chân đế bệ tượng được làm bằng kính phản xạ cao cấp màu xanh ve với kiến trúc độc đáo.

Tượng có chiều cao 33,6m, mặt hướng về phía Nam, diện tích bệ tượng 27x27m, diện tích vỏ tượng gần 2.500 m2. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn, riêng tượng Phật nặng 600 tấn.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh Núi Cấm đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc, hài hòa giữa không gian núi rừng, các chi tiết nghệ thuật thể hiện tượng Phật từ nụ cười đến vành tai, tay, tư thế ngồi, hướng nhìn của Phật Di Lặc. Đây là công trình văn hóa nghệ thuật tôn nghiêm, có quy mô, độc đáo và lớn nhất Việt Nam.

Công trình văn hóa nhân tạo - tượng Phật Di Lặc trên đỉnh Núi Cấm mang giá trị to lớn về văn hóa tâm linh, tạo ra biểu tượng văn hóa cho vùng đất An Giang, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo Vương Thoại Trung (TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI