Công bố tư liệu gốc khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam

04/06/2014 - 10:15

PNO - PN - Ngày 3/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giới thiệu cuốn Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông cùng những tư liệu...

edf40wrjww2tblPage:Content

 ● Sách giáo khoa Trung Quốc từng thừa nhận biên giới nước này chỉ đến đảo Hải Nam

Thể hiện xuyên suốt trong cuốn sách là sự nhất quán trong việc quản lý của Nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Theo tư liệu lịch sử, từ các triều vua thời Nguyễn, Việt Nam đã phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về trình tấu triều đình. Đến thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát, đo đạc quần đảo Hoàng Sa được tiến hành thường xuyên, quy mô rộng hơn. Sách Đại Nam thực lục viết: “Tháng Ba, mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834),… sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”…

Nhà nước phong kiến Việt Nam còn đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải, thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển, đảo. Sách Đại Việt sử ký tục biên viết: “Vào năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào”. Theo Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, nhà nước còn cho xây dựng miếu và đặt bia trên đảo Hoàng Sa.

Đặc biệt, thông qua các tư liệu lịch sử, nhóm biên soạn còn đưa ra một phát hiện thú vị, là vấn đề chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa đã được nhà nước phong kiến đưa vào những cuốn sách giáo khoa như: Khải đồng thuyết ước hay Tu thân luân lý khoa. Thuyết phục hơn cả là tấm bản đồ Việt Nam có in hình ảnh của Hoàng Sa trong sách Khải đồng thuyết ước, khắc in năm Tân Tỵ (1881).

PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm nói: “Căn cứ lịch sử trong cuốn sách chính là minh chứng để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc, rằng Hoàng Sa là của họ từ 2.000 năm trước. Tư liệu bản đồ của họ in thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ XX cho thấy, biên giới Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam”. Cụ thể, trong mục địa đồ của sách giáo khoa Trung Quốc in năm 1912, biên giới của Trung Quốc chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam. Sách Hán Nôm Giao châu dư địa chí của thời nhà Nguyễn (Việt Nam), được viết lại theo bản viết của Trương Phụ và Mộc Thạch thời nhà Minh (Trung Quốc) khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Tư liệu Hán Nôm mà Viện nghiên cứu Hán Nôm thu thập được, từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX, cũng đều nhất quán khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện đã lên kế hoạch xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh, phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI