Công bố sáu môn thi tốt nghiệp: Phía sau giờ “G”… giả

25/03/2013 - 10:12

PNO - PN - Chiều tối ngày 23/3, một website giả giao diện của một tờ báo điện tử lớn công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT 2013. Thông tin nhanh chóng lan truyền khiến giáo viên, phụ huynh học sinh hoang mang.

Việc giả mạo để tung tin công bố môn thi tốt nghiệp không phải là mới, mà hầu như năm nào cũng có. Phải chăng người tung tin thích chơi nổi hay đó là hệ quả tất yếu của việc “bảo mật” những thông tin mà lẽ ra nên công khai?

Thể dục, giáo dục công dân, công nghệ: Ba môn thi tốt nghiệp?

Hai ngày cuối tuần bỗng trở nên căng thẳng với nhiều phụ huynh, học sinh (HS) lớp 12. Thậm chí, những người đang chờ đợi công bố sáu môn thi tốt nghiệp đã nháo nhào hoang mang trước thông tin trên một website cho rằng Bộ GD-ĐT đã công bố sáu môn thi tốt nghiệp gồm: toán, văn, ngoại ngữ, thể dục, giáo dục công dân và  công nghệ.

Dư luận đã tin như thật vì website http://ledaiphat.com có giao diện “nhái” y như báo điện tử Vnexpress. Độ “tin cậy” càng tăng khi bài viết có đăng hình, trích dẫn phát biểu của ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ THPT Bộ GD-ĐT cùng các chuyên gia giáo dục. Lập tức, thông tin trên được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây hoang mang cho HS, phụ huynh. Nhiều thầy cô giáo cũng không tránh khỏi lo lắng, gọi khắp nơi hỏi thông tin.

Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Sáng 24/3, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi về thông tin này. Để xác minh, tôi đã hỏi ý kiến thì Bộ GD-ĐT cho biết vẫn chưa duyệt và càng không có việc đã công bố sáu môn thi tốt nghiệp. Dự kiến, sáu môn thi tốt nghiệp sẽ được công bố trong vài ngày tới, theo quy định là trước 30/3. Nếu tinh ý, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra đây là thông tin giả mạo bởi khó có chuyện thi tốt nghiệp bằng các môn thể dục, công nghệ...

Sáng 24/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng - người phát ngôn của Bộ GD-ĐT cũng phủ nhận việc công bố sáu môn thi tốt nghiệp. Hiện Bộ GD-ĐT chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Cong bo sau mon thi tot nghiep: Phia sau gio “G”… gia

Cong bo sau mon thi tot nghiep: Phia sau gio “G”… gia

Website giả tung tin đồn công bố sáu môn thi tốt nghiệp vẫn có nhiều người tưởng thật

Vì sao “trò đùa” luôn có đất sống?

Kể cả những người làm trong ngành giáo dục cũng hoang mang trước thông tin này: “Mỗi lần nhận những thông tin giả kiểu này, cả trường “dậy sóng”, một giáo viên dạy THPT ở Q.Gò Vấp cho biết. Cứ đầu tháng Ba là nhà trường bắt đầu trông chờ thông tin về sáu môn thi tốt nghiệp; phụ huynh, HS lo lắng hỏi giáo viên từng ngày. Giáo viên cũng hồi hộp nên cứ ngóng tin từ Bộ GD-ĐT.

Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho rằng: Tình trạng mạo danh công bố môn thi tốt nghiệp năm nào cũng xảy ra, gây hoang mang cho phụ huynh, HS và toàn xã hội nên rất cần cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý công khai và nghiêm minh để răn đe. Vì Bộ GD-ĐT chỉ cho biết chung chung sẽ công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT trước 30/3 nên thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần công khai ngày giờ cụ thể sẽ công bố môn thi, giống như việc công bố lịch thi tốt nghiệp ngay từ đầu năm học. Như vậy sẽ tránh được việc cả xã hội hoang mang trước những thông tin giả.

Một giáo viên giảng dạy ở một trường chuyên bức xúc: Chúng ta tạo cho HS tâm lý chờ đợi “giờ G” công bố sáu môn thi tốt nghiệp để làm gì? Điều này có ý nghĩa gì với các em trong khi thực tế kỳ thi tốt nghiệp không phải là quá khó, bằng chứng là có đến hơn 98,8% HS đậu tốt nghiệp THPT (số liệu của năm 2012)? Bộ GD-ĐT không muốn công bố từ đầu năm học vì sợ nhà trường, HS “học tủ”. Nhưng ngoài ba môn tốt nghiệp cố định văn, toán, ngoại ngữ, việc thay đổi ba môn thi hàng năm được chọn từ gần chục môn khác chưa hợp lý, giống như “xổ số” tốt nghiệp. Trong khi đó, theo Bộ GD-ĐT, HS trung bình dễ dàng đậu kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, người học vẫn phải chờ đợi “giờ G” vì nó liên quan đến lợi ích ở kỳ thi ĐH. Việc chọn môn này, bỏ môn kia sẽ tạo nên lợi thế cho những em dự thi ĐH “trúng tủ”, ví như nếu thi tốt nghiệp có hai môn lý, hóa thì HS dự thi khối A sẽ “khỏe” hơn những khối khác.

Theo các chuyên gia, tin đồn luôn có đất sống là hệ lụy của việc học để đối phó. Thi cử nên hướng về kiểm tra năng lực người học chứ không phải theo kiểu đối phó, kiểm tra kiến thức qua một kỳ thi. Nên chăng, cần có bộ chuẩn đánh giá mới, nên kiểm tra năng lực hiểu biết về lịch sử xã hội, kỹ năng đọc hiểu, nắm phương pháp toàn diện; học bao nhiêu thi hết bấy nhiêu, chứ không nên chỉ thi có sáu môn. Đặc biệt, những nhà quản lý đừng “nâng tầm” một kỳ thi tốt nghiệp đáng ra chỉ cần đơn giản, nhẹ nhàng.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI