Công bố loạt vi phạm trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

21/09/2018 - 07:03

PNO - Chiều tối 20/9, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra 'công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam'.

Kết luận chỉ rõ, các bước tiến hành cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Việc lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục. Trong ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn, việc định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa chưa tuân thủ theo mẫu hợp đồng được quy định.

Cong bo loat vi pham trong co phan hoa Hang phim truyen Viet Nam
Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam ồn ào dư luận suốt thời gian qua

Với việc quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.

Trong quá trình quản lý, sử dụng bốn cơ sở nhà, đất, VFS cũng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Cụ thể, đến thời điểm kiểm tra (30/10/2017), VFS chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp hợp đồng thuê đất đối với hai cơ sở nhà, đất tại hai địa điểm nói trên. Đồng thời, chậm nộp tiền thuê đất đến thời điểm 30/9/2017 số tiền hơn 21 tỷ đồng. Đến ngày 10/10/2017, VFS đã nộp số tiền thuê đất tại ba cơ sở nhà, đất số tiền hơn 14 tỉ đồng.

Về phương án sử dụng đất, đến thời điểm kiểm tra (30/10/2017), VFS được Bộ Tài chính và UBND TP.Hà Nội thống nhất để tiếp tục sử dụng đối với hai cơ sở nhà, đất đang sử dụng gồm: số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đối với hai cơ sở: số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

VFS chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Ngoài ra, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại VFS còn chưa đúng quy định, để xảy ra một số vi phạm. Việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VH-TT-DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định việc thực hiện thủ tục bán cổ phần, lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động còn có hạn chế, sai sót.
 

Cong bo loat vi pham trong co phan hoa Hang phim truyen Viet Nam
Kết luận Thanh tra chỉ rõ: công tác cổ phần hóa tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm

Từ những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT-DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy - CTCP xin rút vốn trước thời hạn. Đồng thời, giao cho Bộ chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao VFS theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài xử lí về kinh tế, Bộ VH-TT-DL phải tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm như đã nêu. Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM phải chấn chỉnh công tác quản lý, kinh doanh nhà đất trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các đơn vị đang thuê nhà, đất hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện rà soát truy thu các khoản tiền thuê nhà, đất các đơn vị còn nợ đọng.

Hãng phim truyện Việt Nam - VFS được thành lập năm 1953, gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên 20 năm qua, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, VFS chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6/2017.

Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ kỳ cựu đã bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm được xác định bằng 0 đồng.

Hãng sở hữu bốn khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM song có giá trị thấp do là đất thuê.

Trước sự việc trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa VFS và định giá lại thương hiệu hãng phim.

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI