Công bố giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh

25/03/2013 - 16:40

PNO - PNO - Sáng 25/3, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vừa công bố sáu cá nhân là các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, khoa học, dịch giả trong và ngoài nước đã đoạt giải thưởng năm nay cho những chấn hưng nền văn hóa nước nhà.

Cong bo giai thuong van hoa Phan Chau Trinh Cong bo giai thuong van hoa Phan Chau Trinh
GS Lê Thành Khôi và Philippe Langlet nhận giải thưởng sớm từ bà Nguyễn Thị Bình trong khuôn khổ
Tuần lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam
từ 19 - 26/3 tại Pháp - Ảnh: LÊ HÀ

Hạng mục “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” được trao cho bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen vì những hoạt động hiệu quả cho việc đổi mới giáo dục ĐH & CĐ, và ông Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường cho nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường và thúc đẩy phát triển nghệ thuật Việt Nam đương đại.

Giải “Dịch thuật” vinh danh Chu Tiến Anh với hàng trăm dịch phẩm ông đã dịch và tham gia dịch, đặc biệt là bộ sách công phu về triết học giáo dục của tác giả Edgar Morin, đáng kể nhất là ba cuốn Đạo đức học, Tư tưởng, Tri thức về tri thức trong bộ sáu cuốn Phương pháp (La Méthode) và tác phẩm Nhập môn tư duy phức hợp.

Cùng có tên trong hạng mục này là Phạm Duy Hiển (bút danh: Phạm Nguyên Trường) với các dịch phẩm xuất sắc về khoa học xã hội nhân văn và kinh tế học như: Về trí thức Nga, Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi, Thị trường và đạo đức, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660 - 1783. Dịch giả Phạm Nguyên Trường còn được biết đến với bút danh Phạm Minh Ngọc.

Giải “Nghiên cứu” thuộc về GS Lê Thành Khôi, Việt kiều tại Pháp, vì những cống hiến nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền văn hóa từ Đông sang Tây. Ông là tác giả của gần 20 cuốn sách quan trọng và 30 - 40 bài báo, tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, khoa học, giáo dục và văn hóa, trong đó phải kể đến hai cuốn Le Việt-Nam, histoire et civilisation (Việt Nam: lịch sử và văn minh) và Histoire du Vietnam des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1858). Ông cũng là cha của tay guitarist trứ danh Nguyên Lê.

Người nước ngoài duy nhất có tên trong giải thưởng năm nay là Philippe Langlet, vị GS sử học người Pháp đã dành cả cuộc đời nghiên cứu của mình để hướng về Việt Nam, miệt mài đem tinh hoa văn hóa và lịch sử Việt Nam quảng bá ra khắp thế giới. Ông nhận giải thưởng ở hạng mục “Việt Nam học”.

Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, mang tên nhà văn hóa Phan Châu Trinh (1872 - 1926), người chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tiền thân của Quỹ là Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh, được thành lập tháng 1/2007. Việc đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vào năm 2008 đánh dấu sự mở rộng các hoạt động của Quỹ.

Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới, Quỹ có nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc, tổ chức phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới.

Từ 2007 đến 2011, Quỹ đã vinh dự trao tặng và vinh danh nhiều dịch giả, nhà khoa học, nhà văn hóa trong và ngoài nước như Bùi Văn Nam Sơn, Lê Hồng Sâm, Nguyễn Đình Đầu, David Marr, Hồ Ngọc Đại, G. Condominas, Hoàng Tụy, Kevin Bowen, Nguyễn Sự, Nguyễn Văn Khoa, Alain Ruscio…

Lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 19g ngày 29/3 tại Khách sạn Rex (TP.HCM), dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

HOÀNG YẾN

Từ khóa Phan Châu Trinh
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI