Công bố Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025

16/12/2024 - 11:07

PNO - Bạc Liêu được xem là “thủ phủ muối”, không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân, mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt.

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo công bố Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”, chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”.

Theo đó, lễ hội được tổ chức từ ngày 6 - 8/3/2025, tại Bạc Liêu. Dự kiến sẽ có các hoạt động chính: Lễ khai mạc; Khu vực với khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, các sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến…

Tỉnh Bạc Liêu muốn tôn vinh nghề muối thông qua Festival
Tỉnh Bạc Liêu muốn tôn vinh nghề muối thông qua Festival

Chia sẻ về lịch sử nghề muối, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTN - nhấn mạnh đến vai trò và sức ảnh hưởng của muối đối với nhân loại, suốt 7.000 năm qua.

Nước ta có tiềm năng lớn, với 3.200km bờ biển; 11.000ha sản xuất muối phục vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, công nghiệp, y tế và làm đẹp; sự đa dạng sản phẩm vùng miền. Hạt muối Việt Nam có trên 160 chất và khoáng chất… Hạt muối cũng đi vào đời sống văn hóa người Việt: Đền thờ bà chúa muối ở Thái Bình, tục mua muối đầu năm…

Với Bạc Liêu, nghề làm muối đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2020).

Ban tổ chức kỳ vọng, qua việc tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng sẽ khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối; để hạt muối Việt Nam được sản xất theo hướng hiện đại, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt muối.

Festival cũng tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ muối và các sản phẩm OCOP giữa các địa phương trong cả nước.

Qua đó tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tác nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh muối trong nội bộ ngành muối và với các lĩnh vực khác như du lịch, y tế, ẩm thực; đồng thời, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản nghề muối ở Bạc Liêu và các địa phương tham gia.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 420 cơ sở lưu trú với khoảng 4.500 phòng phục vụ lễ hội; 11 địa điểm du lịch được bình chọn là "Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long".

M. Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI