Cuộc thi nhằm tôn vinh vị trí, vai trò quan trọng của doanh nhân trong xã hội, không chỉ giỏi kinh doanh, đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước, mà còn biết trân trọng giá trị gia đình, đặc biệt là với bậc sinh thành và người thân.
|
Ông Nguyễn Tấn Phong (phải) - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo - đánh giá, Báo Phụ nữ TPHCM chọn chủ đề "chữ hiếu và gia đình" hết sức ý nghĩa. |
Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa truyền thống hiếu đạo trong gia đình, lòng trung hiếu đối với đất nước cùng văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, để thế hệ trẻ học hỏi và áp dụng trong chính cuộc sống của mình, từ đó góp phần phát triển nền tảng văn hóa hiếu đạo và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Hoạt động hướng đến kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2024).
Nói về cuộc thi, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM – cho rằng, trong cuộc đời mỗi doanh nhân, lòng hiếu thảo với gia đình và lòng trung hiếu với đất nước là hai giá trị song hành và tương hỗ lẫn nhau. Lòng hiếu thảo là nền tảng của đạo đức, thúc đẩy doanh nhân luôn hướng về cội nguồn, tri ân công lao của cha mẹ, và dùng tình yêu thương làm kim chỉ nam trong mọi quyết định.
Từ lòng hiếu thảo ấy, doanh nhân nhận ra rằng trách nhiệm không chỉ dừng lại ở gia đình, mà còn mở rộng ra xã hội và đất nước. Lòng trung hiếu đối với quốc gia chính là sự cam kết cống hiến hết mình để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.
Khi doanh nhân kết hợp được hai giá trị này, họ không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần xây dựng một đất nước thịnh vượng, công bằng và bền vững.
|
Bà Lý Việt Trung - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM |
Cuộc thi viết "Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình" do Báo Phụ nữ TPHCM và Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn tổ chức, không chỉ là một sân chơi chữ nghĩa, mà còn là một nơi để chúng ta chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm cảm động và đầy ý nghĩa về lòng hiếu thảo, về sự chăm lo và tình yêu thương trong gia đình.
Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại và tôn vinh những tấm gương sáng của các doanh nhân, những người luôn biết cân bằng giữa sự nghiệp và bổn phận với gia đình, đồng thời trung hiếu với đất nước và luôn sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng. Qua đó chúng tôi muốn góp phần phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế.
Ý tưởng độc đáo nhất của cuộc thi này là chúng ta không chỉ tôn vinh những thành tựu kinh tế, mà còn tôn vinh những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả. Qua những bài viết, chúng ta sẽ thấy được sự hòa quyện giữa sức mạnh của kinh tế và sức mạnh của gia đình, giữa tài năng kinh doanh và lòng nhân ái.
"Đây chính là thông điệp sâu sắc mà cuộc thi muốn truyền tải - rằng doanh nhân không chỉ là những người giỏi kiếm tiền, mà còn là những người giỏi sống, giỏi yêu thương và chia sẻ"– Bà Lý Việt Trung chia sẻ.
|
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sài Gòn |
Tiến sĩ Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, đồng trưởng ban tổ chức - cho biết, lâu nay, người doanh nhân thường chỉ được nhìn thấy ở góc độ kinh doanh.
Mỗi doanh nhân cũng đều có gia đình và mỗi gia đình sẽ có những câu chuyện khác nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nhân mải mê kinh doanh, ít có thời gian dành cho gia đình, chia sẻ với người bạn đời, chăm sóc và nuôi dạy con nên người, đặc biệt là dành thời gian ở bên cạnh các bậc sinh thành.
Do đó, thông qua việc phối hợp với Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức cuộc thi viết “Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình”, CLB DNSG mong muốn cùng với Báo Phụ Nữ lan toả giá trị của gia đình.
Thông qua những câu chuyện về lối sống tốt đẹp của người doanh nhân không chỉ biết hoặc giỏi kinh doanh, mà còn biết trân trọng giá trị gia đình, đặc biệt là với bậc sinh thành, với người thân và biết chia sẻ, gách vác trách nhiệm xã hội, tạo ra nếp sống tốt đẹp.
Khi người doanh nhân biết xây dựng văn hóa trân trọng gia đình ngay tại doanh nghiệp, sẽ chính là tấm gương để người lao động noi theo, đồng thời góp phần phát triển nền tảng văn hóa hiếu đạo và hạnh phúc trong cộng đồng.
Với vai trò là trưởng ban tổ chức, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ mong thông qua cuộc thi viết này, các anh chị nhà báo, phóng viên sẽ là những cầu nối mang đến cho công chúng những câu chuyện hay về người doanh nhân ở một góc độ mà lâu nay chúng ta ít được biết đến, đó là những câu chuyện gắn với lối sống đẹp của người doanh nhân đối với người thân của họ, thậm chí là cả những người yếu thế, khó khăn trong xã hội.
Nhận định về cuộc thi, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban tuyên giáo Thành Uỷ TPHCM - đánh giá cao cuộc thi do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức. Đáng lẽ ra ông Khuê sẽ đi công tác tại Hà Nội, nhưng vẫn quyết định ở lại dự buổi họp báo này, vì ông thấy rằng cuộc thi quá nhiều ý nghĩa.
|
Ông Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi họp báo |
Khi đến hội trường, nhìn vào phông nền thiết kế trên sân khấu, ông cho rằng cuộc thi sẽ thành công ngoài mong đợi vì chữ "Hiếu" được viết hoa, chữ "gia đình" màu đỏ rất chân phương, chữ "doanh nhân" màu xanh rất khẳng khái khoẻ mạnh. "Tôi đánh giá cao ý tưởng của báo, cách thể hiện tiêu đề"- ông nói.
Dưới góc độ trong công việc, ông Phan Nguyễn Như Khuê thấy cuộc thi của của Báo đã khởi động bước đi hết sức cần thiết và quan trọng. Cuộc thi không giới hạn trong cộng đồng doanh nhân mà đã tải lên ý nghĩa hết sức sâu xa trong xã hội, gióng lên như một tiếng chuông để xã hội cùng tiệm cận và thay đổi góc nhìn.
Nếu tế bào xã hội không vững bền, thì cơ sở Đảng khó vững mạnh, tổ chức khó sẻ chia, gắn kết. Vun bồi giá trị vĩnh hằng mà mọi người phải nằm lòng là hiếu nghĩa, để xây dựng đất nước cường thịnh, hạnh phúc.
Ông Khuê đánh giá hội đồng ban giám khảo cuộc thi là những thành viên rất am hiểu, biết cầm cân nẩy mực chuẩn xác, sẽ chạm đến từng cảm xúc riêng lẻ qua tác phẩm, vượt lên mong đợi cuộc thi đặt ra.
"Tôi sẽ tường thuật lại cuộc thi này với ban thường vụ thành uỷ vì cuộc thi phải đi xa hơn, không chỉ trong cộng đồng doanh nhân với gia đình mà chúng tôi muốn mượn cuộc thi này nói với cộng đồng trong xã hội về chữ hiếu đạo, đó không chỉ là chữ hiếu với gia đình, mà còn là chữ hiếu với cộng đồng, đồng chí, dân tộc..." - ông Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá.
Bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM - cho biết, bà hết sức xúc động về những chia sẻ của anh Khuê về đề tài của báo Phụ nữ TPHCM, về ý nghĩa của cuộc thi viết về doanh nhân. Bà cũng là những người lính trong cuộc chiến thầm lặng về thương trường. Đời sống của bà và những doanh nhân nói chung trong bối cảnh toàn cầu hiện nay để ổn định doanh nghiệp, thì không được phép xao lãng giá trị gia đình và chữ hiếu của mình.
|
Bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM |
Bà Chi đánh giá các thành viên trong doanh nhân đều có nhiều câu chuyện ý nghĩa về gia đình, tình bạn bè, đồng nghiệp. "Trong lối sống, nhất là doanh nhân rất "dễ hư", dễ thay đổi, nên thông qua chữ hiếu đạo, hiếu nghĩa từ gia đình, chúng ta biết giữ gìn giá trị cốt lõi của bản thân. Chắc chắn cuộc thi viết sẽ rất nhiều ý nghĩa , sẽ lưu lại cho thế hệ kế thừa những câu chuyện hay" - bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo - đánh giá, Báo Phụ nữ chọn chủ đề "chữ hiếu và gia đình" hết sức ý nghĩa, nhẹ nhàng phù hợp với tôn chỉ của Báo. Doanh nhân chúng ta đều biết, là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ này, gia đình là căn cốt của xã hội, của mỗi người. Doanh nhân hay bất cứ giới nào thành đạt về mặt nghề nghiệp, nếu gia đình không được như ý cũng không trọn vẹn trong cuộc sống. Ông Phong khẳng định: việc lựa chọn đối tượng doanh nhân đi vào chữ hiếu gia đình rất ý nghĩa.
Ban tổ chức bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động cuộc thi 15/11/2024 đến ngày 15/5/2025. Thời gian tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào Ngày gia đình Việt Nam năm 2025: 28/6/2025.
Quốc Thái - Thanh Hoa. Ảnh: Thành Lâm
Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM: Doanh nhân cũng hoàn toàn có thể tham gia viết, có thể chữ nghĩa không giống như nhà văn – nhà báo. Những tâm tình, câu chuyện của các anh hoàn toàn có thể khai thác tốt. Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE): Thông qua cuộc thi do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức đã nâng tâm giá trị của gia đình trong doanh nhân, vì truyền thống chữ hiếu với gia đình của người Việt Nam rất lớn, được xem như một thương hiệu quốc gia. Những người trẻ, khoảng cách thế hệ nhất là con của doanh nhân đã đi du học nước ngoài, nên cuộc thi này cần được tổ chức định kỳ, mỗi kỳ xuất bản thành sách để lưu giữ ý nghĩa giá trị của gia đình trong truyền thống của Việt Nam. Tôi cũng vừa tổ chức cuộc thi và cũng có khó khăn, nhưng việc sử dụng công nghệ để chia ra cho doanh nhân viết và người chuyên nghiệp nghiệp viết để tạo sân chơi đa dạng hơn cho cuộc thi. Bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM: Tôi vừa là thành viên ban giám khảo cuộc thi viết “Vẻ đẹp về nước”. Tôi nhận được hàng trăm bài viết, trong đó có những bài viết do chính những nhân viên trong ngành cấp thoát nước TPHCM viết. Đọc đến đâu, tôi không nén được xúc động đến đó vì không ai hiểu họ hơn chính bản thân họ. Cuối cùng ban giám khảo đã phải tách giải thưởng thành hai phần, có thêm giải “truyền cảm hứng”. Với cuộc thi “Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình”, nếu doanh nhân tự viết về những gương nhân vật xung quanh mình thì cảm xúc bài viết không gì diễn tả được. | Từ trái sang: Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban tuyên giáo Thành Uỷ TPHCM, bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân |
Nhà thơ Lê Minh Quốc – Thành viên Ban giám khảo cuộc thi: Lâu nay nói đến doanh nhân đều nói đến lợi nhuận, tiền bạc. Báo Phụ nữ TPHCM đã làm điều rất mới là gắn với chữ hiếu. Khi được mời làm ban giám khảo, tôi đã đặt câu hỏi “liệu doanh nhân có chữ hiếu hay không”. Sống trong cuộc đời này, ơn nghĩa lớn nhất là ơn nghĩa ông bà, đất nước. Hiếu ở đây là đất nước, với gia đình, non sông. Một một người bình thường, trả hiếu bằng nhiều thứ. Vậy doanh nhân trả hiếu bằng gì? Trả hiếu bằng cách làm giàu cho đất nước này, là trả hiếu cho đất nước. Do đó các bài viết dự thi có thể khai thác theo hướng này. |
THỂ LỆ CUỘC THI “DOANH NHÂN VỚI CHỮ HIẾU VÀ GIA ĐÌNH” 1. Đối tượng dự thi - Mọi công dân Việt Nam sinh sống ở Việt Nam và nước ngoài, kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hoặc tạm trú để kinh doanh, làm việc tại Việt Nam. - Các tác giả dự thi theo hình thức cá nhân tự do hoặc theo nhóm (trong trường hợp nhóm tham gia dự thi thì tác phẩm dự thi phải được gửi với tên của tất cả mọi người trong nhóm và tên trưởng nhóm. Trong trường hợp tác phẩm do nhóm tham gia đoạt giải thì giải thưởng cho tác phẩm là giải thưởng cho cả nhóm và trưởng nhóm/ hoặc thành viên trong nhóm là người đại diện nhận giải). 2. Nội dung Bài viết tham dự cuộc thi viết “Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình” phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của người doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình giúp người doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. 3. Hình thức bài dự thi Tác phẩm dự thi là những bài viết chưa từng tham gia tại các cuộc thi khác, các bài chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Mỗi tác phẩm dự thi từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt, có ngôn ngữ trong sáng, phù hợp thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung bài viết (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả của ảnh minh họa). 4. Về quy định bài viết dự thi Số lượng tác phẩm dự thi: không giới hạn. Tác phẩm dự thi phải ghi rõ thông tin cá nhân gồm: Họ và tên tác giả, giới tính, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi công tác, số điện thoại, căn cước công dân của tác giả và thông tin liên hệ của nhân vật được nêu trong bài viết dự thi gồm: họ và tên nhân vật, chức danh của nhân vật tại doanh nghiệp (nếu đang hoạt động), thông tin liên hệ (số điện thoại, email). Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. 5. Phương thức xét chọn bài viết dự thi Hình thức xét chọn theo 2 vòng: + Vòng sơ khảo: Ban Thư ký sẽ chấm và chọn ra 24 bài viết. Các bài viết này được đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM. Trong trường hợp các bài thi có điểm số bằng nhau, thì Trưởng, và các Phó ban Thư ký sẽ quyết định bài được chọn trên cơ sở bỏ phiếu. + Vòng chung khảo: Hội đồng Giám khảo sẽ căn cứ vào chất lượng của 24 bài lọt vào vòng sơ khảo để chấm và chọn ra các bài viết để trao giải theo cơ cấu giải thưởng. Trong trường hợp các bài thi có điểm số bằng nhau, thì Chủ tịch Hội đồng, và các Phó Chủ tịch sẽ quyết định bài được chọn trên cơ sở bỏ phiếu. 6. Các trường hợp bài thi bị loại Các bài viết sao chép dưới mọi hình thức hoặc có tranh chấp bản quyền. Bài thi của Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký của cuộc thi (không được tham gia dự thi) 7. Cơ cấu giải thưởng 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 Giải bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM): 1 triệu đồng/ giải Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được tặng Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi. (Hiện kim + hiện vật) Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). 8. Một số quy định khác Tác giả (nhóm tác giả) dự thi chịu trách nhiệm về bản quyền đối với bài dự thi của mình theo đúng qui định của pháp luật. Ban tổ chức (BTC) không chịu trách nhiệm về tranh chấp liên quan đến bản quyền, các khiếu nại những nhân vật liên quan trong tác phẩm. Trường hợp BTC phát hiện sai phạm sẽ thu hồi nhuận bút, giải thưởng. - Người nhận giải thưởng chịu trách nhiệm nộp thuế, phí theo quy định của pháp luật. - BTC không hoàn trả bản thảo, hình ảnh tác phẩm gửi dự thi. BTC có quyền sử dụng các tác phẩm dự thi để phục vụ cho công tác quảng bá, tuyên truyền, hoặc in sách sau cuộc thi. Đối với các bài viết được BTC lựa chọn đăng báo/in sách sẽ hưởng nhuận bút theo quy định và chi trả một lần. - Nhân vật trong bài viết phải là người thật, việc thật, không hư cấu, có thể là câu chuyện của doanh nhân qua các thời kỳ. Đối với các nhân vật lịch sử thì cần nêu rõ các tài liệu tham khảo phục vụ cho bài viết. - Bài viết không tuân thủ quy định chung hoặc thông tin không phù hợp sẽ bị loại mà không cần thông báo trước hay trả lại cho tác giả. - Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu bài dự thi bị thất lạc trong quá trình gửi đến Ban tổ chức và trường hợp người dự thi cung cấp sai thông tin cá nhân, dẫn đến việc không liên lạc được. - BTC có quyền điều chỉnh số lượng giải thưởng cho phù hợp với thực tế dự thi và quyết định cuối cùng về tác phẩm đoạt giải thuộc về BTC. |