Công bằng nào trong chuyện thôn Ngọa Cương thu lại tiền cứu trợ của dân?

30/10/2020 - 18:19

PNO - Sẽ không có lý lẽ nào hay bất kỳ ai có thể giải thích câu hỏi tại sao người không thuộc đối tượng cứu trợ vẫn sẽ nhận được tiền cứu trợ.

Chuyện thôn Ngọa Cương (xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thu lại toàn bộ 413 triệu đồng do vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên (thay mặt các Mạnh Thường Quân cả nước trao tặng) cho 69 hộ dân bị thiệt hại trong trận lũ lịch sử vừa qua để sau này “bình xét” và “chia đều” đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Không có chút công bằng nào trong việc thôn làng thu lại tiền cứu trợ từ các nạn nhân bão lũ để phân chia cho các đối tượng khác(Trong ảnh: Người dân huyện Lệ Thủy xếp hàng nhận cứu trợ từ vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh) - Ảnh: Trường Nguyên
Không có chút công bằng nào trong việc thôn, làng thu lại tiền cứu trợ từ các nạn nhân bão lũ để phân chia cho các đối tượng khác. (Trong ảnh: Người dân huyện Lệ Thủy xếp hàng nhận cứu trợ từ vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh) - Ảnh: Trường Nguyên

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Hữu Cần - trưởng thôn Ngọa Cương - cho rằng, đó là “lệ thôn” và tất cả người dân trong thôn đều “tự nguyện” thực hiện. Chưa hết, theo ông Cần tiết lộ, việc thu hết tiền, quà cứu trợ để sau đó tái phân bổ đã được thôn này áp dụng hơn chục năm nay, bất kể số tiền và quà thu được từ nguồn nào, bao nhiêu.

Giải thích cho thứ lệ "quái dị" của thôn Ngọa Cương, ông Cần nói người dân nộp tiền về thì khi được cấp phát lại, họ vẫn sẽ được ưu tiên, như trong trường hợp 6 triệu đồng/hộ do vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh trao thì các nạn nhân chịu thiệt hại do lũ sẽ được nhận lại 4 triệu đồng, 2 triệu đồng còn lại (tương đương 138 triệu đồng) sẽ được chia cho những hộ khác không thuộc đối tượng được cứu trợ.

Sự công bằng, nghĩa tình thôn xóm ở Ngọa Cương thực chất là sự bất công khủng khiếp đối với chính những người được nhận cứu trợ, đối với vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh lẫn các Mạnh Thường Quân đã hết lòng vì người dân miền Trung, đồng thời đã coi thường kỷ cương, phép nước.

Nên nhớ, trong những chuyến đi đến các xã, huyện, tỉnh, thành khác, Thủy Tiên không hề ngại chuyện đến từng nhà, gặp từng người, trao tận tay. Việc cô thông qua danh sách các hộ gia đình cần cứu trợ từ thôn, xã là sự phối hợp với địa phương, để khoản tiền cứu trợ đến được nhanh nhất, với những người thực sự cần.

Sẽ không có lý lẽ nào hay bất kỳ ai có thể giải thích câu hỏi tại sao người không nằm trong danh sách đối tượng cứu trợ (có thể vì khá giả, vì không bị thiệt hại) vẫn sẽ nhận được tiền cứu trợ. Không hề có sự công bằng nào ở đây cả khi số tiền lẽ ra có thể giúp giảm bớt chút khó khăn cho các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt lại bị hụt đi tận 2 triệu đồng.

Trên hết, việc thôn Ngọa Cương thu lại tiền cứu trợ là một sự lừa dối trắng trợn đối với Mạnh Thường Quân cả nước. Thông qua hình ảnh Thủy Tiên - Công Vinh tận tay trao quà cho các nạn nhân lũ lụt, các Mạnh Thường Quân đã có được niềm tin tiền đã đến đúng nơi, đúng người, như tấm lòng thiện của họ gửi trao, chứ đâu ngờ tiền sẽ bị hụt vào tay ai đó.

Những thứ “lệ làng” lâu nay vẫn tồn tại ở khắp nơi, đeo đẳng đời sống người dân, liệu có thể dẫn tới chuyện người giàu ngồi chờ tai ương để được chia phần từ những người khốn khổ? Những trò vận động nhân dân tự nguyện bớt lại tiền cứu trợ để thôn xã xây sân bóng đá, để phục vụ công tác dân sinh nào đó như đã từng xảy ra đó đây thoạt nghe hữu lý nhưng hết sức vô tình.

Rất may, cuối cùng thì sự việc ở Ngọa Cương đã được huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Hóa can thiệp nhanh chóng và dứt khoát - tiền của dân đã được trả lại ngay cho người dân. Vụ việc này cần được xem là bài học lớn trong công tác cứu trợ đến các địa phương vùng sâu, vùng xa; để người dân giữ được niềm tin với chính quyền, để sức người sức của phát huy hiệu quả giúp người dân ổn định cuộc sống qua gian khó.

Phạm Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI