Công bằng là con số cần, thưa Thủ tướng!

02/08/2017 - 14:10

PNO - 60% - mức đóng góp của kinh tế tư nhân vào cơ cấu GDP là mục tiêu hành động của Chính phủ theo Nghị quyết Trung ương 5; và cũng là mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế tư nhân.

Sáng 31/7, trước giờ khai mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân, 80 doanh nhân đã cùng ăn sáng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ trao đổi, giãi bày câu chuyện lập nghiệp, làm ăn của mình với người đứng đầu Chính phủ.

Cong bang la con so can, thua Thu tuong!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các doanh nhân tại Diễn đàn kinh tế tư nhân

Ngay sau đó, trên diễn đàn, tiếp nối không khí vừa cởi mở, thân thiện vừa thẳng thắn, quyết liệt, những gút mắt về quan niệm, cơ chế, chính sách, nguồn vốn, đất đai - biểu hiện thành lực cản - khiến kinh tế tư nhân vẫn cứ là “đứa con bị từ chối” dù sức đóng góp trong cơ cấu GDP, “đứa con” ấy luôn dẫn đầu trong 5 năm trở lại đây, đã tiếp tục được đối thoại.  

Rõ là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân đang đi vào cuộc sống mà những giải pháp hành động của Chính phủ và bộ máy công quyền đang thật sự tạo niềm tin, khích lệ và những bước đi căn bản của kinh tế tư nhân. Với mức đóng góp trên 43% vào cơ cấu GDP, bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ lệ khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%, đã cho thấy nội lực và ý chí làm giàu, trước hết là cho bản thân (doanh nghiệp) và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia của bộ phận thương nhân Việt.

Tại TP.HCM, tỷ lệ đóng góp vốn của kinh tế tư nhân còn vượt trội: đạt mức 65,1% trong tổng đầu tư hàng năm của thành phố, trong khi khu vực kinh tế FDI chỉ đạt 15%, thấp hơn cả mức bình quân cả nước, kinh tế nhà nước đạt 19,9%. 

Thử hỏi, trong cái cơ cấu GDP kia, liệu chừng mức đóng góp 28,9% của khu vực kinh tế nhà nước có là chính xác khi ngoại trừ những tập đoàn, tổng công ty, đơn vị hoạt động có hiệu quả, thì các “đầu tàu” rệu rã, thậm chí là mục ruỗng mang danh kinh tế nhà nước đã “góp phần” làm suy yếu, tàn phá sức đóng góp của các nguồn lực kinh tế khác.

Từ quan niệm xếp lớp “sĩ-nông-công-thương”, kéo theo quy nạp phẩm chất, hành vi, đánh giá “con buôn” với cái nhìn đầy nghi kỵ, bế quan tỏa cảng cho đến quan điểm “mấu chốt trong phát triển kinh tế của thành phố (đất nước) là mối quan hệ giữa chính quyền (mà cụ thể là người đứng đầu thành phố) với doanh nghiệp”, diễn dịch thành là những biện pháp chủ động tháo gỡ về chính sách, tìm kiếm để trao cơ hội đầu tư, công nhận vai trò chủ lực trong chuyển dịch và phát triển nền kinh tế quốc dân. Đó là một bước tiến dài đầy…vật vã, đã có lúc thụt lùi, kể cả trả giá nhưng chưa bao giờ phá sản niềm tin và khát vọng làm giàu của người dân Việt vốn ăn chắc mặc bền, xem trọng truyền thống an cư, lạc nghiệp. 

Chiều 31/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi thông cáo báo chí thông báo kết luận của kỳ họp 16, trong đó đề nghị xem xét kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đã vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước gây hậu quả rất nghiêm trọng. Cùng ngày, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đầu thú. 

Cong bang la con so can, thua Thu tuong!
Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban Bộ Công an đầu thú

Không quá ngạc nhiên, cũng chẳng còn phải… há hốc trước những con số cứ dài ra theo tỷ lệ thất thoát ngân sách, những kiểu cứ gọi là quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lạ lùng hay mường tượng đường đi của những nấc thang công danh. Họ toàn kinh qua những chức danh, vị trí tót vời ở một ngành, một địa phương, một tập đoàn; họ nắm quyền bính ở mọi khâu, hô phong hoán vũ từ công tác cán bộ - con người đến tiền của, đất đai, tài sản công sang tư, tư về công, công tư lộn tùng phèo…

Và họ, là những công bộc, nắm trong tay “đứa con cưng” kinh tế nhà nước. 

Kể ra thì các sai phạm xảy ra ở nhiều thời điểm, nhiều đơn vị, nhiều mức độ nhưng tựu trung, cũng mòng mòng quanh mấy chữ tiền và tài. Tiền thì tiền công nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự lỏng lẻo của chính sách, vốn do chính họ điều hành, áp dụng để chiếm đoạt, biển thủ thành của riêng. Tài không phải là tài năng mà là tài sản, trong đó có con người. Con người bị họ vật thể hóa, phục vụ và chịu phục vụ cho ý đồ xấu nên cũng chỉ là một thứ sản vật không hơn không kém. 

Thử hỏi, trong cái cơ cấu GDP kia, liệu chừng mức đóng góp 28,9% của khu vực kinh tế nhà nước có là chính xác khi ngoại trừ những tập đoàn, tổng công ty, đơn vị hoạt động có hiệu quả, thì các “đầu tàu” rệu rã, thậm chí là mục ruỗng mang danh kinh tế nhà nước đã “góp phần” làm suy yếu, tàn phá sức đóng góp của các nguồn lực kinh tế khác.

Những cú bung phá tiền tỉ, những cuộc hô hoán chuyển đổi đất đai, tài sản gắn liền trên đất của chiếc áo cổ phần hóa thời thượng, cơ man những nhập nhằng ấy, họ luồn lách qua từng khe hở của chính sách; họ thông đồng qua từng khâu từng cấp của quy trình, thủ tục; họ lận lưng “bảo kiếm” kinh tế nhà nước cấp vốn ngân sách, đất sạch (đã được đền bù bằng tiền ngân sách), mục tiêu phát triển kinh tế vùng, địa phương…

Tháng Tám này là thời hạn cuối cùng để 40 tàu vỏ thép bị hư hỏng được… định đoạt ra khơi hay tiếp tục nằm bờ. Khi hàng chục con tàu vỏ thép được rã ra làm lại, mới lộ thêm những lớp sơn “đối phó” - thay vì sơn 5 lớp thì công ty chỉ sơn 1-2 lớp, hay trang bị hệ thống máy tính, dò định vị loại chuyên biệt đường thủy thì nhà lắp ráp, sản xuất dùng luôn sản phẩm… đường bộ. Không đắm tàu mới lạ! 

Một trong hai đơn vị chịu trách nhiệm là công ty TNHH một thành viên đóng tàu Nam Triệu, trực thuộc Bộ Công an. 

Cong bang la con so can, thua Thu tuong!
Những tàu cá vỏ thép trị giá gần 20 tỷ đồng của ngư dân Bình Định phải nằm bờ sau nhiều tháng nay sau khi xuất xưởng

Rõ ràng, khoác lên mình danh nghĩa nào, là đơn vị kinh tế nhà nước, hay đơn vị kinh tế trực thuộc (chủ sở hữu là tổ chức nhà nước, thậm chí là đơn vị lực lượng vũ trang), hoặc kinh tế tư nhân mà thái độ, hành vi kinh doanh, điều hành doanh nghiệp không minh bạch, gian lận, biển thủ, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm kiểm soát, giám sát thì thất thoát, tham ô, phá sản là điều không tránh khỏi. 

60% - mức đóng góp của kinh tế tư nhân vào cơ cấu GDP là mục tiêu hành động của Chính phủ theo Nghị quyết Trung ương 5; và cũng là mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế tư nhân. 

Và để đạt con số 60% ấy, hay hơn thế nữa là phép cộng của những điều chỉnh chính sách còn bất cập, xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai và triệt tiêu các điều kiện mầm cho nhóm lợi ích, nhóm trực thuộc, liên kết giữa các bộ ngành, đơn vị nhà nước dưới mọi hình thức, nhân danh. 

Công bằng, là tỷ lệ cao nhất cần đạt được trong con số 60% ấy, thưa Thủ tướng!

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI