Công bằng không đến từ một phía

05/11/2018 - 06:19

PNO - Một khi sự công bằng chỉ là tuyên bố từ một phía, là thực thi có tính đơn phương thì chẳng có công bằng nào hết!

Dòng trạng thái trên Twitter, ngày 1/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định về “cuộc nói chuyện dài và rất tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục xác nhận trước báo giới, ngày 2/11 rằng có thể đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, hai nước đã có nhiều tiến bộ nhằm giải quyết khác biệt. 

Ngay lập tức, cổ phiếu Hồng Kông và Trung Quốc đều tăng điểm. Giao dịch đồng tệ ngoài Trung Quốc cũng tăng 0,31%.

Cong bang khong den tu mot phia
Tháng 11 với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (6/11) và Hội nghị Thượng đỉnh G20 (30/11-1/12) có cải thiện mối quan hệ căng thẳng của Mỹ và Trung Quốc? - Ảnh: CNBC

Nhưng ngay cả sau lời nói ngọt ngào ấy cùng hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán, thế giới, nhất là Trung Quốc vẫn chất chứa những hoài nghi về các động thái tiếp theo của ông Donald Trump. Thậm chí, còn quá nhiều “hố đen” trong mối quan hệ giữa hai nước lớn trước ngày cùng gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina), cuối tháng 11. Trong đó, Tổng thống Mỹ đặt luôn điều kiện nếu không đạt được “thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người, và đó sẽ là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ” thì ông sẽ tiến hành áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. 

Sự công bằng - với Mỹ, chính là giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung, chấm dứt tình trạng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, xóa bỏ chính sách trợ cấp công nghiệp. 

Sự công bằng - về phía Trung Quốc là Mỹ cần phải giữ các nguyên tắc cơ bản trong giao lưu quốc tế như tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương bình đẳng… Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền kinh tế, “dọa nạt thương mại”, “bảo hộ mậu dịch”.

Và một khi sự công bằng chỉ là tuyên bố từ một phía, là thực thi có tính đơn phương thì chẳng có công bằng nào hết! 

Ngày 26/10, chính quyền bang California đã buộc tội đánh cắp bí mật thương mại đối với Công ty Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. của Trung Quốc, United Microelectronics Corp của vùng lãnh thổ Đài Loan và ba cá nhân. Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ cũng ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ không bán linh kiện, công nghệ và hàng hóa cho Jinhua - công ty đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ chip của Trung Quốc và “được chính phủ Trung Quốc cấp vốn nhằm thiết kế và sản xuất loại chip DRAM”. Cáo buộc nói trên còn chỉ rõ trước khi Jinhua đánh cắp công nghệ từ Micron - công ty duy nhất của Mỹ sản xuất DRAM - Trung Quốc chưa hề sở hữu công nghệ DRAM. 

Ngày 1/11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions thẳng thừng tuyên bố trong cuộc họp báo tại Washington: “Đã đến lúc Trung Quốc cần gia nhập cộng đồng các quốc gia tuân thủ luật pháp. Thương mại quốc tế đã mang lại cho Trung Quốc những điều tốt đẹp nhưng sự gian lận cần phải chấm dứt”. 

Cùng ngày, khi phía Mỹ đưa ra những cáo buộc khá gay gắt, tại Trung Quốc, lần đầu tiên sau 5 năm nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức buổi tọa đàm đặc biệt với các nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là lĩnh vực công nghệ cao. Tinh thần tự lực được Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, trong đó Trung Quốc cần có khả năng tự đứng vững, giảm phụ thuộc vào Mỹ, nhất là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thế hệ mới. 

“Tự lực là khởi đầu cho cuộc đấu tranh của Trung Quốc” - lời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Phải kiểm soát trí tuệ nhân tạo và đảm bảo rằng nó được “giữ chắc trong tay của chính chúng ta”, ông nói trước các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Ý chí và tuyên bố này một mặt là sự củng cố niềm tin các doanh nhân trong nước trước làn sóng tấn công thương mại của Mỹ, mặt khác có thể là câu trả lời, tích cực hơn là cam kết cho giải pháp trước cáo buộc “đánh cắp trí tuệ” của Washington. 

Nhưng rõ ràng, Trung Quốc cần phải làm nhiều việc hơn, tỏ rõ động thái mạnh mẽ, chắc chắn và cụ thể hơn trước thềm cuộc gặp Buenos Aires để ít nhất là có một thỏa thuận mang tính “giải pháp mà hai bên đều có thể chấp nhận được” như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, ngày 1/11. 

***

Ngày 24/9, Sách Trắng Trung Quốc 2018 được công bố, cùng ngày các khoản thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa của nhau chính thức có hiệu lực. Trong đó, Trung Quốc cho rằng, dù Trung Quốc đã “dành sự kiên nhẫn và chân thành lớn nhất để đáp ứng mối quan tâm của Mỹ” nhưng Mỹ đã “nuốt lời”, gây sức ép lên Trung Quốc, leo thang chiến tranh thương mại. 

Không phải trong sách mà ngay trên thực thể biển, ngày 31/10, Trung Quốc lại cho mở cửa các trạm khí tượng đặt trên ba đảo Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dù thông báo đưa ra nói rằng, những trạm khí tượng chỉ là nhằm phục vụ cho mục đích bảo vệ môi trường nhưng một cách “kiên nhẫn và chân thành nhất”, hệ sinh thái trên Biển Đông - do Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia có quyền chủ quyền, là chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đã và đang bị đe dọa, uy hiếp, xâm phạm - đâu là công bằng, nếu chỉ là tuyên ngôn từ một phía, là bước thực thi duy nhất đơn phương? 

Ái Mỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI