Công an vào cuộc vụ giá thiết bị cao bất thường tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình

10/08/2020 - 17:11

PNO - Sau khi dư luận đặt nghi vấn về việc nhiều thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình mua với giá cao hơn bình thường, Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Thái Bình đã vào cuộc làm rõ.

Theo đó, vào năm 2016, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án đầu tư hơn 309 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế tiên tiến và đồng bộ tại Quyết định 2399. Trong đó có 70% vốn vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và 30% vốn còn lại sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị.

Đáng chú ý, Quyết định số 2399 chỉ định đích danh Công ty TNHH tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Nam Việt (Công ty Nam Việt) là đơn vị tư vấn lập dự án. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Nam Việt có trụ sở tại TP. Phủ Lý (Hà Nam), ngành nghề kinh doanh lại không liên quan đến trang thiết bị y tế.

Cho đến nay, thông qua tư vấn của doanh nghiệp này, toàn bộ hai giai đoạn của dự án mua sắm trang thiết bị y tế đã được BVĐK tỉnh Thái Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nhiều thiết bị trong số đó đã hết hạn bảo hành. Nhiều trang thiết bị trong số đó được phản ánh là có giá cao hơn mức giá bình thường.

Cụ thể vào năm 2017, bệnh viện mua máy chụp mạch DSA 1 bình diện của Hãng Philips với giá hơn 30,7 tỷ đồng. Đến năm 2019, bệnh viện được Ban Quản lý Dự án Norred (Bộ Y tế) bàn giao 1 máy chụp mạch DSA tương tự cũng do Hãng Philips sản xuất chỉ có giá hơn 11,5 tỷ đồng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

Ngoài ra còn một số hệ thống thiết bị máy móc khác mà BVĐK tỉnh Thái Bình mua sắm như: hệ thống máy chụp CT 16 lát Hãng Siemens - Somato Scope; hệ thống máy xạ trị Hãng Elekta - Thụy Điển; máy chụp CT 32 lát trong xạ trị… đều được đặt dấu hỏi về giá mua.

Khi câu hỏi nói trên chưa được trả lời thì tiền trả lãi và gốc mua sắm thiết bị lại được tính vào chi phí khám chữa bệnh liên quan đến các loại máy móc này. Điều đó được thể hiện trong Công văn số 308/SYT-KHTC ký ngày 19/4/2019 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đồng ý cho BVĐK tỉnh Thái Bình: “Tính khấu hao tài sản, tiền lãi vay ngân hàng vào giá dịch vụ y tế thực hiện trên những trang thiết bị có giá trị lớn như hệ thống xạ trị, máy CT mô phỏng, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để thực hiện trả gốc và trả lãi ngân hàng”. 

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Lại Đức Trí - Phó giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan An ninh điều tra của tỉnh Thái Bình đã vào cuộc trước những phản ánh của dư luận được báo chí nêu. 

"Cơ quan điều tra sẽ làm theo chiều dọc, từ nhà cung cấp, vấn đề thầu và thẩm định giá… để xem sai phạm ở mức độ nào, đúng ở mức độ nào", ông Trí cho biết.

Bác sĩ Lại Đức Trí - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Bác sĩ Lại Đức Trí - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

Về việc tính tiền khấu hao vào dịch vụ y tế, Phó giám đốc BVĐK Thái Bình cho rằng, hiện bệnh viện đang xếp vào bệnh viện tự chủ nhóm 2. Do đó giá viện phí chưa tính vào khấu hao các trang thiết bị với lý do bệnh viện vẫn đang được nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên trước nhu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật cần phải có các trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho người bệnh. Mục đích là có thể triển khai kỹ thuật cao ngay tại địa phương thì người bệnh không phải lên tuyến trên, như vậy chi phí di chuyển hay chi phí ăn uống đỡ tốn kém. Đây là một định hướng đúng, trong bối cảnh chung là ngân sách nhà nước không thể cấp đủ cho các bệnh viện mà các bệnh viện phải tự chủ. 

"Từ đó dẫn đến câu chuyện là khi mà chúng ta đi vay thì đương nhiên phải trả nợ cả gốc và lãi. Cái gốc và lãi này phát sinh trên cơ sở là dịch vụ thu được. Về nguyên tắc nếu như máy móc được nhà nước đầu tư thì không có quyền thu thêm. Nhưng khi chúng ta phải đầu tư, phải đi vay để mua trang thiết bị thì phải tính khấu hao. Và câu chuyện sẽ là tính khấu hao thế nào cho phù hợp, điều đó cũng phải đợi kết luận của cơ quan điều tra", bác sĩ Lại Đức Trí cho biết.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI