Ngày 9/6, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại Cơ quan CSĐT Công an TP về tình hình, kết quả hoạt động của ngành và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2017.
Lực lượng thiếu trầm trọng
Trao đổi với đoàn giám sát, Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT - cho rằng, số lượng gần 6.000 tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ trong 6 tháng đầu năm - đứng đầu cả nước đã nói lên phần nào quy mô, đặc điểm dân đông, địa bàn rộng lớn, phức tạp của TP.
|
Quang cảnh buổi giám sát của HĐND TP.HCM tại trụ sở Công an TP.HCM ngày 9/6. Ảnh: Quốc Ngọc |
“Thế nhưng số lượng công việc này lại không tương thích với số lượng điều tra viên hiện hữu. Hiện chúng tôi đang thiếu hơn 400 điều tra viên. Để đáp ứng được số này, phải cần thời gian. Đến khi bổ sung thì cũng vừa bằng số nghỉ bệnh, về hưu và giảm tự nhiên.
Cho nên con số 77% tin báo tố giác, kiến nghị khởi tố mà chúng tôi đã giải quyết đến thời điểm này là một cố gắng rất lớn. Còn con số 90% (theo chỉ tiêu của Quốc hội) là quá lý tưởng”, ông Thông nói.
Về tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung và đình chỉ điều tra, phải thừa nhận tại quận huyện vẫn cao hơn thành phố. Có nhiều nguyên nhân, theo ông Thông, có thể thấy toàn bộ hồ sơ điều tra để đưa ra truy tố rất nhiêu khê.
“Ví dụ đối tượng phạm tội tại TP.HCM thì không phải chỉ cư ngụ tại TP mà ở khắp cả nước. Đối tượng thường chỉ có hộ khẩu ở địa phương đó nhưng cũng bỏ xứ đi từ lâu. Hoặc các vụ việc liên quan đến người nước ngoài bị cướp giật, đến khi bắt được đối tượng, thu được tang vật thì bị hại đã về nước, phải tạm đình chỉ”, đại tá Thông nêu.
Một nguyên nhân nữa, vấn đề chưa hoàn thiện về luật pháp cũng ảnh hưởng đến tình trạng đình chỉ điều tra. Ngoài lực lượng mỏng, tâm lý điều tra viên cũng không ổn định khi quyền lợi thì không có, nhưng trách nhiệm lại cao và trách nhiệm lại liên quan đến pháp luật.
“Tôi có thể xem điều tra viên, kiểm sát viên, nhân viên tòa án là những công nhân pháp luật. Họ đang vận hành một hệ thống dây chuyền sản xuất của pháp luật chưa hoàn chỉnh, luôn luôn thay đổi, biến động. Nhưng đòi hỏi của xã hội và quy định của pháp luật là phải bắt buộc phải cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh từ dây chuyền không hoàn chỉnh đó. Nếu sản phẩm đó không hoàn chỉnh, thì lỗi là do anh công nhân pháp luật vận hành. Đây là áp lực rất lớn đến tâm lý của những người làm điều tra”, ông Thông ví von.
Trả điều tra bổ sung nhiều là thể hiện sự hiệu quả, tích cực
Trả lời chất vấn đoàn giám sát, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT nói thẳng: “Xin nói rất thật lòng, tôi cho rằng chỉ tiêu cho cơ quan điều tra phải đạt tỷ lệ 90% giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (theo Nghị quyết Quốc hội) là không bao giờ thực hiện được”.
|
Thiếu tướng Phan Anh Minh trả lời chất vấn trong buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM. Ảnh: Quốc Ngọc. |
Theo ông Minh về mặt số học đã không hợp lý, thời gian giải quyết tin báo tố giác tối đa là 2 tháng, trong khi đó hạn định báo cáo là 6 tháng, vậy chắc chắn các tin báo nhận chưa đầy 2 tháng thì chưa giải quyết xong. Như thế, 2 trong 6 tháng, có nghĩa là hai phần ba chưa giải quyết xong, làm sao đòi hỏi giải quyết xong 90 % được.
Trên thực tế, có những tin báo tố giác không dễ giải quyết. Ông đưa ra các ví dụ như những vụ buộc phải chờ kết luận giám định hoặc phải thu thập được lời khai của nhân chứng, hoặc thậm chí khi đi tìm chính người tố giác đôi cũng rất gian nan mà không có thì không giải quyết được.
“Theo tôi, con số tăng hay giảm các vụ tạm đình chỉ đình chỉ và điều tra bổ sung không nói lên được chất lượng của cơ quan điều tra. Bởi vì đôi khi, cả việc bắt khẩn cấp nhiều hay trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều đều thể hiện sự hiệu quả, tích cực của cơ quan điều tra. Ví dụ, khi bắt thêm được đồng bọn đang bị truy nã thì vụ án đương nhiên phải được trả điều tra bổ sung dù đã có kết luận.
Và như đã nói, một số vụ còn do thiếu điều tra viên. Còn các vụ tạm đình chỉ rõ ràng là yếu kém của cơ quan điều tra bởi chỉ có nguyên nhân là không làm rõ được người phạm tội, hoặc là xác định được người phạm tội nhưng ra truy nã không bắt được, hết hạn điều tra, phải tạm đình chỉ đình chỉ”, ông Minh chia sẻ.
Tướng Minh cũng nói thêm, trong công cuộc cải cách tư pháp, đã tạo ra việc bắt buộc phải điều tra bổ sung, do quyền được đối phó của bị can và người phạm tội ngày càng lớn.
Phát biểu kết luận, ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM - đánh giá cao các thành tích mà lực lượng công an đạt được trong 6 tháng đầu năm. Ông Danh cũng nhìn nhận tỷ lệ giải quyết 90% tin báo tố giác tội phạm là khó đạt được.
Tuy nhiên, ông đề nghị Công an TP.HCM ưu tiên giải quyết tin báo tội phạm về tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn nạn đang phát sinh rất lớn trong xã hội. Đối với các tội phạm này, đòi hỏi công tác điều tra để kết luận phạm tội rất khó khăn nên phải tích cực tập trung.
Quốc Ngọc