Công an thành phố đối thoại để 'gỡ vướng' thủ tục hành chính

24/08/2018 - 10:00

PNO - Những thắc mắc, góp ý chân thành của người dân là cơ hội để Công an TP.HCM hoàn thiện mình hơn trong quá trình phục vụ người dân thành phố.

“Tôi mới mua xe và tự chạy đến điểm đăng ký thì có bị công an phạt không?” - Đó là một trong nhiều vấn đề mà người dân đặt ra trong buổi “Đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính của Công an TP.HCM năm 2018” diễn ra vào chiều 23/8.

Cong an thanh pho doi thoai de 'go vuong' thu tuc hanh chinh
Người dân chia sẻ các vướng mắc với lãnh đạo Công an TP.HCM tại buổi đối thoại

Giải đáp cho câu hỏi trên, Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM), cho biết: “Theo quy định, phương tiện mới mua ở đại lý, cửa hàng đến trụ sở đăng ký phải có phương tiện chuyên chở hoặc làm đăng ký tạm thời cho phương tiện. Do vậy, nếu điều khiển phương tiện mới mua, chưa đăng ký trên đường là vi phạm”.

Đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM lý giải thêm: “Phương tiện chưa đăng ký giấy tờ mà điều khiển trên đường nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông hay tranh chấp sẽ rất rắc rối nên mới quy định như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có trường hợp là đại lý bán xe gần ngay điểm đăng ký nên người dân cũng chủ quan chạy xe đến mà không dùng phương tiện chuyên chở. Trường hợp này, cảnh sát giao thông cũng nên xử lý linh động, có tình, có lý và đúng pháp luật”.

Sau lý giải cởi mở của phó giám đốc Công an TP.HCM, nhiều người giơ tay đặt câu hỏi về các vấn đề: quản lý hành chính về trật tự xã hội; quản lý xuất nhập cảnh; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

Đại tá Trần Đức Tài chia sẻ: “Ở đây là những người được phục vụ đặt vấn đề với người phục vụ. Chúng tôi là người phục vụ nên sẽ lắng nghe ý kiến góp ý, thắc mắc về mọi vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Mục tiêu hướng đến là để phục vụ người dân tốt hơn”.

Đại diện một công ty có lao động nước ngoài ở TP.HCM đặt vấn đề: Hiện nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã ứng dụng công nghệ cho đăng ký tạm trú trên trang web. Tuy nhiên, khi đến Sở Tư pháp TP.HCM làm lý lịch tư pháp thì cơ quan này yêu cầu phải có xác nhận tạm trú. Như vậy, công ty phải vừa đăng ký qua trang web mà vẫn phải đăng ký ở công an địa phương. Có cách nào để kết nối giảm bớt thủ tục vướng mắc này không?

Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72- Công an TP.HCM), cho biết: “Nếu doanh nghiệp khai báo tạm trú cho lao động nước ngoài qua online, đến xác nhận tạm trú thì công an phường có trách nhiệm phải xác nhận cho người nước ngoài đó. Người đăng ký qua online thì xem như đã có đăng ký hợp lệ và không phải khai vừa qua online vừa qua truyền thống như vậy. Trường hợp nào công an phường không chịu xác nhận hay có vấn đề gì doanh nghiệp cứ trao đổi trực tiếp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để chúng tôi giải quyết liền”.

Ông Dương Văn Lầu, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ Hùng Minh, đánh giá: “Sau 15 năm, thái độ phục vụ của các đơn vị trong Công an TP.HCM được nâng cao rất nhiều. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi được hướng dẫn rất tận tình trong các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn là cơ sở vật chất bên quản lý hành chính của công an thành phố còn hạn chế, thậm chí thua cả trụ sở của công an phường. Tôi cũng mong muốn vấn đề cơ sở vật chất được cải thiện để phục vụ người dân tốt hơn.

Đại tá Trần Đức Tài chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày bên quản lý xuất nhập cảnh chỉ làm vài trăm hồ sơ nhưng bây giờ mỗi ngày làm từ 2.000-3.000 hồ sơ. Con người ít, cơ sở vật chất cũng còn hạn chế vì việc xây dựng, sửa chữa trụ sở còn phụ thuộc vào ngân sách. Ở đây, chúng tôi cố gắng cải thiện thái độ phục vụ người dân để làm sao người được phục vụ thấy hài lòng, thoải mái và hạnh phúc”.

Đại tá Trần Đức Tài cũng cho biết, hiện nay mỗi năm, TP.HCM đăng ký cho 300.000 phương tiện, lượng xe máy hiện tại là hơn 7 triệu chiếc, hơn 800.000 ô tô chưa kể phương tiện vãng lai và của người tạm trú nên thủ tục đăng ký xe, đăng ký tạm trú và các thủ tục hành chính rất nhiều. Quá trình phục vụ người dân không tránh khỏi sơ xuất khiến người dân chưa hài lòng. Buổi đối thoại này được nghe những thắc mắc, góp ý chân thành của người dân là cơ hội để Công an TP.HCM hoàn thiện mình hơn trong quá trình phục vụ người dân thành phố.

Sáu tháng tiếp nhận, giải quyết gần 164.000 hồ sơ căn cước công dân

Theo Công an TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2018, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết 163.977 hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân. Công an TP.HCM còn đến tận nhà hướng dẫn người dân làm các thủ tục liên quan đến cấp đổi căn cước công dân. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan lập danh sách các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn thực tế cư trú tại thành phố để thu thập thông tin, cấp, đổi căn cước công dân trong thời gian từ ngày 15/5 đến 27/7/2018. Đến nay, đã cấp 168 căn cước công dân cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn.

Công an TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết gần 168.000 hồ sơ cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam; hơn 23.000 hồ sơ cấp thị thực, thẻ tạm trú...

Sáu tháng đầu năm, Công an TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết gần 178.000 hồ sơ đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ. Tiếp tục duy trì, bố trí ba điểm đăng ký, trả giấy đăng ký ô tô tại: Đội đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Đội Cảnh sát giao thông An Sương; Đội Cảnh sát giao thông  Rạch Chiếc nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân, hạn chế phương tiện đăng ký vào trung tâm thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

 Sơn Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI