|
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (phải) đang hướng dẫn các thủ tục khiếu kiện cho chị M. |
Có hành vi phạm tội nhưng không khởi tố
Theo lời chị M., ngày 10/10/2015, con gái của chị là P.T.K.N. (sinh ngày 9/12/2001) đến nhà bạn học tên Q. ở lô M chung cư Ngô Gia Tự (P.2, Q.10) chơi. Tại đây K.N. gặp và quen Trần Ngọc P. (sinh năm 1994) là anh ruột của Q. Sau đó, P. đã ba lần dụ dỗ K.N. quan hệ tình dục ở chung cư Ngô Gia Tự và nhà riêng của mình tại Q.1.
Ngày 1/12/2015, thấy con có biểu hiện lạ, chị M. gặng hỏi thì cháu K.N. đã kể lại toàn bộ sự việc. Chị M. lập tức làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng. Nhận được trình báo của chị M., Công an P.2, Q.10 đã triệu tập P. để lấy lời khai. Tại đây, P. đã thừa nhận có quan hệ tình dục với cháu K.N. ba lần tại các địa chỉ trên.
Công an P.2 đã chuyển hồ sơ lên Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Q.10 để thụ lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, ngày 30/3/2016, tức bốn tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an Q.10 đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì nhận thấy không đủ cơ sở và chứng cứ.
Không đồng ý với quyết định này, chị M. khiếu nại, yêu cầu điều tra lại vụ án. Ngày 9/9/2016, Viện Kiểm sát nhân dân Q.10 đã ban hành quyết định số 285/QĐGQKN-VKS cho biết: “Sau khi kiểm tra tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nhận thấy lời khai của Trần Ngọc P. và em P.T.K.N. có sự mâu thuẫn về thời gian và địa điểm khi cả hai thực hiện hành vi giao cấu; đồng thời mâu thuẫn với bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 196/TD.15 ngày 25/12/2015 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP.HCM.
Ngoài lời khai của P. và N., không còn chứng cứ nào khác phù hợp với sự việc (?). Do đó, việc Cơ quan CSĐT Công an Q.10 căn cứ khoản 2, điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có cơ sở, đúng pháp luật”.
Quá bất bình về những kết luận này, chị M. tiếp tục gửi đơn cầu cứu các nơi. Theo chị, kết quả giám định pháp y cho thấy màng trinh của cháu N. có vết rách, đồng thời P. cũng thừa nhận có quan hệ với cháu N. ba lần, nhưng không hiểu sao cơ quan điều tra vẫn nói rằng, không đủ cơ sở kết luận.
Cũng theo chị M., trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an Q.10 đã bỏ qua quá nhiều chứng cứ. Cụ thể, ngày 12/5/2015, cơ quan này không thể khám xét nơi xảy ra hành vi giao cấu giữa P. và cháu N. là căn nhà 308 lô M chung cư Ngô Gia Tự, P.2, Q.10 do chủ nhà đi vắng, nhưng kể từ đó đến nay, cơ quan này cũng chưa có thêm một lần nào thực hiện khám xét hiện trường này.
Tại địa điểm khám xét thứ hai ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Q.1, điều tra viên không mặc sắc phục, không lập biên bản, không yêu cầu các bên ký tên vào biên bản, cũng không đọc lại cho các bên nghe. Ngoài ra, chị M. đã giao nộp một USB ghi âm việc P. thú nhận hành vi dụ dỗ, giao cấu với cháu N. vào tháng 10/2015, khi cháu chưa đủ 14 tuổi, nhưng tất cả đều không được xem là chứng cứ.
Cán bộ điều tra đứng ra hòa giải
Tính đến nay, đã gần ba năm, chị M. đã phải vất vả ngược xuôi cầu cứu khắp các cơ quan công quyền từ phường đến thành phố, nhưng vụ việc vẫn chìm trong vô vọng.
Tháng 4/2017, chị M. tìm đến Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và được các luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đỗ Ngọc Thanh giúp đỡ gửi đơn khiếu nại đến Bộ Công an. Ngày 17/7/2017, Thanh tra Bộ Công an có thông báo chuyển đơn đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Q.10 để nơi này xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Bất ngờ là sau đó không lâu, chị M. được vị đội phó Đội CSĐT Công an Q.10 mời đến trụ sở UBND P.1, Q.10 để… hòa giải.
Theo biên bản ngày 19/10/2017, với sự chứng kiến của vị đội phó Đội CSĐT hình sự Công an Q.10, công chức tư pháp P.1, Q.10, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, chị M., Trần Ngọc P. và mẹ là bà Mai, Trần Ngọc P. đã thú nhận toàn bộ hành vi dụ dỗ, quan hệ tình dục với cháu N. (vào tháng 10/2015, khi cháu chưa đầy 14 tuổi).
Buổi hòa giải thành công với kết quả: bà Mai sẽ thay mặt con trai bồi thường tổn thất thể chất, tinh thần cho cháu N. số tiền là 75 triệu đồng, trả làm bốn lần. Ngay tại buổi hòa giải, bà Mai trả 20 triệu đồng, hôm sau trả 10 triệu đồng tại trụ sở UBND P.1, Q.10 và 45 triệu đồng còn lại sẽ trả làm hai lần vào ngày 19/12/2017 và 19/3/2018. Tuy nhiên, theo lời chị M., ngày 23/12/2017, khi chị đến yêu cầu bà Mai trả tiền theo cam kết thì bị bà và con gái đuổi đánh.
Chị M. bức xúc: “Ngay ở buổi hòa giải, luật sư Đỗ Ngọc Thanh đã phân tích rõ với tôi việc bồi thường chỉ là trách nhiệm dân sự, tôi vẫn còn nguyên quyền tố cáo P. về hành vi dụ dỗ, xâm hại cháu N. Tuy nhiên, từ góc độ người mẹ, tôi cũng thấy thương và chia sẻ với bà Mai, nên có nói luật sư Thanh chờ thêm thời gian nữa. Nhưng bây giờ thì tôi không thể chịu thiệt thêm nữa”. Tuy nhiên, việc tố cáo của chị M. về hành vi của P. đã bị Công an Q.10 “cho qua”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho biết, thời gian qua, sở dĩ Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM chưa lên tiếng về vụ án này là do nghĩ rằng sau cuộc hòa giải tại P.1, Q.10, từ lời khai nhận hành vi xâm hại tình dục trẻ em của P., vị đội phó đội CSĐT hình sự với tư cách là điều tra viên của vụ án sẽ củng cố chứng cứ (bởi vụ án ban đầu đã xác định không đủ chứng cứ), nhưng không ngờ việc hòa giải thành đó được mặc nhiên xem như đã khép lại vụ án hình sự, trong khi những khiếu nại lần thứ hai của chị M. vẫn chưa được các cơ quan chức năng trả lời theo quy định.
“Công an Q.10 đã vi phạm nghiêm trọng quy định về tố tụng, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ chị M. khiếu nại đến Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Chi hội chúng tôi sẽ đồng hành cùng chị M., tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ việc” - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - quả quyết.
Theo tôi, trong vụ việc này, các cơ quan tố tụng ở Q.10 chưa vào cuộc khẩn trương, quyết liệt; chưa tuân thủ đúng, đầy đủ các biện pháp và nghiệp vụ điều tra vụ án đối với loại án xâm hại tình dục trẻ em. Yêu cầu cấp thiết đối với các vụ án loại này là thu thập, củng cố chứng cứ một cách nhanh nhất, hợp lý nhất, bởi nếu để càng lâu thì càng khó cho việc điều tra, đánh giá chứng cứ.
Về việc hòa giải, theo quy định tại điều 3, Luật Hòa giải cơ sở, đối với vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính thì không được hòa giải. Về trách nhiệm bồi thường dân sự thì các bên có thể thương lượng và hòa giải.
Tuy nhiên, việc hòa giải phải căn cứ vào yêu cầu của một bên hoặc của các bên, tức phải có đơn yêu cầu hòa giải cơ sở và UBND P.1, Q.10 thụ lý và tổ chức hòa giải theo đúng quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở.
Điều này cho thấy, việc đội phó Đội điều tra hình sự Công an Q.10 chủ động mời các bên đến UBND P.1, Q.10 để tổ chức hòa giải cũng như cố tình dân sự hóa vụ án hình sự là việc làm không phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)
|
Đại Dương