Công an khẩn trương điều tra đường dây 'hút máu' người nuôi bệnh

26/04/2017 - 09:58

PNO - Ngay khi báo Phụ Nữ khởi đăng loạt bài "Ai đứng sau đường dây “hút máu” người nuôi bệnh thuê?", lãnh đạo Bệnh viện Nhân Dân 115 (BV 115) đã chỉ đạo các khoa, phòng kiểm tra các thông tin mà báo đã nêu.

BV 115 thừa nhận nhiều sơ hở

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ (BS) Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc BV 115 khẳng định, hiện chưa phát hiện viên chức, người lao động nào của BV có mối liên hệ hoặc giới thiệu người cần nuôi bệnh cho những đối tượng bảo kê để ăn tiền huê hồng. “Nếu phát hiện nhân viên nào vi phạm, BV sẽ xử lý nghiêm theo quy định của BV và pháp luật hiện hành” - ông Phú nói.

Về việc các nhân viên quét dọn vệ sinh mà báo nêu tên gồm Trang, Út và Trúc đã “móc nối”, hưởng huê hồng từ việc môi giới cho đường dây do vợ chồng Hồng - Lương cầm đầu, BV đã yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ công nghiệp Hoàng Gia - đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh điều chuyển ngay.

Cong an khan truong dieu tra duong day 'hut mau' nguoi nuoi benh
Ông Lương và bà Hồng - đôi vợ chồng cầm đầu đường dây "hút máu" người nuôi bệnh thuê.

“Chúng tôi không cho những người này làm việc tại BV nữa và đề nghị công ty xem xét, xử lý theo quy định. Hiện nay, Công an (CA) P.12, Q.10 cũng đang xem xét, điều tra, xử lý những đối tượng này”, BS Phú thông tin.

Theo BS Phú, BV luôn đặt ra trách nhiệm quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại khuôn viên BV và các khoa phòng. Tuy nhiên, ông thừa nhận thời gian qua có sơ hở do các bộ phận chưa quan tâm thấu đáo và thiếu sự đồng bộ, cũng như thiếu sự giám sát của các cấp lãnh đạo.

“BV đã rà soát lại và tới đây sẽ tăng cường chốt bảo vệ, camera quan sát tại những điểm có nhiều người ra vào. Chúng tôi cũng sẽ siết chặt giờ ra vào thăm nuôi bệnh. Do nhu cầu thuê người nuôi bệnh là một nhu cầu chính đáng, nên ngoài việc đã ký hợp đồng với một công ty cung cấp dịch vụ này, BV sẽ tiến hành chấn chỉnh, tổ chức quản lý tốt hơn những người làm công việc này.

Trước mắt, người nuôi bệnh phải có thẻ, áo đồng phục do BV cấp. Ngoài ra, chúng tôi sẽ áp dụng loa phóng thanh để cảnh báo người dân không nghe mồi chài từ những kẻ bảo kê, dắt mối. Riêng với những đối tượng như bà Hồng, ông Lương và những người khác trong đường dây này, chúng tôi sẽ có phương án kiểm soát chặt việc ra vào BV”, ông Phú nói.

Công an vào cuộc

Theo BS Phú, BV cũng đã đề nghị CA Q.10 hỗ trợ, xử lý dứt điểm, xóa sổ các băng nhóm, đối tượng bảo kê người nuôi bệnh thuê. Nhằm duy trì an ninh trật tự cả trong và ngoài BV, ông Phú mong muốn chính quyền địa phương và CA có cơ chế phối hợp linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời với BV trong xử lý khi BV phát hiện ra các đối tượng hay khi có vụ việc xảy ra tại BV.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng phòng Điều dưỡng BV 115 cho biết thêm, để ngăn ngừa chuyện “móc nối”, BV đã cho điều chuyển y công, tạp vụ, hộ lý của 16 khoa, phòng. Việc luân chuyển nhân sự như thế sẽ được thực hiện định kỳ sáu tháng hoặc một năm.

Cong an khan truong dieu tra duong day 'hut mau' nguoi nuoi benh
Phóng viên được bà Hồng bàn giao cho bà Phựa (áo vàng) dắt vào làm nghề nuôi bệnh ở bệnh viện Nhân Dân 115.

Đối với “đại bản doanh” của bà Hồng tại khu vực lầu 3, khu A, theo bà Trinh, BV đã điều chuyển một số nhân sự ở đây đến những khoa không có bệnh nhân. Ngoài ra, tại “điểm nóng” này, gồm khoa Bệnh lý mạch máu não, khu Hồi sức thần kinh, BV đã quyết định chuyển sang chăm sóc toàn diện, tức bệnh nhân tại đây không cần người nhà hay người làm thuê chăm sóc, việc phục vụ tất cả các nhu cầu của bệnh nhân đều sẽ do nhân viên y tế đảm nhận. Đây chính là một biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn những đường dây tương tự như của bà Hồng hoành hành.

Chiều 25/4, trao đổi với báo Phụ Nữ, trung tá Phạm Đình Ngọc - Phó trưởng CA Q.10 - cho rằng, phía lãnh đạo CA quận rất cảm ơn báo đã phản ánh về tình hình an ninh trật tự ở BV 115. Ngay sau khi loạt bài "Ai đứng sau đường dây “hút máu” người nuôi bệnh thuê?" được đăng tải, CA Q.10 đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra vụ việc.

“Hiện tại, chúng tôi tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hoạt động của đường dây nuôi bệnh thuê của bà Hồng và ông Lương. Quan điểm của CA Q.10 là xử lý nghiêm những người liên quan đến đường dây này theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi có thông tin xử lý vụ việc, chúng tôi sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí” - trung tá Ngọc nói.

Ông Võ Ngọc Thanh - Chánh văn phòng UBND Q.10 - cũng cho biết, ngay khi báo đăng, lãnh đạo quận đã lập tức chỉ đạo cho CA Q.10 nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm vụ việc. Hiện tại, UBND Q.10 đang theo dõi sát sao quá trình điều tra để nhanh chóng có những chỉ đạo kịp thời.

Đường dây Hồng - Lương có vươn ra các BV khác?

Chúng tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo các BV khác về “vòi bạch tuộc” của bà Hồng. Theo ông Võ Duy Thức - Trưởng phòng Hành chính quản trị BV Ung Bướu TP.HCM - tại BV này, nhu cầu thuê người nuôi bệnh rất ít, bởi phần lớn là bệnh nhân nghèo từ các tỉnh, chiếm đến hơn 70%, thường có người nhà đi theo chăm sóc. “Để quản lý, BV phát cho mỗi người nhà bệnh nhân một thẻ nuôi bệnh. Họ phải ký nhận và đăng ký nhân thân với điều dưỡng trưởng khoa” - ông Thức cho biết.

Cũng theo ông Thức, trước đây, BV đã phát hiện vài trường hợp nuôi bệnh thuê không rõ nguồn gốc và đã phối hợp với CA mời làm việc, yêu cầu ngưng hoạt động.

Cong an khan truong dieu tra duong day 'hut mau' nguoi nuoi benh
Trong dòng người đông đúc tại bệnh viện Nhân Dân 115, có nhiều người là "lính mới" đến tìm việc và được bà Hồng dắt mối.

Liên quan đến đường dây của bà Hồng, BS Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8) cho biết, muốn làm công việc này tại BV, người nuôi bệnh thuê phải có đơn xin, kèm giấy tờ tùy thân, giấy khám sức khỏe và chứng chỉ sơ cấp nghề nuôi bệnh. BV sẽ vào sổ quản lý và cấp thẻ nuôi bệnh. Để quản lý chặt chẽ, thẻ này được BV thay đổi hàng tháng, mỗi tháng có màu sắc khác nhau.

Do đặc thù bệnh nhân nằm điều trị lâu dài, từ tháng 8/2015, BV đã được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề nhằm tổ chức các lớp đào tạo người nuôi bệnh thuê, mỗi khóa đào tạo kéo dài bốn tháng và học viên tham gia phải đóng ba triệu đồng.

Về thông tin do chị M. - một người nuôi bệnh thuê cung cấp, dù đã có chứng chỉ nuôi bệnh do BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp cấp nhưng sau đó vẫn không thoát khỏi được “vòi bạch tuộc” của bà Hồng, BS Nam cho rằng hiện BV đang quản lý 65 người nuôi bệnh thuê và chắc chắn có trường hợp đang làm “chui”. Trong số những người nuôi bệnh thuê tại đây, có những người trước đó từng bị bà Hồng “chăn dắt” nên có thể còn mối liên hệ.

Đối với phản ánh từ người nuôi bệnh thuê rằng họ phải đóng 300.000 đồng/tháng cho BV, ông Nam giải thích do những người lao động này hầu như ăn ở, tắm giặt luôn trong BV, nên BV phải thu số tiền đó để chi phí điện, nước, sổ sách quản lý, đăng ký tạm trú với CA phường…

Theo ông Nam, người nuôi bệnh thuê nên được trở thành một bộ phận chính thức trong hệ thống y tế quốc gia. Ngoài các lớp do BV tổ chức, hiện Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có lớp đào tạo người chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Nhiều hành vi của bà Hồng, ông Lương có dấu hiệu tội hình sự

Qua nội dung báo chí phản ánh, hành vi của những “cai đầu dài” như bà Hồng, ông Lương có dấu hiệu của các tội hình sự.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực để bắt những người chăm bệnh nộp tiền có dấu hiệu của tội “cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự. Các tình tiết tăng nặng gồm “có tổ chức” và “có tính chuyên nghiệp”. Hành vi dùng vũ lực đánh đập những người chăm bệnh để “trừng phạt” do không nộp tiền bảo kê có dấu hiệu của tội “cố ý gây thương tích” được quy định tại điều 104 bộ luật này.

Và hành vi của bà Hồng khi nói với chị M. “nếu dám tố cáo với công an, sẽ bị cắt cổ” có dấu hiệu của tội “đe dọa giết người” theo quy định tại điều 103 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, nếu có việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tiền của những người chăm bệnh thì còn có thể bị xử lý theo tội “cướp tài sản” được quy định tại điều 133 Bộ luật Hình sự.

 Luật sư Đặng Thành Trí

Đoàn Luật sư TP.HCM

Hành vi của vợ chồng bà Hồng đã có dấu hiệu cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ một năm và cao nhất đến 20 năm.

Ngoài ra, tùy tính chất hành vi, hậu quả, mức độ nguy hiểm của hành vi... mà vợ chồng bà Hồng có thể bị xử lý về tội “đe dọa giết người”, tội “cố ý gây thương tích” tương xứng với hành vi và hậu quả, mức độ thương tích của các nạn nhân.

Hành vi của vợ chồng bà Hồng là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ, gây hoang mang cho người dân và nạn nhân nên cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm và ngăn chặn hành vi này.

Các nạn nhân nên làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để được giải quyết. Cũng cần điều tra xem liệu có sự tiếp tay của BV hay không để xử lý theo quy định.

 Luật sư Trần Minh Hùng 
Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM


Quốc Ngọc - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI