Công an Hà Nội điều tra tài xế lái ô tô bằng chân

08/08/2015 - 15:14

PNO - Một đại diện của Phòng cảnh sát Giao thông Hà Nội cho biết, đang điều tra xác minh nhân vật chính trong đoạn clip.

Ngày 7.8, trên các trang mạng xã hội chia sẻ clip quay cảnh một thanh niên giấu mặt, lái xe ô tô bằng chân lưu thông qua các đoạn đường trong trời mưa. Người này dùng một chân điểu khiển bánh lái, chân còn lại để xuống khu vực ga và phanh xe. 

Theo hình ảnh trong clip, có thể lái xe này điều khiển ô tô tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), đoạn qua Học viện Anh Ninh Nhân Dân. Đặc biệt người đàn ông chỉ dùng chân trái để điều khiển vô lăng chiếc xe hiệu Hyundai, ngay cả khi quay đầu, bấm còi, xi nhan, người này cũng chỉ dùng chân.

Cong an Ha Noi dieu tra tai xe lai o to bang chan
Hành vi lái xe bằng chân là rất nguy hiểm, tuy nhiên chưa có chế tài nào để xử lí. Ảnh cắt từ clip.

Ngay sau khi xuất hiện, đoạn clip trên được lan truyền rất nhanh.

Rất nhiều người đã chỉ trích hành động này của tài xế trên. Họ cho rằng kiểu lái xe này là quá nguy hiểm, coi thường tính mạng bản thân và những người tham gia giao thông. Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm người tài xế lái xe bằng chân này.

Liên quan đến sự việc trên, một đại diện của Phòng cảnh sát Giao thông Hà Nội cho biết, hành vi lái xe của tài xế trong đoạn clip là rất nguy hiểm, xong pháp luật hiện hành chưa có chế tài nào để xử lí.

“Qua các kênh thông tin đại chúng, chúng tôi đã biết đến đoạn clip tài xế lái xe bằng chân, hiện tại chúng tôi đang điều tra xác minh xem nhân vật chính trong đoạn clip là ai để răn đe, giáo dục”, vị này cho biết thêm.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Quang Khải, trưởng văn phòng Luật sư Tâm Phát (thuộc đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng, hành vi lái xe bằng chân là rất nguy hiểm, xong chưa có chế tài để xử lí hành vi này.

"Pháp luật hiện hành không thiết lập được cơ sở xử lý cũng như chế tài áp dụng dẫn đến một hệ lụy có nguy cơ gây nguy hiểm cao đến cộng đồng. Mặc dù hiện tại, luật xử lý vi phạm hành chính đã điều chỉnh đến nhóm đối tượng tham gia giao thông là mô tô, xe gắn máy tuy nhiên lại bỏ qua phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cao hơn, trên diện rộng hơn là ô tô.

Hơn nữa, nếu hành vi này không được cụ thể hóa trong quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ, thì hành lang pháp lý không chỉ bỏ ngỏ ở mức độ xử lý vi phạm hành chính mà còn là rào cản để cơ quan chức năng có thể xử lý hành vi tội phạm.

Bởi lẽ, theo quy định tại điều 202 BLHS, chỉ khởi tố vụ án đối với hành vi vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, mà hành vi này chưa được văn bản cơ sở luật định. Đây chính là điểm yếu pháp lý mà cơ quan lập pháp cần phải cân nhắc trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hiện nay", Luật sư Khải nêu ý kiến.

Đình Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI