Công an đúng hay sai khi bêu tên người vi phạm mua bán dâm giữa công cộng?

30/01/2018 - 16:52

PNO - Việc công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đọc tên và bắt những người liên quan đứng giữa đường trước sự chứng kiến của người dân có sai luật hay không?

Theo đó, trưa 30/1, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn bốn phút thể hiện hình ảnh một chiến sĩ công an đưa ba phụ nữ cùng một thanh niên ra đường. Trong đó, người công an cầm micro đọc tên từng người với hành vi mua bán dâm giữa đường.

Hành vi vi phạm của những người này được vị công an đọc bằng micro giữa đường là “mua bán dâm và chứa chấp mại dâm”. Địa điểm xảy ra vụ việc được xác định là thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Cong an dung hay sai khi beu ten nguoi vi pham mua ban dam giua cong cong?
Công an đọc tên và bắt người vi phạm mua bám dâm đứng giữa đường (ảnh cắt từ clip)

Đáng nói hơn, người công an còn yêu cầu từng người liên quan đến vụ “mua bán dâm và chứa chấp mại dâm” đứng giữa đường giới thiệu nhân thân từng người và hành vi có liên quan về vi phạm của mình. Ngoài ra, vị này còn nêu rõ họ tên, quê quán, nghề nghiệp của từng người, lý do mua bán dâm và nói sẽ đề nghị Chủ tịch địa phương ra quyết định xử phạt, trong khi đó tại đây có rất nhiều trẻ em, học sinh.

Ngày 30/1, phóng viên đã liên hệ với đại tá Lưu Thành Tín, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang thì vị này không nghe điện thoại.

Biên bản sai về từ ngữ pháp lý

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Ngọc Sơn – Trưởng văn phòng luật sư Ngọc Sơn, Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long nhận định: “Trường hợp công an đứng đọc biên bản và nêu sẽ đề nghị UBND huyện Phú Quốc ra quyết định xử phạt hành chính đối với những người mua bán dâm là xác định những người này không phạm tội hình sự.

Từ đó suy ra, theo quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán dâm thì không có hình thức nào cho phép công khai tên của người vi phạm ra đại chúng, như vậy là xâm phạm uy tín, danh dự của công dân. Bên cạnh đó, công dân thấy bị xúc phạm có quyền khởi kiện dân sự, đòi hỏi tòa án phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho họ”.

Theo quan điểm của ông Trần Lê An Nguyên, trợ lý luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng, việc lập biên bản về vi phạm liên quan đến hành vi mua bán dâm như vậy là không chính xác: “Không có bất cứ người nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lại mô tả bằng những từ ngữ như vậy khi nói về hành vi mại dâm. Vì theo quy định của Điều 3, Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 thì bán dâm phải được mô tả là hành vi giao cấu, mua dâm là dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu, còn mại dâm là hình thức mua bán dâm. Luật pháp Việt Nam quy định về từ ngữ rất văn minh và rõ ràng, chứ không sử dụng từ ngữ dung tục như vậy trong biên bản vi phạm như cách cán bộ đó công khai".

Còn luật sư Trần Văn Độ - Trưởng văn phòng luật sư Hữu Nhân, Đoàn luật sư tỉnh Hậu Giang nói: “Việc xử phạt người mua bán dâm đã được sự quy định cụ thể của pháp luật. Trường hợp, trong quá trình thi hành nhiệm vụ mà cán bộ không căn cứ vào quy định pháp luật gây ảnh hưởng nhân phẩm, danh dự người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và công khai xin lỗi”

Công khai biên bản là đúng, nhưng phạm vi và cách công khai là sai

Đồng quan điểm về vấn đề này, luật sư Trần Đăng Sĩ (Hãng Luật Giải Phóng) nhận định: Việc xử phạt hành chính hành vi mua dâm, hành vi bán dâm và hành vi khác liên quan đến mua dâm, bán dâm được quy định trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 30 triệu đồng tùy vào hành vi mua hay bán dân và tính chất, mức độ vi phạm.

Bộ luật hình sự hiện chỉ xử lý đối với tội chứa mại dâm (Điều 327); Môi giới mại dâm (Điều 328) và Mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Ở trường hợp như trong clip vừa rồi, có thể thấy nhiều khả năng sẽ xử lý theo hình thức xử phạt hành chính khi phát hiện hành vi mua bán dâm. Và việc lập biên bản xử phạt hành chính phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Về nguyên tắc xử phạt hành chính phải đảm bảo tính công khai theo điều 3 của Luật này. Nhưng nói về tính công khai, thì tại điều 72 về công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì chỉ áp dụng trong các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. 

Như vậy, tôi nhấn mạnh rằng hiện không có quy định về công khai vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội như mua bán dâm. Và công khai theo nguyên tắc ở đây là công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, còn công khai như trường hợp trong clip cần xác định phạm vi chỉ cần công khai với người vi phạm, chứ không thể cầm micro đọc to giữa đường một cách thô thiển như vậy.

Nhìn vào clip, sẽ thấy có rất nhiều người, có cả trẻ em có mặt tại nơi công khai. Tôi không hiểu lý do vì sao phải đọc to biên bản bằng micro, và càng không thể hiểu nổi cách sử dụng từ ngữ của cán bộ công an trong lập biên bản. Đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người vi phạm, điều này đã được Hiến pháp và Bộ luật dân sự bảo vệ đối với quyền của công dân.

Cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các bên trong trường hợp này để đảm bảo tối đa quyền, lợi ích cho người vi phạm. Tránh tạo ra dư luận xấu, phản cảm đối với lực lượng chức năng trong thi hành công vụ.

Nguyên Anh - Mai A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI