Công an đã quá “bình tĩnh”?

12/03/2014 - 15:50

PNO - PN - Suốt nhiều ngày, kể từ lúc con trai bị mất tích đến thời điểm các đối tượng nhắn tin yêu cầu gia đình nộp 500 triệu đồng để chuộc, gia đình nạn nhân đã trình báo công an địa phương và cả Phòng Cảnh sát hình sự, Công...

edf40wrjww2tblPage:Content

 “Cứ thương lượng”

Hơn sáu ngày, kể từ khi phát hiện con trai Lưu Vĩnh Đạt bị mất tích, sau đó có tin nhắn yêu cầu chuộc 500 triệu là quãng thời gian gia đình bà Nguyễn Thị Lệ phải sống trong sợ hãi, lo âu về số phận của con trai. Gia đình nạn nhân đã lên xuống công an (CA), gọi điện, nhắn tin trao đổi rất nhiều lần về vụ bắt cóc nhưng cuối cùng Đạt vẫn chết.

Theo bà Lệ, sáng 27/2, khi nhận được tin nhắn đòi tiền chuộc, bà đã trình báo CA P.An Lạc A (Q.Bình Tân) vào khoảng 9g30 sáng. Sau khi trình bày toàn bộ nội dung vụ việc với CA địa phương, bà ngồi chờ đến hơn 13g cùng ngày để gặp một cán bộ điều tra của CA Q.Bình Tân. Lòng bà nóng như lửa đốt, bồn chồn, lo lắng cho số phận con trai, trong khi theo bà, cán bộ điều tra lại cho rằng, con bà dàn cảnh để tống tiền cha mẹ.

Tối cùng ngày, liên tiếp những tin nhắn yêu cầu chuộc tiền được gửi đến, lập tức bà Lệ gọi điện, “chuyển tiếp” nội dung của những tin nhắn này cho trưởng CA P.An Lạc A. “Khi đó, phía CA tư vấn qua điện thoại cho chúng tôi nên thương lượng, đề nghị đối tượng cho gặp con”.

Ngày 28/2, gia đình bà Lệ tiếp tục lên CA phường nhờ can thiệp, giải cứu con trai. Thời điểm này, CA Q.Bình Tân cử ba người xuống nắm bắt tình hình. “Sau đó họ cho tôi số điện thoại của một cán bộ điều tra tên D. Từ lúc này, chúng tôi trao đổi chủ yếu qua điện thoại với cán bộ D. về diễn biến vụ việc. Trưa 28/2, anh D. có gặp trực tiếp để nắm bắt tình hình. Lúc này, tôi nghi ngờ có một số đối tượng theo dõi nên đã ghi lại biển số xe cung cấp cho anh D.” bà Lệ kể.

Trong ngày này, gia đình bà lại bị “dội bom” tin nhắn của các đối tượng. 23g đêm bà lại ra CA phường trình báo. “Tuy nhiên, tất cả những lần làm việc với CA, họ chỉ nói với tôi một điều là cứ thương lượng với các đối tượng. Thật sự tôi cũng không biết làm sao, trong khi những tin nhắn đe dọa tính mạng của con trai tôi ngày càng nhiều”, bà Lệ kể.

Gia đình nạn nhân cho biết, cách CA địa phương giải quyết như vậy khiến họ rất lo lắng. Nghe tư vấn của một số người, bà Lệ đã tìm đến Phòng Cảnh sát hình sự - PC45 CA TP.HCM. “Tôi cảm nhận việc giải quyết của CA Q.Bình Tân khó có kết quả nên mang đơn lên phòng hình sự trình báo. Tuy nhiên, người trực ban sau khi đọc đơn có hỏi tôi đã trình báo ở đâu chưa. Tôi nói có báo CA Q.Bình Tân thì người này không nhận đơn, nói với tôi cứ để Q.Bình Tân làm, khi nào cần thì Q.Bình Tân sẽ báo với PC45”.

Cong an da qua “binh tinh”?

Bà Lệ cho rằng Công an Q.Bình Tân đã đánh giá sai bản chất vụ việc

Đánh giá sai bản chất vụ việc?

Gia đình nạn nhân khẳng định, trong quá trình họ trình báo CA đã bị các đối tượng lạ mặt theo dõi. Cụ thể, ngày 1/3, sau khi lên CA TP.HCM trình báo, bà Lệ nhận được nội dung tin nhắn thông báo và đe dọa: “Nếu ông bà cố tình báo công an, con ông bà chắc chắn sẽ chết”, “Nếu công an thành phố vào cuộc chắc chắn con ông bà sẽ bị thiêu hủy”… Những tin nhắn trên đều được gia đình nạn nhân trình báo với CA.

“Cán bộ điều tra CA Q.Bình Tân gặp tôi lần đầu (ngày 27/2) sau khi xem xong hồ sơ, nhận định con tôi hùa với bạn để tống tiền gia đình, nói tôi về kiểm tra máy vi tính của Đạt xem có chơi bài bạc gì không. Tôi nói với cán bộ điều tra, không có chuyện con tôi bài bạc dẫn đến tống tiền cha mẹ. Khi biết vợ chồng tôi còn nợ nần, nó còn nói là sẽ đi làm thêm để phụ cha mẹ, vậy thì sao có thể tống tiền gia đình được”, bà Lệ cho biết.

Ngày 3/3 là ngày cuối cùng gia đình bà Lệ nhận được những tin nhắn từ một số sim rác với nội dung: Đạt thú tội, thừa nhận dàn cảnh để tống tiền cha mẹ. Gia đình nạn nhân cho biết, những tin nhắn này cũng được gia đình thông báo với cán bộ điều tra tên D., cán bộ này trấn an gia đình là vài ngày nữa Đạt sẽ về nhà, người nhà cứ yên tâm. Tuy nhiên, vài ngày sau đó bà nhận được hung tin con trai đã chết, bị buộc trong bao tải thả trôi sông.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty luật Kinh Luân), nếu đúng như những gì gia đình đã cung cấp cho báo chí, cơ quan CSĐT CA Q.Bình Tân và trực ban PC45 không chỉ đánh giá sai về tính chất nghiêm trọng của thông tin do gia đình em Đạt cung cấp mà việc xử lý tin báo về tội phạm còn có dấu hiệu chưa đúng với quy định tại Thông tư 06 ngày 2/8/2013 của Bộ CA, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

“Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần phải vào cuộc, xác minh. Nếu thông tin người nhà cung cấp là đúng thì cần phải xem xét trách nhiệm (kể cả trách nhiệm hình sự) của những cá nhân có liên quan đã để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này”, luật sư Đức nêu quan điểm.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ điều tra cấp quận, huyện tại TP.HCM mà chúng tôi tiếp xúc, công tác xác định thông tin ban đầu phía gia đình nạn nhân cung cấp là rất quan trọng, từ đó có thể đánh giá được bản chất vụ việc có đúng là bắt cóc tống tiền hay không. Nếu xác định đúng là bắt cóc và số tiền chuộc 500 triệu là nghiêm trọng thì CA Q.Bình Tân phải báo cáo CA TP để phối hợp. Hiện nay, CA quận, huyện không có khả năng định vị được số điện thoại, phải nhờ các đơn vị nghiệp vụ CA TP hỗ trợ, do đó việc báo này là rất quan trọng.

Theo thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục C45 - Bộ CA, cơ quan này cũng đang vào cuộc cùng CA TP.HCM để điều tra nghi án em Lưu Vĩnh Đạt bị bắt cóc tống tiền sau đó bị thả xác trôi sông. Ông Tiến cho biết, đang chờ phía CA TP.HCM báo cáo toàn bộ nội dung vụ việc nên ông chưa thể đưa ra nhận định về việc đánh giá thông tin ban đầu của CA Q.Bình Tân cũng như việc PC45 không tiếp nhận đơn trình báo của gia đình nạn nhân

Nhóm PV CT-XH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI