Một bé gái bất hạnh (chậm phát triển tinh thần kèm bệnh động kinh, mồ côi mẹ, cha bỏ rơi) đã bị gã râu xồm sát vách xâm hại nhiều lần. Vụ việc bị tố giác, nhưng viện cớ “đương sự trên 16 tuổi và không có cơ sở xác định việc trên là trái ý muốn của em”, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) đã không khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan này cũng cho rằng hành vi của T.T.P. là không cấu thành tội phạm.
Quan hệ với trẻ tâm thần nhưng… không cấu thành tội phạm?
Chúng tôi đến nhà nạn nhân N.K.D.M. - một đứa trẻ tâm thần. M. nằm tênh hênh trên võng, mở mắt ra nhìn rồi lại nhắm mắt, rụt cổ. Bà Võ Thị Đào - bà ngoại bé - thở dài: “Nó lơ ngơ vậy đó. Hồi nhỏ, đau còn không biết kêu, học hoài không hết lớp Ba, mỗi lần động kinh thì như chết đi sống lại”.
Theo lời bà Đào, M. (sinh ngày 11/1/2002) bị cha bỏ rơi từ khi còn trong bụng mẹ. Năm 2014, mẹ M. mất sau nhiều năm bị bệnh. M. ở với bà ngoại và cậu út.
|
Bé M. và bà ngoại kể lại hành trình tố cáo tội ác đầy gian nan suốt một năm rưỡi qua |
Lợi dụng việc cậu út thường xuyên đi làm, vào khoảng tháng 5/2018, T.T.P., sinh năm 1981, là hàng xóm sát vách đã sang nhà, khống chế bé M. rồi thực hiện hành vi đồi bại. Quan hệ xong, hắn còn đe dọa sẽ bóp cổ nếu bé nói ra sự việc. Lo sợ cộng với khả năng tiếp xúc kém, M. đã không hé môi với bất kỳ ai. Thấy cháu gái ngày càng trở nên xanh xao, bà Đào gặng hỏi nhưng M. vẫn không mở miệng.
Nhưng vào ngày 7/1/2019, bỗng M. kêu bà ngoại đi với mình lên công an xã rồi tự mình tố cáo hành vi của T.T.P. Công an xã thụ lý và chuyển hồ sơ về Công an H.Bình Chánh. P. cũng khai nhận 3 lần quan hệ với bé M. Tuy nhiên, ngày 11/3/2019, Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do “tại thời điểm đó M. trên 16 tuổi và không có cơ sở xác định việc trên là trái ý muốn của em”. Cơ quan này cũng cho rằng hành vi của T.T.P. là không cấu thành tội phạm.
Nhận thấy nỗi oan ức của gia đình nạn nhân, người thân và hàng xóm đã hướng dẫn bà Đào kiện ra tòa yêu cầu ông P. phải bồi thường thiệt hại. Tại Tòa án nhân dân (TAND) H.Bình Chánh, ngay phiên làm việc đầu tiên, thẩm phán Lê Thị Hồng Vân - người được phân công thụ lý vụ án - đã phát hiện nạn nhân có những biểu hiện bất thường về tinh thần nên đã tìm hiểu thêm. TAND H.Bình Chánh sau đó cho trưng cầu giám định pháp y tâm thần với M. và nhận được kết quả: M. “chậm phát triển tâm thần, mức độ nhẹ kèm động kinh”. Ngoài ra, M. còn “hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” (theo văn bản giám định số 5502/2019/KLGĐTC của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM).
Với kết luận này, thẩm phán Hồng Vân cho rằng hành vi của ông T.T.P. với bé M. có dấu hiệu của tội “hiếp dâm” theo quy định tại điều 141, Bộ luật Hình sự 2015. Trong quyết định chuyển vụ án ngày 14/11/2019 của TAND H.Bình Chánh cũng ghi rõ: “Để đảm bảo không một tội phạm nào bị bỏ lọt, TAND H.Bình Chánh chuyển hồ sơ và thông tin đến cơ quan CSĐT Công an H.Bình chánh xem xét giải quyết kiến nghị khởi tố”.
Ngày 25/12/2019, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) H.Bình Chánh cũng có văn bản đề nghị cơ quan CSĐT yêu cầu Trung tâm Pháp y tâm thần giải thích rõ tình trạng tâm thần của bé M. Theo đó, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM có công văn giải thích: “Đương sự N.K.D.M. bị chậm phát triển tâm thần, mức độ nhẹ kèm động kinh. Đương sự hạn chế khả năng nhận thức về hành vi tình dục và đương sự rất dễ bị dụ dỗ hoặc lợi dụng”. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh vẫn quyết định không khởi tố vụ án hình sự và quyết định này được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
“Vô lý và thiếu nhân văn”
Căn cứ nào để kết luận việc xâm hại nằm trong ý muốn của đứa trẻ bị tâm thần?
Người bị tâm thần, dù mức độ nhẹ, trong một ngày sẽ có phân khúc tỉnh táo và phân khúc ảo giác chi phối hành vi, ngôn ngữ, giao tiếp… Vậy, khi lấy lời khai của bé M. (một bệnh nhân tâm thần), Công an H. Bình Chánh đã thực hiện đúng thời điểm M. tỉnh táo nhất trong ngày chưa, điều tra viên có am hiểu về tâm lý của người bệnh tâm thần để có được câu trả lời chính xác nhất?
Hơn nữa, M. khai bị P. ép quan hệ nhiều lần. P. cũng thừa nhận. Biên bản kết luận giám định pháp y tâm thần khẳng định trí nhớ bé M. giảm. Điều này cho thấy, khả năng lúc nhớ, lúc quên của M. là bình thường. Vậy, làm sao cơ quan CSĐT có thể khẳng định được khi P. thực hiện hành vi xâm hại bé M. là “nằm trong ý muốn người bị hại”?
M. đang ở tuổi dậy thì, khi bị lạm dụng tình dục sớm sẽ dẫn đến nguy cơ bản năng tình dục bị đánh thức. Càng nguy hại hơn ở các trẻ có dấu hiệu tâm thần. Nhiều nạn nhân sau đó xuất hiện nhu cầu quan hệ tình dục kèm nhiều hệ lụy khác về sức khỏe… Chính vì vậy, luật pháp mới quy định thêm điều khoản bảo vệ nạn nhân là người bệnh tâm thần, không phân biệt độ tuổi, bị xâm hại tình dục.
Nếu cơ quan điều tra khẳng định hành vi của T.T.P. không trái ý muốn nạn nhân thì cơ quan này phải chứng minh được là “không trái ý muốn” ở tất cả các lần xảy ra sự việc. Còn nếu việc “không trái ý muốn này” xảy ra ở các lần sau đó, càng chứng minh đây là hệ quả của tội ác.
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Quận 2
|
Không còn niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật, bà Đào đã kêu cứu sự việc đến Hội LHPN TP.HCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.
Ngày 11/5, khi trao đổi với chúng tôi ngay tại nhà, bé M. lúc nhớ, lúc quên, rồi bất chợt em lăn ra võng ngủ, rồi lại ngồi dậy chui vào một góc lặng lẽ khóc… Trong lúc tỏ ra tỉnh táo nhất, cô bé kể: “Lúc đó con ngồi coi ti vi trên cái ghế này, ông cậu đó (M. thường gọi ông P., người hàng xóm có vợ ba con, là cậu) lôi con vô nhà tắm… Xong ông ta bóp cổ con, còn nói nếu nói với ai sẽ bóp cổ con tiếp…”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nói: “Việc Cơ quan CSĐT Công an H. Bình Chánh không khởi tố vụ án ông T.T.P. hiếp dâm bé M. là sai sót lớn. Một đứa bé vừa nhìn đã thấy không bình thường vậy mà lại không được bảo vệ theo quy định pháp luật là cực kỳ vô lý và thiếu nhân văn”.
Vị luật sư chỉ ra: khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự nêu: người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn nạn nhân đều được xem là phạm tội hiếp dâm. Chưa hết, tại điểm b, khoản 7, khoản 9, Điều 3, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn cụ thể về “lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân”, “trái với ý muốn nạn nhân” cũng nêu rõ đó là “khi người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ người bị hại bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác…)”.
Luật sư Nữ khẳng định: “Khi Cơ quan CSĐT Công an H. Bình Chánh quyết định không khởi tố lần đầu còn có thể hiểu là do sơ sót nghiệp vụ, điều tra viên không phát hiện nạn nhân bị bệnh tâm thần. Nhưng với quyết định không khởi tố khi đã có kết quả giám định pháp y tâm thần rõ ràng thì chúng tôi đánh giá là có vấn đề!”.
Cần Thơ: Kẻ xâm hại bé gái bị tâm thần nhẹ lãnh 14 năm tù giam
Ngày 8/5, TAND TP.Cần Thơ đã xét xử vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi và bị cáo là Trần Phương Em, 36 tuổi, đã bị xử phạt 14 năm tù giam và buộc phải bồi thường cho phía bị hại 35 triệu đồng.
Theo cáo trạng, do quen biết với gia đình bé L.T.N.N. (13 tuổi, là bệnh nhân tâm thần nhẹ, hạn chế khả năng nhận thức), Phương Em thường xuyên đến chơi. Khoảng 20g ngày 13/11/2019, Phương Em đến nhà bé N., thấy cha bé đang ngủ nên hắn rủ bé ra sau vườn để quan hệ tình dục. Lúc hắn đang “hành sự” thì cha bé N. soi đèn tìm con gái. Thấy ánh đèn, Phương Em dừng hành vi, đưa cho bé N. 200.000 đồng, rồi lẻn về bằng đường khác. Bị cha gặng hỏi, N. mới kể sự việc.
Tại cơ quan điều tra, Phương Em khai nhận đã giở trò đồi bại với bé N. 6 lần. Mỗi lần thực hiện xong, hắn đều cho bé N. từ 20.000 đến 30.000 đồng.
|
Nghi Anh