Mình sẽ làm gì khi phát hiện con biết yêu, ngăn cấm hay khuyến khích? Mình sẽ hành xử thế nào khi biết con trai yêu người lớn tuổi hay một đối tượng “nguy hiểm”? Liệu mình có bình tĩnh khi nghe tin con lén chat chít với người yêu?...
“Bé tí mà bày đặt yêu đương”
Thấy con gái ngồi khóc, chị Lan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hoảng hốt hỏi thăm, cô bé lớp Bảy con chị càng khóc to. Sau một hồi im lặng, con bé mới hỏi chị: “Có ai thương nhau mà không thể quen nhau không mẹ?”. Chị ngớ ra. Thì ra con bé vẫn đang còn phải ép ăn, ép tắm rửa của chị đang khốn khổ vì yêu…
Đoàn Thanh niên Hồng Kông vừa công bố một khảo sát trên 3.068 học sinh trung học cơ sở và sinh viên trước ngày Valentine 2019. Kết quả cho thấy, có 30,1% trẻ em và thanh niên đang hẹn hò, trong số đó, 3,2% nói rằng họ có mối tình đầu lúc 9 tuổi hoặc sớm hơn. 22,9% người được khảo sát đã yêu từ lúc 10 đến 12 tuổi; 53% bắt đầu biết yêu ở tuổi 15; 13,2% ở tuổi 16 đến 18 và số còn lại mới hẹn hò ở tuổi 19 hoặc muộn hơn.
Một năm trước, tháng 3/2018, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố số liệu nghiên cứu về thực trạng quan hệ tình dục của học sinh. Theo khảo sát của tiến sĩ Nam trên một số trường trung học Hà Nội, có tới 10% học sinh lớp Chín từng quan hệ tình dục, và trong số này có 30% các em không sử dụng các biện pháp tránh thai. Trong khi đó, có 39% học sinh lớp 12 từng ít nhất một lần quan hệ tình dục và 10% học sinh THPT đã quan hệ với 3 người trở lên. Con số này đã từng gây tranh cãi, nhưng cũng góp phần đánh động công luận. Trẻ yêu quá sớm so với suy nghĩ của cha mẹ, nên phần đông phụ huynh khi phát hiện con cái yêu đều giật mình, mất bình tĩnh...
Các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 10-16 tuổi thường nghĩ “phải ngăn cấm, còn nhỏ mà bày đặt yêu đương, không lo học hành...”. Nhưng liệu có cản được những thứ thuộc về cảm xúc không? Chị Đoàn Phương, giảng viên đại học, kể chuyện cô con gái học Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): “Lúc phát hiện, tôi cũng la lối om sòm, nhưng ông xã chỉ nhẹ nhàng: “Con phải xem bạn ấy thích mình thật không, chứ ở tuổi này, các bạn hay chinh phục để chứng tỏ bản thân, có khi lại đem khoe với bạn trai khác”.
Thấy chồng bình tĩnh, chị Phương dịu dần. Chị theo sát hơn với con, thấy cô bé học bình thường, chăm ngoan như trước, chị cũng nhịn, không “truy hỏi”. Sau đó không lâu, khi con yêu thực sự, cô bé đã mở lòng tâm sự với mẹ. “Tôi nhớ ngày xưa mình cũng có cảm xúc với bạn khác giới từ cấp II, nên tôn trọng con. Biết bạn trai con có gia đình tử tế, tôi tin người ta dạy con cẩn thận, nên bình tĩnh”, chị Phương nói.
Thực tế, không mấy ai giữ được bình tĩnh mà hành xử đúng. Chị Hằng Phan (Láng Hạ - Hà Nội) từng lao đến nhà “đứa kia” chửi tan nát, vì nghĩ rằng “đứa kia” dụ dỗ con mình. Rồi chị ngớ ra khi cậu trai lớp Chín thản nhiên bảo vệ bạn gái: “Mẹ chửi con thì được, chửi bạn là sai. Con cũng quý mẹ bạn”. Chị Hường (một giáo viên tiểu học) kể rằng, khi chồng đánh con vì tội “nứt mắt đã yêu”, chị chỉ đứng nhìn. Nào ngờ sau trận đòn, cô bé bỏ nhà đi 5 ngày, gia đình một phen náo loạn.
Mở cho con một lối đi
Các chuyên gia thường khuyên trong tình huống này hãy mở cho con một lối nhỏ, để con lách qua và đi tiếp, đừng chặn đứng chúng mà tức nước vỡ bờ. Trong một diễn đàn phụ nữ, chị Hoàng Uyên (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Con tôi học nội trú, lớp Bảy con đã biết yêu, và yêu một chị lớp Mười. Tôi thì nghĩ rằng, có cản cũng không được. Tôi theo dõi con mỗi cuối tuần đưa con về nhà, nói chuyện vui vẻ, khéo léo đưa quan điểm của mình. Con bảo thích người lớn hơn, vì người ấy trưởng thành, chững chạc; bạn cùng lớp thì bánh bèo, nhõng nhẽo. Lý do của con đơn giản, nhưng tôi thấy hợp lý. Trẻ bây giờ khác mình ngày xưa, các con chỉ nghe theo cảm xúc, thấy ưng mắt, hợp tính và có cơ hội thì tìm hiểu nhau thôi. Con trai tôi thích những cô gái cá tính, “dữ dữ” chút...”. Tôi nghĩ, ủng hộ và theo sát con, còn hơn mù tịt không biết chúng làm gì, nghĩ gì”.
|
Đã có biết bao câu chuyện đau lòng, chỉ vì cha mẹ ứng xử không khéo. Ở lứa tuổi thích chứng tỏ mình, các con khi bị ngăn cấm sẽ phản kháng bằng những hành động dại dột. Một lối đi an toàn, để cha mẹ nắm tay con chậm rãi, khích lệ chúng chia sẻ, giúp con biến tình yêu trong sáng thành động lực học tập, giúp con và bạn cùng nhau phấn đấu. Nói làm sao cho con hiểu thế nào là tình yêu đẹp, bên con khi con thất tình…
Thạc sĩ Nguyễn Lan Hải, một chuyên gia nhiều năm tư vấn gỡ rối cho cha mẹ - nhắc lại câu chuyện năm ngoái về cái chết của một cậu học sinh 16 tuổi. Vào năm lớp Sáu, cậu bé phải lòng một cô bạn cùng lớp, hai bên viết thư “tình cảm” với nhau. Mẹ cậu phát hiện và tìm gặp cha mẹ cô bé làm ầm ĩ. “Phạm nhân” không dám nói gì, nhưng cô bé không nhìn mặt cậu nữa. Vài năm sau, người mẹ thắc mắc sao con trai có vẻ xa cách và ít tâm sự với mẹ, thằng bé đáp: “Vì mẹ đã biết quá nhiều rồi!”. Cậu sống khép mình và cuối cùng đã tìm đến cái chết”. Bà Lan Hải cho rằng, "không quản được thì cấm" là cách xử lý khá phổ biến của các bậc cha mẹ trước việc “con cái mới nứt mắt đã yêu đương nhăng nhít”. Nhưng yêu sớm không xấu, yêu lén lút mới đáng ngại, và yêu muộn chắc gì đã tốt hơn?
|
Theo chuyên gia tâm lý học đường Võ Hồng Tâm, khi phát hiện con yêu sớm, cha mẹ cần bình tĩnh. Không đoán già đoán non hoặc tưởng tượng tình huống yêu đương của con, tránh hình dung điều tệ hại. Trước tiên, hãy tìm hiểu mối quan hệ của con và đối phương để biết con đang yêu ở mức nào, chỉ là nắm tay, đụng chân, đã hôn nhau chưa, hay đã thân mật hơn... Tìm hiểu mục tiêu học tập và quan điểm sống của cả hai bên rồi “chốt hạ” bằng những hướng dẫn con cách yêu đương lành mạnh, định hướng giá trị sống.
Theo bà Tâm, chia sẻ cùng giáo viên cũng là một giải pháp, nhưng giáo viên khó giải quyết theo chiều sâu như cha mẹ, mà chỉ có thể định hướng chung chung. Trẻ đang yêu cần cha mẹ ở bên nhiều nhất.
Tuy vậy, nhiều cha mẹ băn khoăn: bình tĩnh đến đâu là đúng? Cứ thản nhiên làm như không biết hay “truy” ngay lập tức? Hay “nhịn” tới cuối tuần cả nhà cùng đi ăn rồi tỉ tê tâm sự với con? Tất cả đều dựa vào mức độ yêu, hoàn cảnh gia đình và tâm tính của con, nhưng phải nhớ giữ bình tĩnh để cân nhắc các tình huống có thể xảy ra trước khi hành động.
Bình tĩnh để không ngộ nhận rằng, cha mẹ phải biết hết về con, rồi lập tức tra khảo, lục tung mọi bí mật của con, xem trộm nhật ký, tin nhắn điện thoại, buộc con cung cấp mật khẩu trang cá nhân...
Bình tĩnh để trở thành sự tin cậy của con. Bình tĩnh để giúp con vượt qua những thương tổn, đổ vỡ trong tình yêu... Dù rằng, làm cha mẹ bình tĩnh vốn chẳng dễ chút nào.
Lan Khôi