Ngoài cảnh báo về sự vắng bóng của giáo dục gia đình trong vấn đề “trẻ yêu sớm”, câu chuyện này còn có những thái cực đối nghịch, dở khóc dở cười.
Thà giết nhầm…
Chuyện nhốn nháo ở nhà chị Nguyễn Thanh Vi (tiểu thương, An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) bắt đầu từ khi bé Tố Trâm biết chat facebook. Mỗi tối, sau khi trở về từ lớp học thêm, Trâm ngồi vào bàn học, thỉnh thoảng mượn điện thoại của mẹ để “trao đổi bài với bạn” thay vì gọi điện như lâu nay. Riết thành quen, dường như mỗi lần Trâm ngồi vào bàn học, điện thoại của mẹ để gần đó thỉnh thoảng lại reo báo tin nhắn từ facebook.
Mỗi lần như thế, dù đang làm bếp, quét nhà, hay xem ti vi, vợ chồng chị Vi lại dáo dác quan sát con. Thấy con không có biểu hiện gì đặc biệt, những lần đầu, hễ con vừa đi ngủ, chị liền mở điện thoại ra xem. Nhưng, hộp thư trống rỗng. Vài lần như vậy, chị bắt đầu sốt vó. Bao nhiêu nỗi lo ngấm ngầm từ khi thấy con gái bắt đầu phổng phao, xinh xắn như đang… trở thành hiện thực.
Trâm 13 tuổi. Không như những bạn sớm có cá tính, cô bé hiền lành, ngoan ngoãn, ít chơi bời với bạn bè, và hoàn toàn tin tưởng mẹ. Dạo trước, thỉnh thoảng chị Vi lại được an lòng khi nghe con kể chuyện “những bạn thích con mà con không thích lại”. Mỗi lần như thế, người mẹ trẻ lại thận trọng khai thác đến từng chi tiết, rồi lồng vào đó những phân tích, khuyên răn. Nhưng, dạo này, càng tương tác nhiều với bạn bè, Trâm lại gần như chẳng có gì để kể với mẹ.
Lên diễn đàn hỏi “các mẹ”, được khuyên “không nên bứt dây động rừng” vì việc học của con không hề sa sút, chị Vi bàn với chồng “không nên can thiệp thô bạo với con”. Nhưng, chị càng tâm sự với nhiều bạn bè, chuyện “con có người yêu” càng trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Chị nhờ một đồng nghiệp cài đặt chế độ lưu toàn bộ tin nhắn trong một bộ nhớ bí mật.
Từ đó, đêm nào, vợ chồng chị cũng bắt đầu “nghỉ ngơi” bằng việc đọc hết tin nhắn của con, rồi… thở phào đi ngủ khi thấy trong hộp thư lưu trữ toàn những tin nhắn thăm hỏi rời rạc, những chọc ghẹo trẻ con, và những trao đổi bài vở. Nhưng, chuyện chỉ yên được dăm ngày. Một buổi chiều, khi con gái sắp kết thúc học kỳ I năm lớp 7, chị Vi nghe chồng gọi điện, “hẹn” chị về nhà sớm để “nói chuyện”. Anh đưa ra một loạt tin nhắn của Trâm với một nickname lạ, nội dung đầy những lời khen ngợi, tán tỉnh.
Lâu nay, Trâm thỉnh thoảng lại chuyển sang mượn điện thoại của cha. Theo dõi con một thời gian dài không thấy gì bất thường, vợ chồng chị dần lơ là. Đến hôm nay, khi anh Việt vô tình kiểm tra hộp thư mới… tá hỏa. Đó là một chàng trai 17 tuổi, chủ động làm quen với Trâm trên facebook.
Đáng lo nhất là bọn trẻ hẹn nhau chat mỗi ngày. Nickname đó còn hỏi trường học của Trâm, và cho biết nơi ở của “hắn”. Chưa kịp bày tỏ cảm nghĩ của mình, chị Vi đã nghe chồng cằn nhằn, trách cứ. Bao nhiêu lời khuyên can của chị từ lúc anh định cấm tiệt con “chat chit” giờ trở thành “tội lỗi” của chị. Cảm giác rằng chuyện chưa rõ thực hư, nhưng chị cũng bị những lý lẽ của chồng cuốn vào.
Suốt những ngày sau đó, chị Vi liên tục bị chồng gây sức ép phải nói chuyện, ngăn cấm con. Chuyện càng lúc càng tệ. Đứa con gái vốn hiền lành, hoàn toàn tin tưởng vào mẹ bất ngờ lầm lì, lạnh nhạt khi biết mẹ đọc tin nhắn của mình. Thấy thái độ của con, chị Vi đâm dè chừng trong hành xử. Nhưng, chị càng cố kiên nhẫn để hành xử đúng mực, chồng chị lại càng sốt ruột, quay sang trách giận, đổ lỗi. Nhà cửa vì chuyện ấy mà “chiến tranh lạnh” liên miên.
Là tài xế xe đường dài, anh Nguyễn Ngọc Tài (Q.Tân Bình) cũng một phen sốt vó vì chuyện yêu đương của đứa con trai 14 tuổi. Thường xuyên xa nhà, dạo gần đây, trong những cuộc gọi, anh nghe vợ hay nhắc đến chuyện con trai giữ thư tình trong cặp. Những chi tiết nhỏ nhặt như thế mỗi ngày lại được cập nhật giữa muôn vàn mối quan tâm, anh Tài quên bẵng.
Một ngày nọ, đang giờ nghỉ trưa, anh nghe vợ gọi điện, hỏi han mấy câu rồi nói giọng lạnh tanh: “Sao em nói chuyện thằng Tý vậy mà anh không hề hỏi han lần nào?”. Đang ngớ người, buột miệng “chuyện gì?”, anh nghe đầu dây bên kia cúp máy. Phải gọi điện dỗ dành mấy lượt, anh Tài mới được vợ “trút” ra nỗi lòng tơ vò vì những chi tiết đã được kể suốt những cuộc gọi trước, về biểu hiện yêu sớm ở con.
Đúng buổi trưa anh Tài “hồn nhiên” hỏi “chuyện gì?”, là chị đang ở… đỉnh cao của nỗi lo lắng vì đứa con trai xin đi sinh nhật bạn mãi không thấy về. Gọi cho chồng, nghe câu hỏi… trớt quớt, chị bực dọc cúp máy, một mình lấy xe đảo quanh các rạp phim trong quận với hy vọng mong manh là bắt gặp được con đang đi với một cô bạn gái nào đó.
Nghe những biểu hiện vợ kể, anh Tài vẫn… chưa thấy lo. Nhưng, anh không tài nào kéo được vợ ra khỏi những nỗi lo “con học hành sa sút”, “con lỡ làm chuyện dại dột”, “lỡ hại đời bạn gái”... Cạn lý, anh Tài buột miệng: “Nó là con trai, có gì đâu mà em sợ mất?”. Vợ anh lại bực dọc cúp máy, bắt đầu cho chuỗi ngày cãi vã liên miên.
Đồng hành?
Theo ThS tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược công ty Ý tưởng Việt), những chuyện dở khóc dở cười như thế rất phổ biến. Khi mà, trong những gia đình trẻ, ít con, từng giai đoạn phát triển của đứa trẻ đều được bố mẹ theo sát. Một nam sinh lớp 8 ở Gia Lai tự tử sau khi viết thư cho bạn gái, nhắn “Vợ mà không yêu chồng là chồng tự tử đó!”.
Một học sinh lớp 9 ở Tiền Giang cũng uống thuốc trừ sâu tự vận chỉ vì… buồn tình. Một cô bé ở Trung Quốc bị bạn trai cưỡng hiếp, giết chết. Một nam sinh ở huyện X, tỉnh Y nhảy cầu sau trận cãi vã với bạn gái… Cùng những bài cẩm nang hữu ích về việc trẻ yêu sớm trên mạng, đề tài này lại được kể mỗi ngày với những câu chuyện đầy thảng thốt, bi kịch. Và, chỉ cần thấy một từ khóa liên quan đến tình yêu của con trẻ, người lớn đã “dọn” sẵn sự bất an, dè chừng; thậm chí là ác cảm.
Người ta chăm chỉ chia sẻ nhau những tin nhắn, những lần đi chơi, những thái độ tinh tế nhất của con, để cùng nhau “định lượng” mức độ trầm trọng của một quan hệ tình cảm chưa rõ hư thực. Các ông bố, bà mẹ từ chỗ là “đồng minh”, chuyển sang… thất vọng, trách cứ, đổ lỗi cho nhau.
Mọi động tĩnh dù nhỏ nhất, từ con, đều được “ghi hình” không sót một chi tiết nào bằng chiếc “camera tình thương, lo lắng, bảo bọc” của cha mẹ. Để tránh sai lầm can thiệp thô bạo của thế hệ phụ huynh xưa kia, các ông bố bà mẹ hiện đại chọn đồng hành cùng con bằng những động thái văn minh hơn, nhưng đảm bảo vẫn là một cái radar, cật lực quan sát, cuống cuồng báo động. Thậm chí, con yêu sớm như đã trở thành một thất bại trong việc dạy con của một số ông bố bà mẹ.
Tất cả những bất an đều dễ đồng cảm, những nỗ lực theo dõi, kiểm soát đều hợp lẽ, và luôn được khuyến khích. Có điều, những nguy cơ, những biểu hiện tiêu cực vẫn được kể nhiều đến mức trở thành những “hình ảnh đại diện” của câu chuyện “trẻ yêu sớm” liệu có kể đúng bản chất của câu chuyện này; để rồi, hễ nghe chuyện con trẻ yêu đương, người ta lại lắc đầu, ngao ngán? Chưa kể, ta có thực sự đồng hành cùng con không, khi mà từ những biểu hiện nhỏ nhặt nhất ở những ngày đầu, đã tìm cách “lý giải” bằng những phủ định, nguy cơ?
Bao nhiêu ông bố bà mẹ từng “can đảm” nói với con rằng “đó là một tình cảm dễ thương, đáng trân trọng” - giữa muôn vàn những lời hóa giải, phủ định? Ở hầu hết các gia đình may mắn được con tâm sự, hoặc trót phát hiện chuyện con yêu sớm, câu trả lời “kinh điển” nhất của “nhân vật phụ huynh” vẫn là “đó chỉ là tình cảm nhất thời, đó không phải tình yêu, con sẽ sớm quên bạn ấy thôi”.
Nhưng, đang trong trải nghiệm cảm xúc từ những diễn biến đầy hấp dẫn của một mối quan hệ dù có thể cũng sẽ chỉ là “nhất thời”, “không phải tình yêu”; lời phủ định ấy sẽ chẳng mấy đáng tin với những con tim yêu (sớm). Sự “nhận định” liên tục, dè chừng liên tục, bác bỏ liên tục - dù với một thái độ nhẹ nhàng, tế nhị, văn minh - vẫn vô tình tước đi của cha mẹ vị trí “đồng hành”.
Hầu hết, ở thời buổi này, “lắng nghe con” đều không còn là chuyện xa xỉ. Nhưng, “lắng nghe” trong hầu hết các trường hợp ấy đều chỉ là một cái “nghe” cơ học. Người ta “nghe” để đủ dữ kiện mà phân tích, cổ vũ, hoặc bác bỏ - bằng logic của đúng, sai, nên, không nên từ những lý trí trưởng thành.
Những cảm giác chưa bao giờ được chia sẻ. Những thắc mắc về phản ứng của “bạn trai” nếu có được thật thà kể ra, cũng sẽ được phụ huynh nhiệt tình “chia sẻ” bằng những lý giải nhiều dụng ý, và… đầy tính giáo dục. Trong khi, dù ở vai trò một người giáo dục, người ta cũng cần là một người đồng cảm, đồng hành. Mà, một người luôn nỗ lực theo sát, quan sát, rồi liên tục chi phối hành trình bằng những phân tích, nhận định đúng sai… thì giống với người theo dõi hơn là một kẻ đồng hành.
Rồi, dù các hành xử của thế hệ phụ huynh trẻ đã văn minh hơn bội phần, thì trong tiềm thức của cả người lớn lẫn con trẻ, yêu sớm vẫn là chuyện “không nên”. Nhiều đứa trẻ tự “mặc cảm tội lỗi” khi trót yêu sớm, bên cạnh những người lớn hồn nhiên tự hào “suốt thời học sinh chẳng rung động với bạn nào”. Cứ thế, người ta cứ nối tiếp nhau trong cái lầm lẫn giá trị và “những mặc cảm không đáng” lại kiềm chế sự phát triển về cả tinh thần lẫn nhận thức của người lớn lẫn con trẻ.
Vào cuối năm 2016, người ta lan truyền câu chuyện ứng xử của gia đình tổng thống Obama khi con gái Manila của ông yêu sớm. Sinh năm 1998, vào năm 13 tuổi (năm 2011), Manila đã có nụ hôn đầu đời với bạn trai. Không có một trận cãi vã hay ngăn cấm nào. Vợ chồng ông Obama xem đó là “một sự kiện ngọt ngào trong tuổi trẻ của cô ấy”. Và cặp bố mẹ này “không thể ngừng mỉm cười vì điều đó”.
Được cháu gái tâm sự chuyện yêu đương, bà ngoại của Manila lại luôn sát cánh, gỡ rối, dạy cho cô cách ứng xử với bạn trai. Được giới truyền thông hỏi về điều này, ông Obama hoặc trả lời một cách hài hước, hoặc dừng chia sẻ bằng lý do “tôi nghĩ đây là chuyện riêng tư của Manila”. Bà Obama, người phụ nữ thuộc nhóm quyền lực nhất thế giới lại có những thông điệp liên quan đến chuyện này: “Không có chàng trai nào đủ đáng yêu hay thú vị để các bạn dừng việc học”.
Những chi tiết xoay quanh gia đình của một chính khách có ảnh hưởng nhất thế giới có thể còn nhiều sai số. Nhưng, đó là một câu-chuyện-được-chọn-lan-tỏa. Và, tôi đồng tình với giá trị, thông điệp mà một bộ máy truyền thông nào đó muốn truyền đạt bằng cách lan tỏa câu chuyện này.
Minh Trâm