Con vướng vào bạo lực học đường: Yêu con thì phải biết hạ "cái tôi" xuống

30/05/2022 - 11:55

PNO - Ở tuổi này, thân thể các em cần được trân trọng bao nhiêu thì sự ổn định, bình yên về tâm lý càng phải được gìn giữ bấy nhiêu.

 

Sau 3 ngày xảy ra vụ việc bạo lực học đường ở ngôi trường quốc tế tại TPHCM, cộng đồng vẫn không ngớt xôn xao, bàn tán quanh các tình tiết mới.

Nếu như ở ngày đầu, số lượng người “về hùa”, lên tiếng ủng hộ chị T.H.T. đông đảo, thì bây giờ nhiều người thậm chí "quay xe" vì quá mệt mỏi với diễn biến tiêu cực của vụ việc và tiếp cận thêm nhiều chứng cứ, các góc camera mới...

Đa số mọi người có thời gian để bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc. Thêm nhiều bài viết trên mạng xã hội chia sẻ thỏa đáng, trọn vẹn hơn về hành vi, cách ứng xử của người lớn quanh việc xử lý những mâu thuẫn ở môi trường học đường.

Người mẹ thừa nhận sự nóng nảy của mình, nhưng chị cho biết vẫn kiểm soát được cảm xúc (Ảnh chụp màn hình từ clip do chính nữ phụ huynh đặt máy quay)
Trong một bài Facebook đăng sáng 30/5, người mẹ nói chị "có thể là một bà mẹ nóng giận nhưng chắc chắn không hề mất kiểm soát"  (Ảnh chụp màn hình từ clip do chính nữ phụ huynh đặt máy quay)

Bản thân tôi, ngay từ đầu khi xem clip quay tại trường của người mẹ mặc áo xanh, tôi đã không đồng tình với thái độ, ngôn ngữ cơ thể của cô ấy. Cô nói rất to, rất nhiều, nét mặt, cử chỉ, ánh mắt trong cơn tức giận cũng khá gay gắt như muốn “áp đảo” đối phương.

Đối diện với người mẹ, gia đình người mẹ là một thầy giáo người nước ngoài bất đồng ngôn ngữ. Và rõ ràng, khi không hiểu tiếng họ sẽ không nắm bắt được thông tin đối phương muốn chuyển tải, họ buộc phải quan tâm đến điều còn lại, đó chính là ánh mắt, thái độ và cử chỉ. Khi nhận thấy ngôn ngữ cơ thể của đối phương có dấu hiện nóng nảy, bùng nổ, bất hợp tác, người thầy ấy cần giữ khoảng cách để bảo vệ sự tôn nghiêm của nhà trường. Tôi cho đó là điều hợp lý và cần thiết.

Nhiều người hẳn sẽ phản đối tôi. Vì nhìn từ góc một phụ nữ có bản năng gà mẹ, phải xù lông bảo vệ con, biết xót vì “tiền mất tật mang”, chị có quyền yêu cầu nhà trường giải quyết rốt ráo vụ việc. Tuy nhiên, câu nói “người giận mất khôn” chính là dành cho trường hợp này. Người mẹ ấy, vào thời điểm ấy, đã biết một mà không biết hai. Cô đã dùng cảm xúc và bản năng để “áp đặt” tư duy của mình vào những quy chuẩn của một cơ sở giáo dục, vốn đã được xây dựng từ trước đó.

Liên quan đến vụ việc này, tài khoản facebook Chương Đặng chia sẻ: "Trường học có luật lệ của trường học; Ông người nước ngoài nói đúng; "Tôi sẵn lòng nói chuyện với cô; nhưng cô mà hét lên như thế thì không!". Con cô này bị đánh vào đầu, vào tay. Còn nếu thầy giáo của các em khác bị một bà nào xông vào trường gọi là thằng, là ngu ... thì trong tâm hồn non nớt của các con sẽ hằn những vết thương khác. Vậy cô này sẽ đền bù sao đây?".

Trong bài viết mới nhất của mình, anh Bùi Khánh Nguyên, một diễn giả uy tín, độc lập về giáo dục cũng đã viết: “Với học sinh còn đang học phổ thông, dưới 18 tuổi, cha mẹ thường chính là người giám hộ của trẻ. Do vậy, khi con bị hành hung, tấn công, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng ở trường, cha mẹ có những quyền nhất định để can thiệp và bảo vệ con cái, nhưng đồng thời họ cũng có thể không có các quyền nhất định như: Không được gặp trực tiếp học sinh gây ra thương tích hay xâm hại bạn. Lý do trường học phải ngăn chặn cuộc gặp này vì từ phía bị xâm hại, cha mẹ có thể không kiềm chế được và lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia; Không được gặp trực tiếp gia đình của đứa trẻ gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Thông thường nếu có tổ chức gặp, phải được tổ chức trong trường, và do trường sắp xếp”.

Việc một đứa trẻ phô bày những vết thương trên mạng xã hội được nhận xét là tổn thương lần 2
Việc những đứa trẻ trong cuộc phô bày những vết thương trên mạng xã hội để chứng minh đúng-sai trong "cuộc chiến" của người mẹ này được nhận xét là "tổn thương lần 2"

Diễn giả Bùi Khánh Nguyên chia sẻ thêm: “Chuyện va chạm của học sinh với nhau có thể xảy ra, và thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen, các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, thái độ đúng của nhà trường, cha mẹ sẽ quyết định việc ngăn sự việc trượt ra xa hơn”.

Với riêng tôi, sau hơn hai ngày xảy ra sự việc, tôi vẫn tiếp tục theo dõi, câu chuyện đã có thêm nhiều tình tiết mới, nhiều chia sẻ mới (từ phía nhà trường và chính những em học sinh có mặt trong vụ ẩu đả), tôi nghĩ rằng: Khi những mâu thuẫn thông thường đã vô tình bị đẩy đi quá xa, trở thành khủng hoảng thì những phán xét, phương án xử lý mang tính cá nhân nào đó của một người, một nhóm người cần được gác lại. Hãy để cho nhà trường, hội phụ huynh, hay cao hơn nữa là những cơ quan chức năng vào cuộc. Họ sẽ có những cân nhắc và phương án hợp tình, hợp lý để hòa giải và bảo vệ, tạo môi trường tốt cho các em học sinh tiếp tục học tập và phát triển.

Không ai yêu con bằng mẹ nhưng nếu yêu con hoàn toàn bằng cảm xúc, bản năng, đặc biệt khi người mẹ ấy lạm dụng truyền thông (hoặc bị truyền thông lạm dụng) để đẩy mọi thứ lên cao trào... thì không chắc các con mình, các bạn của con mình sẽ tiếp tục nhận được yêu thương, chở che và bảo vệ.

Ở tuổi này, thân thể các em cần được trân trọng bao nhiêu thì sự ổn định, bình yên về tâm lý càng phải được gìn giữ bấy nhiêu.

Diệu Thông (Thừa Thiên- Huế)

                                                                                         

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI