|
Người mẹ (áo xanh) và đại diện nhà trường bất đồng trong cách giải quyết vụ việc bạo lực học đường tại TPHCM (Ảnh minh họa) |
Mạng xã hội vẫn đang xôn xao quanh vụ việc bạo lực học đường của nhóm nữ sinh một trường quốc tế tại TPHCM với sự can thiệp khá “ồn ào” của một người mẹ.
Câu chuyện làm tôi nhớ đến ngày xưa, năm tôi học lớp 2, có một bạn ngồi cạnh tôi, không ngày nào bạn không ngắt, véo vào mặt, vào cánh tay tôi; nhẹ nhất là đau một chút rồi hết, có khi hằn cả vết móng tay và có khi để lại vết xước rỉ máu.
Nhưng hồi ấy không hiểu sao tôi không hề mách mẹ hay thưa cô giáo, tôi âm thầm chịu đựng. Đỉnh điểm là một hôm tôi khóc quyết không đi học nữa vì tôi sợ bạn ấy lắm.
Khi mẹ tôi biết chuyện, bà sang nhà bạn ấy “làm dữ”, rồi mẹ lên trường nói chuyện với cô giáo, mẹ gặp cả bạn ấy, đe dọa nếu còn ngắt, véo tôi, mẹ sẽ đánh bạn ấy.
Thế nhưng êm được vài hôm, tôi lại bị bạn ấy ngắt véo, còn đau hơn những lần trước. Tôi ức lắm, nhưng do tôi thấp bé nhẹ cân nên tôi đành chịu. Cuối cùng cô giáo phải chuyển bạn ấy sang lớp khác.
Ở lớp mới, tôi có nghe một bạn ngồi cạnh bạn ấy bị y hệt như tôi. Tôi không biết cô giáo lớp ấy xử lý như thế nào. Rồi tôi cũng quên nhanh câu chuyện này.
Một thời gian sau, tôi nghe mẹ tôi nói bạn ấy mất vì một chứng bệnh nào đó. Sau này tôi hiểu ra nguyên nhân bạn thường ngắt véo tôi là có thể do bạn ấy bị bệnh gì về tâm lý mà thời xa xưa không ai hiểu để có cách giúp bạn ấy.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy có những người có tâm lý thích tấn công người khác. Nhẹ nhất là cấu cào, nặng hơn là đánh đối phương dù không có lý do gì, kiểu như “thích thì đánh”. Nhất là ở tuổi học trò.
Ngày xưa tôi đã từng chứng kiến nam sinh trường này kéo cả băng qua đánh nhau với nam sinh trường khác. Một câu nói đùa quá trớn dẫn đến hiểu lầm, tranh nhau giành tình cảm một cô gái, hay chẳng có lý do gì hết, muốn gây sự chơi vậy thôi!
Và, thời của tôi, những trường hợp đánh nhau ở trường học như vậy thường có sự can thiệp của nhà trường. Nặng nhất mới mời phụ huynh lên làm việc. Và khi phụ huynh lên họp thì hiểu là những học sinh quậy phá, đánh nhau sẽ bị đuổi học.
Hầu như phụ huynh ít biết để can thiệp chuyện đánh nhau, phần vì mải lo làm ăn, phần vì không đến tai phụ huynh. Vậy nên, nhiều trường hợp đánh nhau đến chết, cha mẹ mới biết.
|
Một nữ sinh trong vụ việc ở trường quốc tế chứng minh vết tích sau vụ ẩu đả với bạn cùng trường (Ảnh từ Facebook) |
Trở lại câu chuyện đầu bài. Bây giờ gia đình nào cũng ít con nên con cái “quý như vàng”. Con đi học về, cha mẹ quan sát từ đầu đến chân xem có biểu hiện gì khác. Cha mẹ khéo léo, biết khơi gợi con kể chuyện trên lớp. Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường cũng rõ ràng hơn qua các thông tin được truyền đạt nên khi bà mẹ biết chuyện và “làm ầm” lên là điều dễ hiểu.
Trong xã hội, có người nóng tính, người bình tĩnh, biết kiềm chế. Có người hung, có người hiền, biết chịu nhịn… Thậm chí, người nóng tính đôi khi còn phản ứng cả với người chịu nhịn một cách bực dọc: “Tại sao hiền quá vậy, phải làm cho ra lẽ chứ”.
Họ còn mắng người hiền quá là ngu ngốc, để bị ăn hiếp mà không làm gì. Tất cả những điều đó là trạng thái tâm lý bình thường của con người. Do vậy, bình tĩnh là bản lĩnh.
Ai cũng có lúc nổi cáu. Người bản lĩnh biết kiềm chế cơn giận, nuốt xuống, cố tỏ ra vẻ ngoài bình thản cho dù trong lòng họ đang dậy sóng. Người không kiềm chế, bộc lộ hết ra bên ngoài. Tâm lý con người đa dạng, yêu ghét vì thế vô chừng. Có người vừa nhìn đã thấy bực dọc dù người ấy chẳng làm gì gây hại cho mình, kiểu nhìn thấy ghét, lỗi nhỏ của họ không bỏ qua mà xé ra to.
Vậy thế nào đây? Làm sao để có được bản lĩnh sống này?
Phải có trải qua, mới có nghiệm lại. Có va vấp mới hiểu cần xử lý tình huống thế nào. Con người không ai giống ai, đến khi nghiệm ra đều đã muộn. Thời của mạng xã hội, với mọi việc, đều cần bản lĩnh và sự tỉnh táo giữa ma trận thông tin, của sự nhiệt tình "đẩy thuyền", like, còm, share...
|
Cộng đồng hiện chia làm hai phe: phe nhiệt tình ủng hộ người mẹ bảo vệ con và phe phản đối cách nữ phụ huynh khiến sự việc đi quá xa (Ảnh từ clip) |
Làm “người lớn” khó bởi còn là tấm gương cho con trẻ nhìn vào. Bản lĩnh của cha mẹ là bài học cho con cái. Việc đâu còn có đó và trên đời này không có việc gì không thể giải quyết được, há chẳng phải là câu khuyên chí lý của người xưa cho người nay hay sao?
Nếu không khéo léo, cái sảy nảy cái ung là hoàn toàn có thật!
Kim Duy