Con vụng về tại... cha mẹ?

02/04/2013 - 17:27

PNO - Giờ rảnh, mấy chị em trong cơ quan tôi thường chia sẻ với nhau chuyện nhà cửa, chồng con, công việc hay chuyện siêu thị giảm giá mặt hàng… Chuyện thì nhiều nhưng chủ đề nuôi dạy con bao giờ cũng sôi nổi hơn cả.

 Những ví dụ buồn

Tôi tưởng mình nghe nhầm khi chị Thảo (phường 9, quận Gò Vấp TP.HCM) khoe “thành tích” của cô con gái: con gái chị năm nay học lớp 7 nhưng chị vẫn đút cho cháu ăn hàng ngày, còn khi cháu đi học ở trường, chị vẫn phải nhờ đứa em họ học cùng lớp đút cho ăn! Thấy tôi và mọi người thắc mắc sao không để cháu tự làm thì chị Thảo đưa ra rất nhiều lý do, đại loại: cháu không chịu tự xúc ăn, ăn rất chậm thậm chí đói cũng nhất quyết không ăn! Từ nhỏ, con gái chị vốn yếu hơn so với tuổi nên vợ chồng chị chăm sóc cháu rất kỹ từ bữa ăn đến giấc ngủ, không để cháu chạm tay vào bất cứ việc gì. Không riêng gì đứa này, con gái đầu của chị giờ học lớp 11 mà lơ ngơ, việc gì cũng phải đến tay anh chị! Có một hôm chị bận quá nên đành để con đón xe buýt đi học, thế là con đi lạc, chị phải đi tìm đến tối mịt mới thấy con.

Con vung ve tai... cha me?
 

Thằng em họ tôi cũng chả khá hơn, đã năm cuối đại học mà chưa bao giờ phải mó tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Đến bữa nó chỉ biết ngồi vào ghế, ăn xong lại lên phòng đóng kín cửa, thậm chí tắm xong, quần áo cũng không biết bỏ vào máy giặt… bởi tất cả những việc đó đã có mẹ làm hết. Tuy chưa ra trường, nhưng bố mẹ cậu đã chuẩn bị cho cậu một công việc đâu vào đấy rồi…

“Hội chứng sợ” thâm nhập vào nhiều gia đình

Chính thói quen bao bọc, chiều chuộng con quá mức của rất nhiều ông bố bà mẹ đã vô tình đẩy con mình thành những đứa trẻ yếu về kỹ năng lao động, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, thiếu kỹ năng sống… “Hội chứng sợ” đã thâm nhập vào nhiều bậc phụ huynh: họ sợ con mình không ăn được nhiều nên ép con ăn từng thìa một; sợ con đau chân nên không cho bò dưới đất mà khư khư bế ẵm trên tay; sợ đường sá xe cộ đông nên phải đưa đón con đi học; sợ con thua kém bạn bè nên “trang bị” cho chúng xe, máy tính, iPhone; sợ con lao động vất vả nên chạy điểm, chạy việc… Chính sự bảo bọc con càng khiến trẻ thụ động, ỷ lại, mất dần khả năng vượt khó, thiếu ý chí vươn lên.

Đừng nuôi con như nuôi gà công nghiệp

Các nhà tâm lý học, xã hội học đã đưa ra nhiều lời khuyên, trong đó giải pháp “trải nghiệm cuộc sống” là một trong những cách khắc phục chứng vụng về, nâng cao kỹ năng lao động, giao tiếp và các kỹ năng sống ở trẻ. Hãy để con tự đi, khi ngã nó sẽ tự bò dậy để đi tiếp, biết chỗ nào dễ bị té ngã để mà tránh; để con làm thêm để biết công sức, giá trị của đồng tiền kiếm được bằng sức lao động của chính mình. Tạo điều kiện cho con em mình độc lập, tự chủ trong mọi vấn đề của cuộc sống mới giúp chúng năng động, thích nghi nhanh chóng và đứng vững trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến đâu. Bởi cha mẹ có giỏi giang đến mấy cũng không thể bảo bọc con suốt đời.

Các bậc cha mẹ phải dạy con học cách tự lập từ những thứ nhỏ nhất, tạo điều kiện để con mình tự lập càng sớm càng tốt. Đừng cho con quá nhiều, không đáp ứng tất cả những thứ nó muốn. Hãy dạy cho con biết niềm vui của những việc tự làm được. Đó chính là cách giúp con bạn đi vững trên đường đời bằng đôi chân mình.

 



TRẦN THỊ XUÂN
(Giảng viên bộ môn tâm lý học, khoa Khoa học xã hội và nhân văn - đại học Trần Đại Nghĩa)

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI