|
Với học bổng Nữ sinh hiếu, vượt khó, nữ sinh vui đến trường, phụ huynh vơi đi nhiều nỗi lo |
Con vui đến trường
Trong hơn 300 nữ sinh nhận học bổng ngày hôm nay, không ít em nhiều lần xin ba, mẹ cho nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng thấy các em mê học nên người thân không nỡ. Tương lai còn dài, không phụ huynh nào muốn con, em mình trở thành người lao động tay chân cơ cực.
Nữ sinh Lê Thị Mỹ An, lớp 12 trường THPT Thạnh Lộc, quận 12, có cuộc sống khó khăn, ba của An cố gắng làm việc để nuôi 3 anh em An ăn, học. Trong một lần làm việc, không may ông bị tai nạn mất sức lao động, ở nhà bó chổi bán chẳng được bao nhiêu.
|
Nữ sinh Lê Thị Mỹ An không kiềm nén được xúc động khi nói chị mình phải nghỉ học để nhường chữ cho An |
Mẹ sáng ra đồng hái rau đem bán, anh chị An đều xin nghỉ học, đi bán bong bóng, làm công nhân phụ giúp gia đình. Quá mê con chữ, tối về, người anh trai xin theo học lớp cộng đồng. Chị gái vẫn cố gắng để An học nốt phần mình.
Nhiều lần An thấy cả nhà làm việc cực nhọc chỉ để nuôi mình đi học, em ngồi khóc xin chị đi làm chung. Chị của An nói: “Cha mẹ không thể lo học phí cho tất cả chị em mình, chỉ có thể lo cho một mình em, ai cũng hy vọng em không phải cực khổ sau này. Chị nghỉ học là để em học thay chị, nếu em cũng nghỉ gia đình còn ráng vì ai”.
Nghe chị nói, An không đòi nghỉ nữa, em luôn phấn đấu học luôn phần chị, ấp ủ ước mơ làm cô giáo như mơ ước của chị mình.
|
Được tiếp sức, An cho biết sẽ cố gắng học để trở thành cô giáo như chính ước mơ của chị mình |
Hễ đi học thì thôi, về nhà, em Nguyễn Thị Ánh Ngọc, lớp 8 Trường THCS Xuân Trường, quận Thủ Đức liền chạy ra xe nước mía của mẹ để phụ ép nước mía nuôi sống gia đình. Cha bỏ đi hơn 8 năm, Ngọc sống cùng mẹ, bà ngoại, chị gái và đứa em. Chị của Ngọc không may mắc bệnh Down, chỉ quanh quẩn trong nhà. Mọi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đều trông chờ vào xe nước mía nhỏ.
Ráng lắm, Ngọc và mẹ cũng chỉ kiếm được gần 200 ngàn đồng mỗi ngày. Thuốc thang cho bà ngoại, cho người chị gái, tiền ăn học của Ngọc và em trai nhiều lần khiến người mẹ tần tảo gần như kiệt sức.
|
Nhiều lần Ngọc xin mẹ cho nghỉ học để phụ gia đình |
Thấy mẹ quá vất vả, nhiều lần Ngọc bật khóc xin mẹ cho nghỉ học để phụ gia đình: “Nghỉ hè em thường đi bán bánh mì, gia công đồ móc hoa gắn trên nón. Chỉ mấy lúc này gia đình em mới đủ tiền trang trải. Em biết học giỏi sau này sẽ giúp được mẹ nhiều hơn, nhưng bây giờ mẹ vất vả quá nên em tranh thủ học trước trên trường để về nhà phụ mẹ ép nước mía thêm.
Hôm nay nhận được học bổng, em mừng lắm, em cảm ơn cô chú đã quan tâm đến em. Năm nay đến trường em sẽ nhiều sách mới và không thiếu sách nữa”.
|
Năm nay Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục trao tặng học bổng cho 600 nữ sinh đến từ 24 quận, huyện của TP.HCM, con em các chị công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; các đại lý bán báo trên địa bàn TP.HCM, cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước. |
Mẹ vơi gánh lo toan
Nhìn con nhận học bổng trên sân khấu, nhiều phụ huynh vừa vui mừng vừa tự hào. Con rạng rỡ bao nhiêu, mẹ vui sướng bấy nhiêu, gánh nặng về đồng phục, sách vở, chi phí đầu năm bỗng trở nên nhẹ nhàng.
Bà Nguyễn Thị Năm nói: “May nhờ có học bổng từ Báo Phụ Nữ TP.HCM nên cháu tôi kịp mua tập sách. Mấy hôm nay nó khóc hoài, sợ không có tập đi học. Tôi qua mấy vựa ve chai gần nhà tìm coi người ta có mua được sách cũ không, nhưng chỉ mới được 4 cuốn. Hôm nay về chắc cháu tôi vui lắm”.
|
Chị Hiền vui mừng vì con gái có thêm quần áo mới, tập sách đẹp để đến trường |
Chị Trần Thị Hiền (ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đưa con mình đến nhận học bổng, nhớ lại chuỗi ngày liên tiếp khó khăn khi rời quê lên Sài Gòn, được bà con, chị em quan tâm tìm việc giúp. Từ dọn nhà thuê, giữ em bé, phụ quán,… việc nào chị Hiền cũng làm để con được đi học.
“Từ nhỏ, con gái tôi đã thiếu thốn tình thương của cha, lớn lên lại chật vật vì mẹ cố gắng làm việc mấy cũng không đủ. Tôi không ngại việc gì, chỉ mong con được học tới nơi tới chốn, mong sau này cháu khá hơn mẹ của nó. Hôm nay con tôi được nhận học bổng, tôi cảm ơn Báo Phụ Nữ, Hội LHPN và các mạnh thường quân đã giúp đỡ. Tôi chỉ muốn nói với con, rằng con hãy cố gắng học giỏi”.
Đến tham dự chương trình, chị Lê Thị Hà Vi, người mất đi một chân sau ca phẫu thuật đã tự bước lên sân khấu để động viên các em nữ sinh cố gắng, dù bất cứ điều gì xảy ra cũng phải vượt qua, hướng về tương lai.
|
Chị Lê Thị Hà Vi chia sẻ tại chương trình |
Chị Vi chia sẻ: “Mất đi một chân tôi vẫn muốn bước đi, hiện tại tôi đã vượt qua khó khăn của mình và đến giảng đường đại học. Các em đừng để mình gục ngã, hãy bước lên phía trước để xây dựng tương lai, đừng bao giờ từ bỏ”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tú, một trong hàng nghìn nữ sinh được nhận học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của những năm trước đã quay về nơi ấm áp khi xưa. Chị Tú chia sẻ, đó là khoảng thời gian quá cơ cực, bố mất khi chị chỉ mới 15 tuổi, tất cả gánh nặng đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của mẹ.
Các em còn quá nhỏ, mẹ càng phải lao lực hơn, chị muốn nghỉ học để đi làm ngay lập tức. Chị Tú thấy từ bỏ thì dễ, tiếp tục thì đánh đổi rất nhiều. Chị nhìn thấy những người khác, họ cũng đang khốn khó, vẫn tiếp tục phấn đấu và thành công. Chị tự nói với chính mình, nếu không bền bỉ vượt qua thì tương lai sẽ không tốt lên được, nhưng đi học thì ai sẽ đi làm.
|
Chị Thanh Tú cho rằng chọn từ bỏ thì rất dễ, nhưng chọn kiên trì thì sẽ thành công. |
Suy nghĩ này đeo bám chị, cứ tưởng năm đó chị Tú sẽ nghỉ học nhưng học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó đã đến kịp thời, chị tiếp tục bước đi với niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Hôm nay, chị Tú đến tham dự chương trình, ngoài chia sẻ câu chuyện của mình, chị cũng đã đóng góp một phần để chung tay dìu dắt những nữ sinh như mình khi xưa.
“Học bổng được nhận từ Báo Phụ Nữ, là động lực để tôi luôn tin tưởng tiếp tục phấn đấu vì sẽ không ai quên mình. Nghe các em chia sẻ, tôi thấy được mình của những năm về trước. Tôi muốn nói các em hãy cố gắng lên, đây chỉ là thử thách, rồi các em sẽ như tôi, sẽ thành công nếu tiếp tục kiên trì.
|
330 nữ sinh với bao mơ ước đang ấp ủ mỗi ngày. |
Đóng góp của tôi chỉ như hạt cát trên sa mạc, như hạt muối trên biển cả, nhưng tôi muốn được đồng hành cùng các em, như Báo Phụ Nữ TP.HCM, cùng các ân nhân đã đồng hành với tôi trong giai đoạn khó khăn nhất khi quyết định về tương lai. Tôi muốn nói với các em rằng chọn từ bỏ thì rất dễ nhưng chọn kiên trì thì sẽ thành công”, chị Tú xúc động.
Những năm qua, báo Phụ Nữ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực có ý nghĩa nhằm tham gia thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Đặc biệt, báo Phụ Nữ đang đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo.
Tính đến nay, chương trình học bổng của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã bước sang năm thứ 28 và đã trao hơn 7.000 suất học bổng với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng. Hàng năm, trung bình có trên 85% các nữ sinh cấp 3 nhận học bổng thi đậu đại học.
Năm học 2018 – 2019, Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục trao 600 suất học bổng cho các nữ sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết nỗ lực vươn lên trong học tập với tổng trị giá 1,5 tỉ đồng cùng những phần quà gồm tập sách, bánh, sữa, máy vi tính...
Học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó thiết thực không chỉ bao gồm các giá trị vật chất, hơn thế đó là những giá trị tinh thần có ý nghĩa to lớn giúp hàng ngàn nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học thực hiện những ước mơ trên con đường học vấn. Đây là sự khích lệ tinh thần, là nguồn trợ giúp, sẻ chia cùng phụ huynh để cùng hỗ trợ kinh phí học tập giúp các em tiếp bước đến trường, hoàn thiện chương trình học vấn căn bản, phổ thông; từ đó là hành trang để các em vào đời, lập nghiệp, đóng góp cho xã hội.
Để có được điều đó là nhờ vào sự đồng hành, chia sẻ và đóng góp tích cực của các nhà hảo tâm, những tổ chức doanh nghiệp luôn gắn bó với các chương trình xã hội, từ thiện của Báo Phụ Nữ trong suốt mấy mươi năm qua.
|
Phạm An - Minh Thanh