Mùa hè không iPad “phá sản” tại thành phố
Có biết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu chuyên đề cùng nói về những ngày hè không iPad của trẻ. Nhưng với các bậc cha mẹ, đây là việc quá khó. Nếu không có điện thoại, không có iPad, những đứa trẻ của chúng ta sẽ làm gì cho hết ngày dài, khi cha mẹ bận rộn với công việc, khi không có ai ở bên cạnh hoặc trẻ chỉ ở cùng một cô giúp việc dễ dãi?
Học thêm ư? Rồi cũng phải đón đưa theo giờ học. Kỹ năng ư? Cũng phải có người chờ đưa về. Học kỳ quân đội ư? Cũng là giải pháp tạm thời ít ngày. Nên rốt cuộc, nhốt con ở nhà vẫn là giải pháp được áp dụng nhiều nhất. Trong các công sở, những đứa trẻ trải chiếu nằm dưới bàn làm việc của cha mẹ cũng trật tự bằng iPad, điện thoại mà thôi.
Chị Linh (Công ty Dược phẩm 3/2 ở TP.HCM) cho hay, mỗi năm đến kỳ con chị nghỉ hè đều có ông bà ngoại ở quê lên giúp, nhưng mỗi chiều về nhà, chị thấy đứa con nào cũng ủ rũ vì suốt ngày trong phòng lạnh, dán mắt vào iPad và ăn ngủ thất thường.
Đau lòng, nhưng chị thấy mình còn may mắn hơn bao nhiêu người phải chở con theo đi làm hoặc chỉ đứa lớn trông đứa bé. “Năm ngoái, hết hè, cả hai đứa con tôi đều cận thị…” - chị Song An (Công ty xuất nhập khẩu CT, TP.HCM) thở dài thườn thượt khi nói về mùa hè năm trước. Theo chị, bắt con đi học bán trú cả hè thì tội nghiệp quá, mà thả con ở nhà thì đành chấp nhận vậy thôi.
Về quê ngoại - lựa chọn tối ưu?
“Mùa hè về quê ngoại” có lẽ là cụm từ lý tưởng nhất, vì chẳng nơi nào bằng quê hương, chẳng ai thương cháu bằng bà ngoại. Còn gì tuyệt vời hơn khi bọn trẻ được mặc sức tung tăng, hít thở không khí trong lành, thả diều, đá dế, tận hưởng một mùa hè thật tươi vui. Thế nên, nhà nhà người người đua nhau đưa con về ngoại, cho con được nghỉ hè một cách đúng nghĩa nhất, theo đúng như mong ước của cha mẹ.
Có những cuộc về quê đầy hào hứng nếu ba mẹ đi cùng. Cũng có biết bao cuộc về quê thất bại ngay vì quê nhà đã quá thay đổi, bê tông và thiết bị công nghệ đã len tới từng gốc tre, bờ ruộng. Cảm xúc về cuộc nghỉ hè quê ngoại của cả mẹ và con bị triệt tiêu ngay từ đầu. |
Chị Hoàng Hà chia sẻ kinh nghiệm bản thân khi chuẩn bị tâm lý cho con về quê 2 tháng hè: “Ngày nào tôi cũng nói chuyện về quê với con. Hai đứa nhỏ nôn nao lắm. Tôi nói với con về việc nhà ngoại ăn sáng do bà ngoại nấu và ăn lúc 6g. Có thể giờ này hơi sớm so với bình thường nhưng con sẽ thấy ăn sáng sớm cũng rất thú vị. Sau đó, các con dạo biển cùng bà ngoại, rồi cùng bà đi chợ chuẩn bị bữa trưa. Buổi chiều, mấy bà cháu làm vườn, tưới cây hoặc đi nhặt củi...”.
Những điều này vẽ lên trong các con những hình ảnh thú vị, khiến con thêm háo hức được trải qua những ngày hè ở nhà ngoại. Đã có những cuộc chuẩn bị tâm lý, kỹ năng an toàn thật kỹ cho con để những ngày hè trôi qua không quá bỡ ngỡ, để các con không có cảm giác mình bị bỏ rơi.
|
Cha mẹ nào cũng mong con trẻ được về quê chạy nhảy |
Về quê: có thoát ti vi, điện thoại và được an toàn?
Gửi con về quê, cứ tưởng tượng rằng con sẽ được tung tăng hơn, thoải mái hơn, không cần màng đến các thiết bị công nghệ, nhưng... lầm nhé. Chị Lài (Q.12, TP.HCM), đã hốt hoảng về quê mang con trở lại Sài Gòn khi nghe bà ngoại nói: “Để an toàn cho mấy đứa như lời con dặn, mẹ cho tụi nhỏ ở trong nhà suốt. Mấy đứa nằm chơi iPad, coi ti vi, đến bữa mẹ nấu rồi gọi ra ăn. Vậy mà khỏe con ơi”.
Gọi cho con, chị nghe giọng đứa nào cũng uể oải nhưng tụi nhỏ liên tục khoe với mẹ: “Ở với ngoại thích lắm, không như mẹ đâu. Ngoại nói hè mà, cứ chơi và thức khuya thoải mái, nên hôm nào tụi con cũng khỏi phải ăn sáng, vì ngủ tới trưa mới thức dậy…”. Vậy là tan tành giấc mơ nghỉ hè quê ngoại...
Những miền quê bây giờ thực sự không còn là quê nhà của ngày xưa trong ký ức của cha mẹ. Cuộc sống công nghệ đã tràn vào từng ngôi nhà nhỏ, xóm làng nhà nào cũng tưng bừng hát karaoke từ sáng đến chiều.
Bé Mai Khôi (lớp 6, Trường THCS Lê Văn Tám, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) kể: “Ở nhà nội dù tít trong ruộng nhưng ồn ào hơn nhà con nhiều lắm. Sáng sớm đã có nhà hát karaoke, mở to kinh khủng, trưa thì một nhà khác, tối lại tụ tập nhậu rồi hát tiếp. Ngày nào người ta cũng hát…”.
Ở quê bây giờ, ông bà cũng xài điện thoại thông minh, cũng có Facebook... Nên con về quê cũng không thể nào thoát khỏi những cám dỗ. Tại một trại hè, bé trai nọ nói với tôi: “Ba con kể về quê được ngồi trên lưng trâu, được tát mương be bờ bắt cá... Nhưng quê bây giờ đâu còn như xưa. Mà chính con cũng thấy mọi thứ xung quanh không an toàn. Ở quê nhiều bạn trai trạc tuổi con rất hay gây gổ, dọa nạt, chứ đâu như ba kể…”.
Một chị phụ huynh cũng thở dài nói rằng, quê chị bây giờ con trai chừng lớp Bảy, Tám đã tụ tập hút thuốc, uống rượu, chạy xe máy bạt mạng, thấy con trai chị đi trên đường chúng vây quanh bắt nạt, chửi thề. Thực lòng mà nói, quê nhà đã không bình yên như trước nữa. Nên tốt nhất vẫn là ở nhà với mình. Chẳng nhẽ giờ đừng mong mang cho con một mùa hè thú vị, mà hãy mong cho con một mùa hè thật an toàn?
Lan Khôi