Con vẫn là con của mẹ phải không?

22/09/2015 - 13:41

PNO - Sống với ba mẹ hai mươi ba năm, ngay sau ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học, con mới biết sự thật về gốc gác của mình.

Con van la con cua me phai khong?
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

Đắn đo mãi, cuối cùng ba mẹ cũng cho con biết sự thật vì “chẳng có gì phải che giấu khi con đã trưởng thành, và khi con là đứa giỏi quản lý cảm xúc”. Ba mẹ ơi, dù có giỏi kìm nén cỡ nào, khi hay tin con chỉ là đứa con nuôi của ba mẹ, con đã rất sốc, buồn, tủi đến cùng cực, cảm xúc đổ vỡ, đau khổ, khủng hoảng cứ chiếm lấy con.

Sống với ba mẹ hai mươi ba năm, ngay sau ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học, con mới biết sự thật về gốc gác của mình. Mọi thành viên trong gia đình nội, ngoại, ngay cả hàng xóm láng giềng cũng chưa ai xầm xì điều gì.

Ba mẹ đối với con công bằng như đối với anh Hai, chị Ba vậy, thậm chí bây giờ ngồi “vạch lá tìm sâu”, con cũng không thể tìm ra những điều con chưa hài lòng về ba mẹ.

Ngày ấy, mẹ đẻ của con là cô kỹ sư nông nghiệp tương lai, vì bồng bột, nông nổi, nên mang thai con ngoài ý muốn. Cô gái trẻ ấy đã trao con cho ba mẹ rồi bỏ chạy mà không cho biết gì thêm ngoài lời khẩn cầu: “Mong ông bà thương cháu, coi cháu như con ruột”.

Một tháng sau ngày biết cái tin kinh khủng đó, con đã bình tĩnh trở lại. Con nuôi thì đã sao? Con nuôi mà được yêu chiều như con ruột, thì nếu có kiếp sau, con cũng nguyện được làm con nuôi của ba mẹ.

Con thầm nghĩ, được làm con ba mẹ là may mắn nhất đời con, một cơ duyên mà ông trời thương tình sắp đặt. Con đoán ba mẹ mủi lòng mà nhận con, vì lúc đó ba mẹ đã có anh Hai, chị Ba rồi, trong khi kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.

Con nhớ mỗi lần chọn vải may quần áo hay ra tiệm mua đồ may sẵn, ba đều buộc con và anh Hai phải chọn quần áo giống y chang nhau, giày dép cũng vậy để “ba ngắm hai thằng con trai cho đã mắt”.

Mọi việc mua sắm cho các con đều diễn ra cùng lúc, để khỏi phân bì nhau. Con nhớ có lần ham chơi, con để mất chiếc xe đạp. Về nhà con bị anh Hai cho mấy bạt tai, sau đó ba về, anh Hai bị ba la một trận tơi bời cái tội ỷ lớn đánh bé.

Rồi ba mẹ chỉ dặn con lần sau nhớ cẩn thận, kẻo mất nữa thì có nước đi bộ rục chân. Từ đó, mỗi lần con sai phạm điều gì, anh Hai cũng chỉ nhắc nhở chứ không la mắng như trước.

Ngày ấy ba mẹ thương con còn hơn thương anh Hai, chị Ba, có lẽ vì con là con út. Bây giờ nghĩ lại, có thể đó là sự bù đắp tình cảm cho con, phải không ba mẹ? Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, bao cảm xúc ùa về, ngập tràn tình thương, con chỉ muốn khóc thật nhiều.

Hình như ba mẹ cũng chỉ mới thông báo chuyện con là con nuôi cho anh Hai, chị Ba trước con không lâu. Có lẽ ba mẹ sợ nếu cho các anh chị biết lúc còn nhỏ, họ sẽ làm tổn thương con, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý con.

Bây giờ, mọi việc đã rõ, các anh chị càng thương con, động viên con thật nhiều. Dù đang buồn và sốc, nhưng con thấy mình may mắn vô cùng, may mắn vì được mọi thành viên trong nhà dìu đỡ, nâng niu.

Con đang tự dặn lòng, đừng vì mặc cảm chuyện con nuôi mà làm ba mẹ phải lo lắng, nghĩ ngợi. Đó không phải là cách trả ơn. Ở địa phương mình, không thiếu những gia đình nhận con nuôi và đối xử với những người con nuôi không tốt, trong khi tới phút này, láng giềng vẫn không ai biết con không phải con ruột của cha mẹ.

Lúc con tròn một tuổi, ba mẹ chuyển nhà đến đây với lý do tiện công tác. Nhưng sự thật, ba mẹ không muốn mọi người biết rõ nguồn gốc của con, sợ người ta nói ra nói vào, tổn thương con.

Mấy hôm nay đọc báo, thấy đưa tin nhiều trẻ em bị bỏ rơi mà con nhói trong tim. Con mong những đứa trẻ ấy sẽ gặp may mắn, như con đã từng may mắn gặp được ba mẹ.

Hoàn Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI