“Xong chưa?”, người chồng ngồi ở ban-công hỏi vọng vào bếp. Chị Kim Quyên (Q.Tân Bình, TP.HCM) loay hoay dọn dẹp, chăm con, chưa trả lời. Lát sau anh lại hỏi: “Xong chưa?”. “Gì xong?”, chị hỏi lại cộc lốc. Khi biết chồng hỏi chị pha cà phê xong chưa, sao chưa thấy chị bưng ra như thường ngày, chị Kim Quyên bất ngờ. Vốn không lạ gì sự vô tâm của chồng, nhưng lần này chị quá thất vọng vì trong tình thế con bệnh như vầy mà chồng vẫn ngồi đợi vợ pha cà phê bưng tới.
|
Những ông chồng vô tâm luôn gây ức chế cho bạn đời (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Chồng ngáy đều, vợ thức trắng đêm
Tối qua con sốt, chị bàn với anh nên đưa đi bệnh viện hay để ở nhà theo dõi. Chị lo bởi không biết con có bị mắc COVID-19 hay là vẫn chứng viêm họng, viêm amidan mỗi khi trái gió trở trời hoặc khi con uống nhiều nước đá. Con vừa tạm ngủ trên tay chị, anh đã mở ti vi xem đá bóng, vẫn reo hò hú hét sau những pha tranh cướp bóng quyết liệt.
Uống thuốc sốt không hạ, con nóng như hơ lửa. Chị tìm mọi cách, hết lấy thuốc nhét hậu môn rồi lau mát cho con luôn tay. Vẳng đưa từ phòng bên là tiếng ngáy khò khò của chồng, chị tức điên, muốn sang la lối, lôi anh dậy. Nhưng con đang nằm ngủ trên tay, chị không thể buông nó xuống, cũng không thể làm ồn ào. Con mà quấy khóc thì ai khổ? Nhìn con với nét mặt mệt nhoài, làn môi đỏ tía, khô khốc vì sốt, chị chạnh nghĩ phận làm mẹ, làm vợ sao khổ thế này, sao mà đơn độc thế này và chị mếu máo khóc.
Đáng lẽ sau khi xem bóng đá, anh phải vòng sang phòng của con, xem tình hình thế nào rồi thay ca cho chị. Nếu muốn ngủ trước cũng phải vặn báo thức khoảng 3g sáng để chăm con, giúp chị được chợp mắt, đằng này... Sáng ra, chồng đã không ào đến rờ trán con, dụ ngọt làm trò để con há họng xem có gì trong ấy mà đau; rồi xoa vai vợ, nói vài lời ấm áp.
Vậy mà, anh vẫn ngồi chờ chị pha cà phê, không cần biết chị đang tất bật thế nào với việc lau mát, thay đồ cho con, chuẩn bị ăn sáng, xin phép cô giáo cho con nghỉ học, tìm thẻ bảo hiểm và sổ khám bệnh cho con chuẩn bị vào bệnh viện khám... Rồi chị còn phải nhắn tin cho đồng nghiệp sắp xếp công việc, sáng nay chị có một cuộc họp khá quan trọng ở chỗ làm. Lại thêm trong túi còn quá ít tiền mặt, một mình ôm con thế này, làm sao dừng xe lại để rút tiền...
Bấy nhiêu áp lực dồn ép thành tiếng chị hét: “Bao nhiêu việc đây này. Anh tự lo cà phê đi chứ! Không phụ vợ một tay còn bắt vợ hầu là sao? Tui là Ô sin của anh à?”.
Khi chồng còn ngơ ngác thì chị chở con phóng ra đường. Bao lo lắng, tủi cực, thất vọng cuộn tròn theo vòng bánh xe. Thật ra, chị định nói anh chở hai mẹ con, nhưng với tình huống đòi cà phê “trớt quớt” lúc sáng, chị chán nản. Trong chị vọng lên ý nghĩ: “Thôi dẹp ổng đi. Nếu ổng có lòng nghĩ đến vợ con thì đã tự động chở đi. Đến mà đợi vợ nhờ thì dù có chở đi cũng chỉ là miễn cưỡng. Thôi, vô phước lấy phải chồng không có trách nhiệm thì mình tự lo vậy!”.
Làm sao hết cảnh “giật mình, mình lại thương mình xót xa”?
Những khi tinh thần xuống dốc cộng với chút hoàn cảnh thử thách hay biến cố, nghịch cảnh, người phụ nữ dễ chạm đến cảm giác... tủi thân. (Từ điển tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học cắt nghĩa: Tủi thân là tự cảm thấy thương xót và buồn cho bản thân mình).
Tủi thân lâu ngày không giải tỏa, biến thành tủi phận - khi đó đã không còn dừng lại ở cảm xúc thoáng qua mà đã thành nếp nghĩ yếm thế, bế tắc, không dám mong đổi thay: “Số phận mình đã định sẵn vậy rồi”. Những người phụ nữ độc thân có ít tủi hơn những người có chồng con không? Gánh nặng cuộc sống của người làm vợ làm mẹ nhiều hơn người phụ nữ sống độc thân hay do họ quá kỳ vọng vào sự song hành của bạn đời?
Thực ra, cơn tủi thân, tủi phận đến từ đâu? Chị Nhã Trang (Q.8, TP.HCM) bắt đầu mổ xẻ bằng cận cảnh những tình huống đưa chị đến cảm xúc tiêu cực này. Chị luôn âm thầm khát khao chồng sẽ mua cho chị sợi dây chuyền vàng vì sợi dây chuyền cưới đã đem bán trong lần chồng bị tai nạn gãy tay chỉ vài tháng sau khi kết hôn. Thực ra đó là món trang sức mà cô dâu là chị tự mua tặng mình trong ngày cưới vì chú rể mới ra trường còn thất nghiệp, nhà trai ở quê lại nghèo, đông con.
Quá quý vật kỷ niệm, chị Trang sụt sùi khi sắp phải ra tiệm cầm đồ. Với một tay còn lại, chồng ôm chặt chị, thỏ thẻ: “Ráng lên em, mai mốt tay anh liền lại, anh kiếm việc làm có tiền sẽ chuộc lại cho em”. Lời hứa gió bay theo cuộc mưu sinh khó khăn, đời sống chật vật ở chốn đô thành, bay theo luôn cả những bận anh sa ngã, vướng nợ nần.
Vậy mà khi anh làm ăn được chút tiền, anh chỉ lo đổi điện thoại mới, xe mới cho bản thân hoặc góp tiền xây mồ mả ở quê để ra oai với dòng họ, bỏ mặc chị tự xoay xở cơm áo gạo tiền trong gia đình, bệnh đau hiếu hỉ bên ruột... Chị chạnh lòng, ấm ức mà nói ra thì ngại bị anh chê là ích kỷ, nhỏ nhen, thành ra hục hặc, căng thẳng. Mà không nói thì đã bao giờ anh tự hiểu vợ cần gì, thích gì? Có lần chị úp mở nhắc sợi dây chuyền vàng cưới, chồng đáp qua loa: “Chừng nào trúng số rồi mua. À mà đeo vàng để “cúng” cho tụi cướp giật hả?”.
Sợi dây chuyền lấp lánh cũng là nơi chị ghim gút ký ức xám xịt, não nùng. Cho đến một ngày, dồn nén nhiều ức chế, chị quyết định nói với anh những mong mỏi trong lòng một cách nghiêm túc. Anh đâu ngờ sợi dây chuyền lại có giá trị với vợ mình đến thế. Vợ chồng cùng lên kế hoạch để dành tiền mua lại sợi dây chuyền có mẫu tương tự, có mặt hình hoa mai trong kỷ niệm 12 năm ngày cưới. Một dịp “hấp hôn” viên mãn, đánh dấu cho chặng đường mới hạnh phúc, vui vẻ.
Cũng là người phụ nữ đã “rũ bùn” khỏi ao tù của thương thân trách phận, chị Kim Hạnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: “Người chồng luôn có mặt hay mặt dở. Nếu vợ cứ nhè mặt dở mà chê trách, tủi phận mình thì sẽ tủi hoài thôi. Nhất là đem chuyện chồng tệ để đi tám với chúng bạn, nghe chồng họ mà ham. Càng so sánh càng hoang mang, càng tuyệt vọng vì mình đã gặp phải “bến đục”. Nếu vợ dám nói với chồng một cách thẳng thắn và chân thành, người chồng vô tâm mấy rồi cũng hiểu và dần soi chiếu, điều chỉnh cách ứng xử của mình, đóng góp, chăm lo cho gia đình, quan tâm, chia sẻ cảm xúc với vợ hơn”.
Tô Diệu Hiền
|
Càng so sánh sẽ càng hoang mang, tuyệt vọng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Chẳng lệ thuộc cảm xúc, chẳng phải “ôm sầu”! Khi không được san sẻ, không được quan tâm bởi chính người mình yêu thương và coi trọng thì ai cũng sẽ có cảm xúc tủi thân. Cảm nhận đó không phải chỉ trong một sớm một chiều cũng không phải do kỳ vọng quá cao mà khi đã thốt ra chứng tỏ người trong cuộc đã ngao ngán thật lâu rồi. Phụ nữ dễ có cảm xúc này hơn vì lối sống tình cảm, chịu thương chịu khó làm hết mọi việc để chăm sóc chồng con những điều tốt nhất lại chẳng nề hà, thế nhưng khi người trong cuộc vô tư hưởng thụ, không đáp đền sẽ làm nảy sinh suy nghĩ mình bị thua thiệt, bất công, chịu hy sinh. Theo thời gian, từ chỗ cho đi tự nguyện thành so sánh kiểu “em thế này, đáng lẽ ra anh phải…” sẽ làm cho mối quan hệ xuống cấp. Để không “ôm sầu” một mình, những gợi ý sau đây sẽ giúp người trong hôn nhân chấm dứt sự tủi thân. - Đừng ôm đồm nhiều việc: Hãy phân chia công việc và các trách nhiệm trong gia đình. - Xây dựng thói quen giao tiếp: Nên thẳng thắn nói ra ý nghĩ, nguyện vọng của mình, những áp lực mình đang gặp phải, đừng đợi đối phương phải “tự hiểu”. - Không lệ thuộc cảm xúc: Cho mình không gian và các mối quan hệ bạn bè tin cậy để sẵn sàng chia sẻ, giải tỏa suy nghĩ tiêu cực. Tạo niềm vui, sự tự chủ trong công việc, độc lập về kinh tế. Có như thế bạn sẽ xác lập mối quan hệ với “nửa kia” theo hướng song phương cùng giá trị để sống chung hiệu quả. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) |