Con tự học, cha mẹ… khỏe

30/11/2023 - 06:12

PNO - Khả năng tự đọc, tự xử lý tài liệu sẽ giúp trẻ về kỹ năng khi học lên lớp cao hơn, giúp tư duy chúng linh hoạt, mở rộng.

Tuần rồi, con gái tôi nghỉ học để đi thi bóng chuyền. Buổi tối, giáo viên tiếng Anh nhắn tin nhắc tôi dạy con học bù. Khi tôi hỏi con có cần giúp gì không, bé nói: “Con đã đọc bài trong sách rồi, con nắm bài rồi”. Tôi tin con, bởi việc tự học với các con tôi là bình thường. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một trong những giải pháp quan trọng từng bước khắc phục dạy thêm học thêm không đúng quy định. Ảnh: TTXVN
Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một trong những giải pháp quan trọng từng bước khắc phục dạy thêm học thêm không đúng quy định. Ảnh: TTXVN

Tôi không đặt nặng chuyện điểm số với con mà chỉ yêu cầu “hiểu bài giảng của cô, chưa hiểu thì đọc sách giáo khoa cho hiểu”. Nhà tôi lâu nay chưa có cảnh cha mẹ dạy con học hay mẹ ngồi kè kè giám sát con. Tôi quan niệm: việc học là của trẻ, các con phải làm tốt điều ấy. Thời chúng ta còn nhỏ, không phụ huynh nào ngồi kèm con học, cớ sao phụ huynh thời nay lại vất vả thế? Theo sát con khiến trẻ trở nên thụ động, khi không có người lớn thì chúng sẽ không học. Khi không theo được bài, lập tức cha mẹ đôn đáo tìm lớp cho con học thêm và nhồi chúng vào đó mới có thể yên tâm.

Mỗi khi tôi chia sẻ việc trẻ có thể “tự đọc sách giáo khoa”, nhiều phụ huynh phản đối, cho rằng đứa bé nào như thế thì đâu cần tới trường cứ mua sách rồi ở nhà homeschooling cho tiện! Tuy nhiên, tôi nghĩ 2 việc khác nhau. Trẻ tới trường để giao tiếp và học hỏi từ thầy cô, bạn bè. Ngoài kiến thức, trẻ cần người hướng dẫn, định hướng, tạo cảm hứng học tập. Sách giáo khoa chỉ là công cụ để thầy và trò cùng “làm việc nhóm”, và nó được xem là chuẩn mực kiến thức trong nhà trường, vậy thì học sinh phải cùng thầy cô “làm việc nhóm”, chứ không nên dồn hết trách nhiệm lên giáo viên.

Tuy nhiên, trẻ em thời nào cũng lười học, điều gì không bắt buộc chúng thường không làm. Vậy nên, tôi nghĩ ra cách “dụ” con: “Muốn nghỉ học dịp này dịp nọ thì phải biết đọc sách để hiểu bài!”. Quả thật, cả 2 con tôi từng nghỉ ốm, nghỉ đi thi thể thao, văn nghệ, hay du lịch, nhà có giỗ chạp… mà không lo lắng “mất kiến thức”. 

Ví dụ, ở thời điểm con lên 3, lên 5 say mê khám phá thế giới, tôi nhận thấy đó là cơ hội để dạy con tự học. Với các câu con hỏi “tại sao” liên tục, tôi hay nói “mẹ chưa nhớ chính xác lắm, con thử hỏi ba hoặc anh Hai nhé”... Cả 2 con tôi bây giờ biết tiếp nhận vấn đề ở nhiều góc nhìn. Chúng tôi có thói quen bàn về điều con thấy, điều mẹ thấy, điều cuốn sách kia viết… để đưa ra kết luận hoặc có khi không ra được kết luận nào: “Đó là một vấn đề mở, chúng ta sẽ nhắc lại sau này nhé”.

Khi con biết dùng Google, YouTube, Facebook… thành thạo, tôi nhắc con tìm hiểu trên mạng, rồi báo lại cho tôi kết quả con cho là tốt nhất. Bởi vì, không phải thông tin nào trên mạng cũng đúng, cũng hay. Nhân tiện đó, tôi dạy con cách chọn lọc các kênh và nguồn tin chính thống.

Hằng năm, cứ cuối hè, khi đã có bộ sách giáo khoa, con tôi thường hăm hở giở đọc. Đọc lướt như vậy, con không nhớ được bao nhiêu kiến thức, nhưng mở sách với tinh thần khám phá và yêu thích, con sẽ gắn bó với cuốn sách sẽ theo mình trong cả năm học.

Ngoài kiến thức sách giáo khoa và từ thầy cô ở trường, con trẻ còn học rất nhiều từ cuộc sống, từ sách báo, thế giới mạng. Khả năng tự đọc, tự xử lý tài liệu sẽ giúp trẻ về kỹ năng khi học lên lớp cao hơn, giúp tư duy chúng linh hoạt, mở rộng.

T. Minh (quận Phú Nhuận, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI