Con trượt lớp 10: Cho con không gian riêng để làm quen với thất bại

11/07/2022 - 13:00

PNO - Kết quả kỳ thi vào lớp 10 không được tốt, có em học sinh sốc nặng, thất vọng, thậm chí có các hành động nguy hiểm.

Giai đoạn trẻ dễ tổn thương

Ngày 9/7, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một học sinh ở Hà Nội bỏ nhà đi vì sốc sau khi trượt kỳ thi vào lớp 10. Mỗi năm, sau các kỳ thi tuyển sinh lại có nhiều trẻ rơi vào trầm cảm, rối loạn sức khỏe tâm thần vì thất bại trong thi cử.

TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông từng tiếp nhận một học sinh vào viện vì trầm cảm. Từ lúc học cấp II, nữ sinh này đã học ở trường có tiếng của Hà Nội và luôn nỗ lực, cố gắng thi vào trường chuyên nhưng kết quả không như mong muốn.

Qua lời chia sẻ của nữ sinh, dù thiếu điểm vào trường chuyên, nhưng em vẫn đậu vào một trường cấp III thuộc top của thành phố. Tuy nhiên, trong gia đình, mẹ thường nhắc đến việc con gái không đạt kỳ vọng, kể lể công lao đưa con đi học... Cô bé thường xuyên buồn chán, mệt mỏi khó tập trung dù cố gắng, thường xuất hiện những cơn đau đầu, mất ngủ.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam - Viện Tâm lý Pháp - Việt, sau mỗi thất bại ai cũng trải qua cảm giác lo lắng, thất vọng, tự trách, xuất hiện suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình, học sinh cũng vậy. Kỳ thi kết thúc, các em thi trượt sẽ thấy mình là kẻ kém cỏi, không làm được việc gì, mình là kẻ phụ công cha mẹ. Nhiều trẻ thu mình lại và so sánh bản thân với người xung quanh. Nhất là khi biết thông tin các bạn này vào trường nọ, trường kia, trẻ càng chìm sâu hơn vào cảm xúc tiêu cực.

TS Trần Thành Nam cho rằng, đây là giai đoạn trẻ dễ tổn thương nhất. Các em sẽ ứng phó với cảm xúc tiêu cực đó bằng cách lao mình vào game, cuồng ăn hoặc sử dụng chất gây nghiện như bia, rượu để giải tỏa cảm xúc. Có trẻ tự làm đau bản thân, dùng cảm xúc đau đớn của cơ thể để ức chế về mặt tinh thần. Đặc biệt, nhiều em còn nghĩ tới hoặc chuẩn bị cho việc tự sát.

Con thất bại với kỳ thi, nên cho con không gian riêng để làm quen với cảm xúc thất bại.
Con thi trượt, ba mẹ nên cho con không gian riêng để trẻ làm quen với cảm xúc thất bại (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, nhiều cha mẹ lại phủ nhận cảm xúc tiêu cực của con, nói với con rằng con đừng nghĩ nữa, đừng buồn nữa, con phải vui lên… Điều này càng làm cho cảm xúc thất bại của con nặng nề hơn, trẻ không thể quên được thất vọng, gia tăng cảm xúc tiêu cực hơn.

Theo TS Nam, thay vì nói với con như vậy, cha mẹ nên để trẻ có không gian riêng để con trải nghiệm với cảm xúc tiêu cực và sau đó biến cảm xúc tiêu cực thành động lực.

Những việc cha mẹ có thể chọn làm

Trong thời điểm này, cha mẹ cần chú ý đến các ứng phó tiêu cực của trẻ. TS Nam khuyên các phụ huynh nên khuyến khích con ứng phó bằng nhiều cách: 

Thứ nhất, nên nói với con: “Con có thể nói ra cảm xúc của mình với cha/mẹ không”? 

Thứ hai, hãy rủ con cùng đi dạo, cùng chơi với thú cưng.

Thứ ba, cha mẹ có thể tạo ra thông điệp dành cho con để con thoát khỏi các cảm xúc tồi tệ như các thông điệp hãy tử tế với bản thân mình. Thời điểm này con sẽ buồn nhưng mọi thứ đều thay đổi được.

Nhiều trẻ cho rằng khi thất bại mình sẽ không làm được việc gì mà không nhìn vào những thành tích khác của bản thân. Nếu nhìn thất bại theo cách thức khác, con hoàn toàn có thể thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. 

TS Trần Thành Nam dẫn ra ví dụ, cha mẹ có thể nói với con về các vĩ nhân như Thomas Edison, Albert Einstein… và chỉ cho con những tấm gương vượt qua thất bại, nếu không bỏ cuộc, con sẽ vượt lên được thất bại.

Cha mẹ cũng có thể nói với con về kế hoạch cùng tiến về phía trước, không nên để trẻ mắc kẹt trong suy nghĩ “Tôi là kẻ thất bại”. Thất bại không phải là đặc điểm, thuộc tính nhân cách của con mà chỉ là chưa tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Những người thành công đều gặp thất bại và họ tìm được cách giải quyết vấn đề.

Khi cha mẹ đưa ra các giải pháp giúp đỡ, chắc chắn trẻ sẽ không còn nặng nề khi đối diện với thất bại. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không so sánh con mình với người khác, vì điều này khiến trẻ tổn thương, dồn thêm cảm xúc tiêu cực lên trẻ.

An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI