Côn trùng - nguồn thực phẩm mang lại nhiều lợi ích

22/08/2023 - 09:52

PNO - Protein từ côn trùng như dế hay bọ cánh cứng có thể giúp giảm các vấn đề về mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng do biến đổi khí hậu trong tương lai.

Sản xuất bột protein từ dế hoặc bọ cánh cứng cần ít tài nguyên, tạo ra ít khí thải nhà kính hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc - Nguồn ảnh: Shutterstock
Sản xuất bột protein từ dế hoặc bọ cánh cứng cần ít tài nguyên, tạo ra ít khí thải nhà kính hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc - Nguồn ảnh: Shutterstock

Các nhà phân tích cho biết, việc sản xuất thực phẩm từ côn trùng sẽ đạt hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường hơn so với từ gia súc. Nhiều chính phủ, công ty lớn và nhà đầu tư đang bắt tay cùng các công ty khởi nghiệp nhằm đưa côn trùng ăn được đến bàn ăn của mọi người, với hy vọng rằng chúng sẽ được chấp nhận rộng rãi, đồng thời giúp đáp ứng những thách thức về môi trường, thực phẩm của hành tinh.

Heidi Tang - nhà nghiên cứu về môi trường, xã hội và quản trị của HSBC - cho biết: “Chúng tôi nghĩ việc tiêu thụ côn trùng như một nguồn protein chính thay vì chăn nuôi có thể giảm thiểu tác động của ngành nông nghiệp đối với môi trường. Nó cũng cho phép hệ thống lương thực toàn cầu thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra”.

Theo một nghiên cứu do Liên hiệp quốc hỗ trợ vào năm 2021, hệ thống sản xuất, chế biến thực phẩm đóng góp hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Gần 60% trong số đó từ việc sản xuất thực phẩm nguồn gốc động vật. Trong khi protein từ động vật ngày càng trở nên đắt đỏ và phải đối mặt với những thách thức do thiên tai, khí hậu, lạm phát nhiên liệu... thì côn trùng lại phổ biến rộng rãi, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng không kém.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), có hơn 1.900 loài côn trùng ăn được đang tồn tại. Quan trọng hơn, côn trùng cần ít tài nguyên thiên nhiên và tạo ra ít chất thải hơn so với chăn nuôi. Theo các nghiên cứu, để sản xuất một lượng protein tương đương, côn trùng chỉ cần khoảng 10% diện tích đất và 20% lượng nước so với bò thịt, trong khi nó tạo ra chưa đến 1% lượng khí thải nhà kính.

“Thị trường côn trùng ăn được vẫn còn rất nhỏ và manh mún, nhưng ngày càng có nhiều công ty thực phẩm và đồ uống lớn đầu tư hoặc hợp tác với những công ty khởi nghiệp” - Heidi Tang cho biết.

Vào tháng 4/2023, Lotte của Hàn Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà sản xuất côn trùng Pháp Ÿnsect để khám phá các ứng dụng thực phẩm đối với côn trùng ăn được. Trước đó, Lotte đã hợp tác với công ty sản xuất thực phẩm từ côn trùng Canada Aspire Food Group để mở rộng kinh doanh. Một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực này là Blue Protein - thành lập vào năm 2020 - đã thông báo vào tháng Hai rằng họ đã nhận được khoản tài trợ trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ từ Panda Capital có trụ sở tại Hồng Kông.

Vào tháng 1/2023, Liên minh châu Âu đã bật đèn xanh cho việc bán 2 loại thực phẩm từ côn trùng: ấu trùng ở dạng bột, đông lạnh, bột nhão và sấy khô; dế ở dạng bột đã khử một phần chất béo. Cơ quan Thực phẩm Singapore đã phê duyệt 16 loài côn trùng, như dế, nhộng và châu chấu, để làm thực phẩm cho con người.

Trung Quốc cũng đang nghiên cứu côn trùng để giúp giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, đồng thời đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Hồi tháng Tư, Ủy ban Y tế quốc gia cho biết, họ đã xác định được khả năng đưa các sản phẩm côn trùng vào Danh mục thực phẩm quốc gia và đưa vào sản xuất thực phẩm chính thống.

Dù vậy, một số nhà chuyên môn cho rằng protein côn trùng không phải là câu trả lời cho các vấn đề của thế giới. Mirte Gosker - Giám đốc điều hành của Viện Thực phẩm tốt APAC, một tổ chức nghiên cứu về protein thay thế - cho biết: “Một lỗ hổng cơ bản đối với protein từ côn trùng là giống như các động vật nuôi khác, côn trùng cũng cần thức ăn.

Ngoài ra, nếu côn trùng được nuôi công nghiệp bị xổng có thể gây ra tác động đối với môi trường xung quanh. Chúng có thể tạo thành bầy đàn, gây rủi ro cho môi trường và không thể bắt lại được. Thế giới cần các lựa chọn đáng tin cậy, an toàn và đảm bảo hơn như sản xuất protein từ thực vật hoặc thịt nuôi cấy từ tế bào - những điều không gây rủi ro cho người dân”. 

Thu Thanh (theo SCMP, AP)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI