Còn trẻ, không ăn nhậu sao lại mắc bệnh gút?

04/03/2018 - 20:13

PNO - Bệnh gút trước đây được xem là bệnh của quý ông trên 50 tuổi, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ, có người chưa đến 30 tuổi đã mắc gút.

* Chồng tôi 30 tuổi. Ăn tết xong, tự dưng ngón cái của bàn chân phải bị sưng đỏ, rất đau khiến anh đi đứng khó khăn. Lúc đầu, tôi tưởng chồng bị ong chích hay rít kẹp, nhưng chỗ đau đã lan dần ra cả bàn chân, cổ chân và lan sang chân trái.

Chồng tôi đi khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ nói bị bệnh gút, dặn kiêng ăn hải sản và hạn chế ăn nội tạng động vật, đạm động vật. Tôi thấy trong xóm chỉ có người lớn tuổi, ăn nhậu nhiều mới mắc bệnh này, tại sao chồng tôi còn trẻ, ít nhậu và gầy đét mà vẫn bị? 

Thu Cúc (An Giang) 

Con tre, khong an nhau sao lai mac benh gut?
 

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc - Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - trả lời: Bệnh gút trước đây được xem là bệnh của quý ông trên 50 tuổi, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ, có người chưa đến 30 tuổi đã mắc gút. Cứ 4 người đến khám tại phòng khám Nội cơ xương khớp của bệnh viện mà được chẩn đoán mắc gút, thì có 1-2 người trong độ tuổi 30-40, và tỷ lệ này đang gia tăng.

Gút là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng a-xít uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở các mô. Do vậy, khi tiêu thụ các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, hay uống nhiều rượu bia là những tác nhân kích thích sự gia tăng a-xít uric trong máu, gây ra bệnh gút. Vì thế, người trẻ hay gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh này.

Triệu chứng đặc trưng của cơn gút cấp là khởi đầu đột ngột với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội thường ở một khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, làm hạn chế vận động. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới. Khi bệnh gút nặng hơn hoặc tiến triển mạn tính, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc, dẫn đến đau và cứng khớp, bệnh thận do gút.

Điều đáng lo là đa số người mắc gút thường xem nhẹ bệnh, không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, hoặc tự ý ngưng thuốc, tự ý dùng thuốc khiến bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Con tre, khong an nhau sao lai mac benh gut?
 

Đây là bệnh mạn tính, cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí tàn phế. Ngoài ra, bệnh gút còn gây ra sỏi thận, suy thận… Nếu người bệnh sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi còn dẫn đến biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử…

Người bệnh gút cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản… Có như vậy, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được đảm bảo và cải thiện. 

 Thùy Dương (ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI