Cha mẹ có nên làm thầy dạy con?

Con trẻ cần sự hiện diện của cha mẹ

15/10/2020 - 12:00

PNO - Vai trò của phụ huynh trong việc học của con nên được giới hạn trong sáu chữ “đồng hành nhưng không làm thay”. “Làm thay” ở đây có hai khía cạnh, mà khía cạnh tôi muốn bàn tới chính là việc làm thay con.

 

Tranh cãi về sách giáo khoa lớp Một vẫn chưa có hồi kết. Rõ ràng, “hoàn cảnh đặc biệt” từ việc thay sách đã khiến phụ huynh phải bước khỏi vị trí thực sự của mình để lên tiếng về sách giáo khoa - một sản phẩm thuộc trách nhiệm của hệ thống giáo dục. Vậy, vai trò thực sự của phụ huynh là gì? Một đứa trẻ đang tuổi ăn học cần điều gì ở cha mẹ? Nếu không trả lời rốt ráo câu hỏi này, cả phụ huynh lẫn hệ thống giáo dục đều sẽ cướp mất của con trẻ một nguồn trợ giúp chính đáng và cần thiết trên đường học.

Từ “làm thay con” đến “làm thay giáo viên”

Một lần nọ, tôi tình cờ quan sát một tình huống khá thú vị. Có một ông bố xem con mình chơi cờ với bạn. Ông bố cứ ngồi bên cạnh đốc thúc, chỉ cho con đi nước này hay nước kia. Đứa con bối rối pha chút bực dọc bởi có nhiều nước đi mà cậu ta không đồng ý với ông bố. Nhưng ông bố cứ ngồi bên bắt ép phải như vậy. Và dần dần, khi thấy con sắp thua, ông bố liền gạt hẳn đứa con ra, nhảy vào chơi thay con ván cờ đó. 

Cách ứng xử của ông bố trong ván cờ đó khá tương đồng với ứng xử của không ít phụ huynh đối với việc học của con. Nhiều phụ huynh khi nhìn thấy con mình không thể làm được việc nào đó mà cô giáo giao, liền nhảy vào làm giúp con. Cách làm đó có thể tránh được cho con những áp lực trước mắt nhưng không tác động tích cực lên việc học của con, vì đứa trẻ được làm thay sẽ mất đi cơ hội tự trải nghiệm và giải quyết vấn đề, hoặc là mất đi cơ hội được thất bại và sau đó rút ra kinh nghiệm để làm lại cho đúng. Do đó phụ huynh không nên làm thay con. 

Tuy nhiên, trong thời kỳ trước, vấn đề làm thay con phổ biến hơn. Còn bây giờ, tôi thấy nhiều cha mẹ làm thay vai trò của… giáo viên. Sở dĩ có sự dịch chuyển này vì ngày càng nhiều phụ huynh có học thức và nắm bắt được những triết lý giáo dục tiến bộ. Việc tra cứu nguồn học liệu, phương pháp dạy con trên các công cụ tìm kiếm cũng dễ dàng hơn. Không thể không kể đến việc một số phụ huynh cảm thấy mất niềm tin vào ngành giáo dục, cảm thấy không yên tâm để con mình tự xoay xở trong sự chỉ dẫn của giáo viên. 

Tôi thấy, cha mẹ có thể thực hiện được việc này trong những ngày đầu con vào tiểu học. Càng ở bậc học lớn hơn, khối lượng kiến thức sẽ vượt quá sự hiểu biết của cha mẹ, phương pháp truyền đạt cũng cần tới người có chuyên môn sâu như giáo viên. Dù muốn hay không, ở những bậc cao hơn, chúng ta cũng khó mà làm thay vai trò của giáo viên.

Ảnh minh họa
Vai trò của người mẹ thực sự là gì với "sự nghiệp học hành" của con trẻ? Ảnh minh họa

Mẹ chỉ cần ngồi bên cạnh

Tôi vừa là người làm giáo dục, vừa là một bà mẹ cũng có con đang ở những năm đầu tiên của bậc tiểu học. Tôi xác định rằng, tôi đồng hành cùng con chứ không làm thay vai trò cô giáo. Mỗi tối, con có bài tập về nhà, tôi dành thời gian ngồi cạnh con. Tôi để cho con tự mình làm lấy các bài tập. Tôi chỉ nhẹ nhàng dặn con: “Khi có vấn đề gì chưa hiểu, con có thể nhờ mẹ giúp. Mẹ cũng không biết chắc có trả lời cho con được không, nhưng nếu mẹ không trả lời được thì mẹ và con sẽ cùng nhau nghĩ cách để tìm kiếm sự trợ giúp khác”.

Tôi vẫn lặng lẽ quan sát con. Có những nét con viết chưa đúng, tôi chỉ cho con và động viên con cố gắng làm cho tốt chứ không viết thay con. Trước bài toán khó, mẹ chưa biết cách nói sao để con hiểu, liền cùng con tra Google xem có những video nào giảng bài dạng này hay không. Hoặc có khi con phản hồi rằng thầy cô trên trường nói như thế này, con thấy chưa rõ hoặc chưa được hợp lý lắm, tôi chưa vội kết luận cô giáo sai hay chưa đúng. Tôi chỉ nhẹ nhàng nói: “Đây là cách mà mẹ hiểu, có thể cô giáo con có cách hiểu khác, con lên trường hỏi cô giáo xem như thế kia liệu có đúng hay không”. 

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, đứa trẻ cần sự hiện diện đầy tôn trọng của cha mẹ để yên tâm rằng, mình đang được đồng hành chứ không phải được làm thay
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, đứa trẻ cần sự hiện diện đầy tôn trọng của cha mẹ để yên tâm rằng, mình đang được đồng hành chứ không phải được làm thay

Tôi chọn cách làm đó vì tôi hiểu mình không thể ngồi kè kè bên cạnh con tất cả buổi tối đến hết 12 năm học. Tôi cũng không có đủ vốn kiến thức để sau này có thể dạy thay cô giáo của con những môn khó như toán, lý, hóa, khoa học…

Chính vì vậy, tôi chọn đồng hành cùng con thông qua việc bày tỏ sự quan tâm của mình đối với việc học của con. Có lần, con tôi nói với tôi: “Con không hiểu sao khi mẹ chỉ ngồi bên cạnh con, mẹ không cần làm gì hết mà con cũng cảm thấy mình làm bài tốt hơn rất nhiều”. Đôi khi, đứa trẻ chỉ cần sự hiện diện của chúng ta bên cạnh thôi. 

Khi con không biết hoặc chưa rõ điều gì, tôi hướng dẫn con tra cứu trong những nguồn trợ giúp khác: mạng xã hội, trang học liệu online, chủ động hỏi lại giáo viên của con. Những kỹ năng đó mới là kỹ năng giúp con có khả năng tự học tốt sau này. Tự học biết cách tìm đến các nguồn trợ giúp khi cần và tự giải quyết vấn đề của mình. Sự trợ giúp đó có thể ở rất nhiều nơi chứ không chỉ ở cha mẹ. Nếu chúng ta cứ kè kè, làm thay, chúng ta triệt tiêu động lực ham học hỏi, được thử, sai và rút kinh nghiệm. Làm thay vai trò của giáo viên là ta triệt tiêu kỹ năng xoay xở và tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài cuộc sống của con. 

Đúc kết lại, cha mẹ nên xác định mình là người bạn đồng hành của con, trợ giúp về tinh thần cho con, hướng dẫn cho con những kỹ năng để tự giải quyết vấn đề của mình hoặc tìm kiếm nguồn tri thức, sự trợ giúp từ các kênh khác, không nên khiến con lệ thuộc vào cha mẹ. Cũng không nên phủ định vai trò của giáo viên và tự mình làm lấy, bởi vì điều đó là bất khả thi khi con bước vào bậc học cao hơn. 

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương 

(Nhà sáng lập TOMATO Education và hệ thống Trường ICS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI