Con trầm cảm, cha mẹ đâu hay

18/02/2022 - 08:13

PNO - Giới trẻ ít va chạm, trải đời. Khi gặp chuyện, nhiều em thường tỏ ra mạnh mẽ, ít chia sẻ với ai, vô tình dẫn đến trầm cảm...

Vụ việc nam sinh viên qua đời do tự tử khiến gia đình và xã hội bàng hoàng. Vấn đề sức khỏe tâm thần và trầm cảm một lần nữa được gọi tên. Nhiều người giật mình nhìn lại xem người thân, con cái có ổn không, có vấn đề gì không…

Chúng ta thường có thói quen khi bệnh nặng mới lo chữa, triệu chứng nhẹ thì cho qua. Chuyện khám tâm lý, điều trị sức khỏe tâm thần là chuyện… xa xỉ, chẳng mấy ai quan tâm. Trong khi sức khỏe tâm thần tối quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc. Ngay khi vừa có triệu chứng bất ổn, nếu được khám chữa, được an ủi, động viên thì đã không thành bệnh.

Đừng bao giờ để con cái cô đơn một mình (Ảnh minh họa)
Trẻ có hướng giấu cha mẹ những chuyện buồn (Ảnh minh họa)

Hai năm trước, lớp tôi chủ nhiệm có học sinh rơi vào trầm cảm và có ý định tự tử. Trong lớp, em không chơi với ai. Một hôm, vào giờ thể dục, em nhờ một bạn “đập cục đá vào đầu mình. Mình muốn chết nhưng không đủ can đảm để làm”. Vụ việc được các em học sinh báo cho tôi.

Quan sát em, tôi thấy em buồn rũ, ánh mắt vô hồn. Tôi đưa em đi uống trà sữa, đi cùng em một đoạn xe buýt “cho vui” như em yêu cầu… Mãi sau em mới chịu nói ra. Ba mẹ em ly hôn. Mẹ em bán hàng online. Chị em cũng vừa nghỉ học để bán hàng với mẹ. Ngày nào em cũng nghe mẹ và chị than từ "hàng khó bán" đến nặng nề với em "sao để nhà dơ" hay "cơm nấu sao không ngon"…

Tôi hẹn gặp mẹ em. Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ trẻ, ăn mặc khá sành điệu, son phấn rất đậm. Có lẽ sau ly hôn, chị muốn chứng minh mình ổn. Khi nghe kể về con gái, chị khóc: “Tôi khổ lắm cô, phải gồng gánh nuôi hai chị em nó. Tôi mà thất bại, thiên hạ xem ra gì”.

Hy vọng những giọt nước mắt hôm nay sẽ giúp mẹ con chị hiểu nhau. Chị không cần phải chứng minh điều gì với ai, chỉ cần quan tâm tới con, ba mẹ con chị ổn là được.

Một học sinh nữ của tôi thì đang học giỏi bỗng dưng sa sút. Em cắt tóc con trai, ra vẻ ngổ ngáo. Nhiều lần em nổi loạn trong lớp nên các giáo viên phản ánh với tôi. Sau, tôi còn phát hiện em sử dụng thuốc lá điện tử.

Tôi trò chuyện với em nhiều lần nhưng tình hình không cải thiện. Tôi trao đổi với ba em. Anh làm lãnh đạo ở một bệnh viện, vợ anh là bác sĩ. Anh cam đoan với tôi gia đình dạy con rất kỹ, chẳng gây áp lực gì. Có thể con đang bị bắt nạt học đường…

Nhiều lần cô trò tâm sự, em mới chịu mở lòng. Em nói em là đứa con không mong đợi. Nhiều lần ba em say rượu, hối tiếc rằng “phải chi con là con trai cho ba nhờ”…

Người cha ấy rơi nước mắt khi nghe câu chuyện. Anh có ngờ đâu câu nói vô tâm của anh đã thành vết thương trong con, khiến con đau lòng và tuyệt vọng. May, vụ việc được phát hiện kịp thời nên không xảy ra chuyện lớn.

Người bạn của tôi không may mắn như thế. Anh mất con sau một thời gian con trầm cảm mà chẳng ai hay. Các con của anh đều nối nghiệp ông nội, làm việc trong ngành công an. Con anh tốt nghiệp, đi làm là niềm hãnh diện của cả nhà.

Vợ anh hay nói: “Con đẹp trai, nghề nghiệp đàng hoàng thì phải kiếm bạn gái xinh đẹp, cùng ngành cho mẹ”.

Nhiều lần trong đám tiệc, họ hàng xúm vào hỏi: "Con có bạn gái chưa", "Đạt chuẩn ngon lành vầy cớ gì chưa có bạn gái?"…

Ngày con mất, anh chị chết lịm không hiểu con ra đi vì lý do gì. Lá thư con để lại viết: “Xin lỗi, con đã không thực hiện được kỳ vọng của ba mẹ!”… Anh chị chới với. Chuyện tưởng nhỏ xíu, vậy mà…

Sức khỏe tâm thần của người trẻ đang là vấn đề lo lắng của xã hội. Giới trẻ bây giờ ít va chạm, ít trải đời nên chỉ số cảm xúc kém hơn thế hệ đi trước. Khi gặp chuyện, người trẻ thường tỏ ra mạnh mẽ, ít chia sẻ với ai, vô tình dẫn đến trầm cảm.

Sống vui, sống lành mạnh chưa bao giờ cần thiết như lúc này. Thay vì yêu cầu con phải thế này thế kia, ba mẹ chỉ cần con được sống vui và khuyến khích con tâm sự, nói ra những chuyện không vui để chia sẻ, đồng hành cùng con.

Phương Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI