Con trai vô gia cư chết trên phố, người cha đi tìm và sự thật bất ngờ sau đó

25/12/2017 - 06:59

PNO - Cha của Paul Williams - người đàn ông qua đời trong cái rét âm độ bên ngoài một nhà hàng ở trung tâm Bullring - đang tìm kiếm câu trả lời cho cái chết của con trai.

Cha của Paul Williams - người đàn ông qua đời trong cái rét âm độ bên ngoài một nhà hàng ở trung tâm Bullring - đang tìm kiếm câu trả lời cho cái chết của con trai.

Hai ngày sau cái chết của con trai Paul, Bob Williams tìm đến con phố ở trung tâm Birmingham, Anh, để bắt đầu hành trình lật lại ký ức 15 năm lãng quên.

Cẩn thận kiểm tra danh sách thức ăn, quần áo và chỗ ngủ ở trung tâm cứu trợ người vô gia cư Birmingham (BHO), kỹ sư viễn thông nghỉ hưu, 65 tuổi, trầm ngâm nói:

“Chúng tôi từng sợ điều này sẽ xảy ra, nhưng cứ nghĩ rằng nó sẽ nằm trong một bệnh viện nào đó, chứ không phải chết trên vỉa hè.”

Con trai vo gia cu chet tren pho, nguoi cha di tim va su that bat ngo sau do
Báo địa phương đăng ảnh của người đàn ông vô gia cư qua đời, được cho là của Paul Williams. Tuy nhiên, gia đình xác nhận người đàn ông trong ảnh không phải là Paul.

Đêm thứ Bảy vừa qua, khi nhiệt độ giảm mạnh xuống -0.8C, con trai ông – anh Paul Williams, 38 tuổi –  ngủ tại vị trí quen thuộc của mình bên ngoài nhà hàng Wagamama trong trung tâm mua sắm Bullring.

Ngày hôm sau, Paul không tỉnh dậy mà ngủ say mãi mãi. Khám nghiệm tử thi ban đầu không khẳng định nguyên nhân cái chết.

Lần cuối cùng hai cha con Williams gặp nhau là 15 năm trước, khi thói nghiện rượu của cậu con trai ăn mòn tình cảm giữa họ.

Giờ đây, người cha già buồn rầu, vẫn còn sửng sốt sau cái chết của con, đang trò chuyện với cộng đồng người vô gia cư, tình nguyện viên và nhân viên xã hội mà Paul tiếp xúc hàng ngày để hiểu hơn về 15 năm vừa qua.

Ông nói: “Tôi nhận ra nhiều điều mình chưa từng nghĩ tới.”

Paul không cô đơn khi anh qua đời trên vỉa hè, dưới một ống khói lớn tỏa không khí ấm áp từ nhà hàng, biến vị trí đó trở thành khao khát của mọi đối tượng vô gia cư.

Nằm kế bên anh là Alan McTaggart, 65 tuổi, cựu công nhân nhà máy. McTaggart lang thang trên đường phố đã ba năm kể từ khi nỗi đau mất bạn đời đẩy ông ra khỏi ngôi nhà của chính mình.

Đôi bạn Alan và Paul đã ngủ ở vị trí này trong ba tháng. McTaggart cho biết: “Paul mắc bệnh động kinh, còn tôi biết cách đối phó mỗi khi cậu ấy lên cơn. Chúng tôi đã có khoảng thời gian vui vẻ. Nếu được ai đó cho tờ 20 bảng, Paul nhất định sẽ đứng dậy nhảy múa.”

Không chỉ thế, Paul đã đứng ra bảo vệ người bạn lớn tuổi. McTaggart mỉm cười nhớ lại:

“Paul từng ném chai rượu vang vào năm thằng đầu trọc và tống khứ chúng. Sống trong tình cảnh thế này, chúng tôi phải luôn cảnh giác ngay cả khi ngủ.

Dù Paul có chỗ ở, cậu ấy cũng không bỏ tôi một mình.”

Vào thứ Ba vừa qua, năm ngày trước khi qua đời, Paul được Rik James - người sáng lập BHO - và nhân viên Provident Housing hỗ trợ một căn phòng, kèm theo chăn, gối và hộp đồ vệ sinh cá nhân. Provence Housing cũng chuẩn bị mở một tài khoản ngân hàng để giúp Paul nhận trợ cấp.

Đến thứ Năm, nhân viên hỗ trợ Craig Parkin nhận thấy căn phòng không còn chăn và những món tài sản ít ỏi. Khi được hỏi liệu có thực sự muốn sống ở đó, Paul xúc động đồng ý và cảm ơn liên tục.

Con trai vo gia cu chet tren pho, nguoi cha di tim va su that bat ngo sau do
Nhà hàng Wagamama, nơi Paul qua đời.

Nhưng Paul không quay về căn phòng. James nói: “Anh ấy không muốn bỏ rơi Alan trên phố. Điều đó khiến tôi lo lắng cho cả hai người.”

Gia đình Paul biết hoàn cảnh của anh. David, 43 tuổi, cũng sống trong thành phố và từng vô tình nhìn thấy em trai. Cha của họ, sống ở Solihull, đã cố gắng tìm Paul nhưng không thành công.

Paul và David lớn lên trong vùng Warstock-Maypole của thành phố. Tại trường Baverstock, Paul không phải là học sinh xuất sắc toàn diện nhưng giỏi thể thao và nghệ thuật.

Bob Williams kể lại: “Bảng điểm của Paul rất tốt. Thằng bé rất hài hước và hòa đồng. Ai nấy đều yêu quý nó. Nếu có ai nhờ việc gì, nó sẽ vui vẻ giúp đỡ.”

Chia sẻ niềm đam mê với bóng bầu dục, ông Bob nhiều lần xem Paul chơi với đội ở Old Yardleians.

Paul sống với cha sau khi cha mẹ ly hôn. Rời trường học, Paul làm công nhân trong các nhà máy địa phương. Vài năm sau đó, Paul “kết bạn với một nhóm xấu xa”, nghiện rượu rồi lang thang trên đường phố.  

Anh từng thuê căn hộ và sống cùng anh trai cho đến khi David kết hôn. Tuy nhiên, chứng nghiện rượu khiến Paul bán đi tất cả tài sản; gia đình và họ hàng giúp đỡ đến mấy cũng không đủ.

Không có tiền thuê nhà, Paul chuyển vào sống với mẹ một thời gian rồi ngủ nhờ trên sofa của họ hàng. Mặc bác sĩ và ông nội khuyên ngăn, Paul vẫn tiếp tục uống rượu, từ chối giúp đỡ chính bản thân mình.

Khoảng 15 năm trước, Paul bất ngờ chuyển đến Bolton. Đó là nơi Bob gặp con trai lần cuối cùng và thấy anh “say bí tỉ lúc 9 giờ sáng”, không lâu trước khi Paul chuyển đi mà không để lại bất kỳ thông tin nào.

Năm ngoái, một tháng trước Giáng sinh, Paul bất ngờ gọi điện cho Bob nhưng họ không thể nói chuyện vì cậu con trai đang say khướt. Từ đó trở đi, Paul không bao giờ liên lạc lại.

Trong 15 năm không gặp cha, Paul sống cùng James khoảng năm năm, nỗ lực cai rượu và còn giúp đỡ phân phát thực phẩm và quần áo cho người vô gia cư. Thế nhưng, ba năm trước, anh biến mất đến Kettering để giúp việc cho một gia đình du khách Ireland, chỉ để quay lại với ma men và lang thang trên đường phố.

Con trai vo gia cu chet tren pho, nguoi cha di tim va su that bat ngo sau do
Alan McTaggart, 65 tuổi, ở bên Paul khi anh qua đời.

Nhắc lại ký ức ấy, James thổ lộ: “Tôi chưa từng nói với Paul, rằng tôi thất vọng vì cậu ấy.”

David lần đầu tiên trông thấy em trai trên phố khoảng năm năm trước, tại chợ Giáng sinh Đức ở Birmingham: “Khi nghe ai đó gọi tên mình, tôi quay lại và mất một vài giây mới nhận ra em trai. Khoảnh khắc đó thật đau lòng và khó khăn. Rồi chúng tôi trò chuyện về thời tiết buốt giá.”

Từ đó, David thỉnh thoảng nhìn thấy Paul. Dù có nói chuyện, họ không thật sự tâm sự và sẻ chia. David cho biết: “Tôi chưa từng ngồi bên cạnh Paul và hỏi “Em nghĩ tại sao em lại rơi vào tình cảnh này?” vì câu hỏi có vẻ không được phù hợp cho lắm. Có lẽ Paul đã quen và chấp nhận với hoàn cảnh, thậm chí tìm được cộng đồng vô gia cư mà em ấy mong muốn.

Paul từng là người tuyệt vời nhất. Em ấy quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ người khác và không bao giờ thấy rắc rối với điều đó. Paul cũng không muốn bỏ rơi bất kỳ ai. Nhưng theo tôi, đó chính là nguyên nhân của sự sụp đổ.

Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là hai tuần trước khi Paul qua đời, chính tại nơi thi thể em được tìm thấy. Em ngồi với một người bạn, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, tích cực trong hoàn cảnh khó khăn.”

Juliette Farrell, quản lý giáo khu St Martin trong nhà thờ Bull Ring, thường trò chuyện với người vô gia cư trong trung tâm thành phố và tặng họ đồ ăn nhẹ, thức uống nóng hổi.

Vài tuần trước khi qua đời, Paul có vẻ yếu ớt. Cô kể lại: “Tôi nhắc Paul chăm sóc bản thân. Alan ổn, nhưng Paul trông tệ hại. Tuy nhiên, có vẻ sau đó anh ấy đã tìm được một mái nhà.”

Ngày thứ Năm, bốn người vô gia cư co ro dưới hiên nhà hàng Wagamama. Lo lắng vì thời tiết quá khắc nghiệt, Farrell mua tặng họ sáu đôi găng tay, dặn dò họ gọi cứu thương nếu có người ngã quỵ.

Mới hôm đó Paul còn tươi tỉnh uống rượu táo, mà ba ngày sau đã mãi mãi không tỉnh dậy. Farrell buồn đến mức “để chế độ lái xe tự động trên đường về nhà” nhưng cô phải nhanh chóng vực dậy.

“Dreads, Damien, Gus, David. Giờ là Paul …” – cô kể tên những người bạn vô gia cư đã chết trong một, hai năm qua - “Mẹ tôi thường nói tôi đang kinh doanh cái chết, vì tất cả những người tôi cùng làm việc đang chết dần chết mòn vì không được giúp đỡ.”

Con trai vo gia cu chet tren pho, nguoi cha di tim va su that bat ngo sau do
Rik James - người sáng lập BHO

Rất nhiều trong số họ bị nghiện chất kích thích – một vấn đề nghiêm trọng đã được thừa nhận.

Theo số liệu mới nhất của hội đồng thành phố, rất nhiều cơ sở và dịch vụ cho người vô gia cư ở Birmingham chứng kiến số người vô gia cư tăng mạnh từ tám đến 55 trong bốn năm qua (2012 – 2016).

Không chỉ vậy, 2.000 người vô gia cư sống trong nhà ở tạm thời và khẩn cấp của thành phố. Thị trưởng Andy Street khẳng định không một ai phải ngủ trên đường nhưng các tình nguyện viên và nhân viên xã hội tin rằng thật khó để nắm được con số chính xác. Sự thật là, lúc nào cũng có những mảnh đời lang thang không mái ấm.

Ba ngày sau khi biết tin về cái chết của Paul, gia đình anh vẫn chìm trong đau buồn.

Dù những người bạn đã gọi tên anh, không thành viên nào trong gia đình được phép nhìn Paul để chính thức xác nhận danh tính, cho đến khi một tấm ảnh không rõ nguồn gốc được đăng trên tờ báo địa phương vào thứ Tư, cho thấy người chết không phải là Paul.

Một tia hy vọng bừng lên khiến gia đình Williams ao ước đứa con, đứa em của họ vẫn còn sống, bởi tên họ và nhân dạng vẫn dễ dàng bị nhầm lẫn trên đường phố.

Bob Williams mong muốn câu chuyện của con trai ông sẽ góp phần chỉ ra vấn đề của người vô gia cư. Đặc biệt, ông khuyến khích mọi người tìm cách khác để giúp đỡ họ, chấm dứt vòng xoáy cuộc đời nghiệt ngã, thay vì chỉ cho tiền. Vẫn còn hàng ngàn Paul đang chờ chết trên đường phố.

Lễ tang của Paul Williams sẽ diễn ra vào trưa ngày 10/1 tại nghĩa trang Robin Hood, Hall Green. Tất cả bạn bè của anh đều được chào đón.

Bob Williams chia sẻ: “Đây là cuộc đời của Paul. Thằng bé thực sự là người tốt, vui vẻ và may mắn. Nó sẵn sàng làm mọi thứ để giúp đỡ người khác. Dù chỉ còn một xu, Paul cũng chia sẻ với người cùng hoàn cảnh. Thằng bé có một trái tim nhân hậu.”

Ngọc Anh (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI