Con trai vào bếp là... nhục?

19/05/2016 - 07:27

PNO - Nếu nói “con trai vào bếp là nhục”, thì người con trai không biết làm bếp, có “nhục” không, khi từ bé đến bạc đầu đều phải nhờ bếp mà lớn lên?

Con trai út tròn sáu tuổi, mẹ quyết định cho con vào bếp sau hơn một năm “tập sự” việc úp chén, lau bàn, dọn ghế mỗi bữa cơm. Những tưởng ba con sẽ khen, ai ngờ khi thấy con cầm cái vá cùng mẹ múc canh nếm thử thì ba quát “Ra ngoài ngay! Con trai vào bếp là nhục lắm. Làm gì không làm đi làm bếp là sao?”. Con tiu nghỉu bỏ cái vá xuống trong khi mẹ “đứng hình”. Cuộc chiến của ba và mẹ bắt đầu, xoay quanh đề tài có nên cho con trai vào bếp.

Từ khi anh Hai con 5 tuổi, mẹ đã tập cho anh làm bếp bằng việc lặt rau, bào vỏ củ, xắt hành... Đến lúc lên lớp 2, anh đã nấu được bữa cơm ba món đơn giản với rau muống luộc, thịt ram, hột vịt giằm nước mắm. Ba con lúc ấy không can thiệp được vì anh Hai là con riêng của mẹ. Khi anh học lớp 3, ba mẹ mới cưới nhau và sinh ra con.

Nhiều lần mẹ đi lấy hàng về muộn, ba giữ con, còn anh Hai lớp 4 mà đã nấu xong bữa cơm, biết cắm ấm nước cho mẹ tắm. Con không biết cảm giác tuyệt vời khi người mẹ được ăn bữa cơm do đứa con trai bé bỏng của mình nấu đâu. Dù thịt kho có ngọt một chút, canh có mặn một chút, nhưng biết đó là cả sự cố gắng của con mình - lại là con trai - thì cứ ăn đến no nê. Mẹ tự hào về con của mẹ, và tự hứa sẽ dạy con làm bếp như anh, để con biết việc cực nhọc của người phụ nữ trong bếp như thế nào, và cũng là để con thấy ngon miệng hơn với bữa cơm mình nấu.

Có khi, vào độ tuổi lớp 6 thì phải, anh Hai con hỏi mẹ “Tại sao mẹ nói rằng con trai nhà mẹ phải biết nấu ăn? Con gái lớp con còn chưa biết nấu tô mì nữa đó”. Mẹ trả lời anh rằng, con trai biết nấu ăn là để biết thương mẹ mình hơn, để khi mẹ bệnh con còn biết nấu cháo cho mẹ. Và để mai này con lớn, biết làm bếp là góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Con hãy tưởng tượng cảnh người chồng không biết nấu ăn, mà cả hai vợ chồng đều đi làm. Về nhà, người vợ quáng quàng với bếp núc, con cái, trong khi người chồng gác chân xem ti vi, con thấy có vui không?

Con trai vao bep la... nhuc?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Anh Hai không thắc mắc vì sao con trai “nhà mẹ” phải làm bếp nữa. Và từ đó các món mẹ dạy như sườn xốt cà, cá kho tiêu, cánh gà chiên nước mắm, các món canh, xào… anh đều làm rất bài bản.

Vậy nên mẹ quyết định, khi con tròn sáu tuổi, sẽ chính thức dạy con làm bếp, nhưng không ngờ vấp phải phản ứng quyết liệt của ba con. Có lẽ vì ba không biết nấu ăn nên muốn con là “đồng minh” chăng?

Con có biết ba con không biết nấu ăn đến nỗi cắm nồi cơm thì bên khô bên nhão, nấu nồi cháo thì cháo sôi trào tắt bếp không? Ấy là mấy lần mẹ bận bán buôn, nhờ ba cắm nồi cơm, tới giờ ăn mới phát hiện ra nồi cơm "nghệ thuật" như vậy. Khi mẹ sốt nằm mê, hai anh em con đều đi học. Mẹ gọi ba xin chén cháo, ba nói “Để anh nấu. Sáng giờ em không nói ăn gì sao anh biết mà mua?”. Ba nấu sao mà… tới một cơn sốt nữa ập đến nhưng mẹ vẫn chưa có muỗng cháo nào. Gọi ba. Ba con lầu bầu: “Cháo gì mà cứ trào hoài, sao không ăn cơm cho gọn?”.

Vì thế nên mẹ càng nung nấu ý chí tập cho con trai út của mẹ vào bếp biết bao nhiêu. Mẹ không thấy con trai vào bếp là nhục đâu trai út ạ! Trái lại, hình ảnh đó thật đẹp. Con trai vào bếp là thể hiện sự yêu thương, chia sẻ với người phụ nữ trong nhà. Mẹ sẽ tranh luận tới cùng với ba con để dạy con làm bếp.

Nếu nói “con trai vào bếp là nhục”, thì người con trai không biết làm bếp, có “nhục” không, khi từ thơ trẻ đến bạc đầu đều phải nhờ bếp mà lớn lên?

Kim Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI