Con trai tuổi mới lớn hay tìm cơ hội 'va chạm' với phụ nữ

08/07/2017 - 14:00

PNO - Cô bé giúp việc nhà theo giờ nói với tôi là khi cô ấy đang rửa chén cháu đã ôm và áp sát người vào người cô ấy. Lúc đầu, cô ấy tưởng cháu đùa, nhưng chuyện đã lặp lại hai lần.

Con trai tôi chuẩn bị vào lớp 9. Cháu nhỏ con, ốm yếu và cận rất nặng. Theo tôi, cháu vẫn chưa chính thức dậy thì vì trông chưa phát triển gì mấy. Tôi đã ly hôn, con trai sống với tôi. Vì công việc bận rộn, nên đưa đón con tôi phải thuê bác xe ôm đầu đường.

Hôm trước, cô bé giúp việc nhà theo giờ nói với tôi là khi cô ấy đang rửa chén cháu đã ôm và áp sát người vào người cô ấy. Lúc đầu, cô ấy tưởng cháu đùa, nhưng chuyện đã lặp lại hai lần.

Cô ấy phải phản ứng mạnh cháu mới chịu buông. Cô giáo dạy kèm Anh văn cũng méc là cháu lạ lắm, cứ xin ôm cô giáo khi đang ngồi học, còn giả bộ nắm tay cô. Có phải cháu đã vào tuổi tò mò về giới tính. Tôi nên nói chuyện thế nào với con?

Con trai tuoi moi lon hay tim co hoi 'va cham' voi phu nu
 

Khanh
(Q.1, TP.HCM)

Chị Khanh mến, 

Về các giai đoạn dậy thì của trẻ nam thì tùy từng trẻ, có thể diễn ra như sau: 

- Khoảng 9-12 tuổi: tinh hoàn phát triển, kích thích tố nam bắt đầu được sản xuất, chưa có biểu hiện gì bên ngoài.

- Khoảng 9-15 tuổi: trẻ nhổ giò, cơ bắp trở nên rắn chắc. Tinh hoàn bắt đầu to ra nhưng dương vật vẫn còn nhỏ.

- Khoảng 11-16 tuổi: dương vật phát triển, giọng nói ồ ề, râu mép xuất hiện.

- Khoảng 11-17 tuổi: cơ thể tiếp tục phát triển, có hiện tượng phóng tinh không chủ định, giọng nói trầm lại. 

- Khoảng 14-18 tuổi: cơ thể trưởng thành.

Quá trình phát triển của các bé không giống nhau, có bé trai 9 tuổi hoặc sớm hơn đã bắt đầu quá trình dậy thì từ bên trong cơ thể, chưa có biểu hiện gì bên ngoài. Có bé đến 12 tuổi, thậm chí muộn hơn, mới bắt đầu có sự phát triển. Vì vậy, nếu quan sát bên ngoài cha mẹ rất khó nhận biết chính xác con mình đã dậy thì chưa. Thường thì phải đến giai đoạn 2, khi trẻ nhổ giò, cơ bắp rắn chắc hay giọng nói ồ ề (vỡ giọng), có ria mép cha mẹ mới biết con đang dậy thì.

Trẻ lứa tuổi cuối cấp II, đầu cấp III (14-16 tuổi) đang ở vào giai đoạn ham muốn tình dục cao, nên nhiều hành vi giới tính của trẻ bị thúc đẩy bởi bản năng chứ không liên quan đến cảm xúc yêu đương hay đối tượng. Những biểu hiện của con chị đặt câu hỏi cháu đang tò mò về giới tính là đúng lúc và kịp thời.

Chị nên sớm trao đổi với cháu về tâm sinh lý tuổi dậy thì để cháu hiểu mình hơn và có hành vi đúng mực với mọi người xung quanh. Có lẽ lâu nay cháu thiếu cha, sống với mẹ, mẹ lại bận ít có thời gian tâm tình nên cháu thiếu người gần gũi, chia sẻ hướng dẫn trong quá trình biến đổi cơ thể. 

Xin gợi ý vài việc chị có thể giúp con:

1. Không trách mắng hay chê cười khi cháu có ý muốn gần gũi người giúp việc hay cô giáo. Đó là biểu hiện cho thấy cháu đang lớn, cần giúp đỡ để phát triển lành mạnh cả thể chất và tinh thần. Đây là hiện tượng bình thường ở hầu hết các nam thiếu niên. Nếu em nào khỏe mạnh, bận rộn học hành, làm việc, chơi thể thao, có nhiều mối quan tâm, nhiều bạn bè… thì “nhu cầu” khám phá và thử nghiệm sẽ nhường chỗ cho các hoạt động khác.

2. Chị cần dành nhiều thời gian hơn để đưa cháu đi chơi đâu đó, cùng cháu chơi thể thao hoặc cho cháu tham gia các hoạt động thể thao ở trường, ở các câu lạc bộ… Chị có thể giao việc nhà cho cháu để cháu được làm việc, được bận rộn, cũng là để rèn sự tự lập, tự giác. Năng lượng trong cơ thể trẻ dậy thì cần được giải phóng qua các hoạt động thể chất để cháu sống cân bằng hơn, bớt bị ám ảnh bởi những nhu cầu sinh lý bên trong cơ thể đang phát triển. 

3. Chị có thể mua các sách về giáo dục giới tính để cháu và chị cùng đọc. Chị nên tăng các cơ hội gần gũi con với những đụng chạm an toàn, yêu thương như nắm tay, khoác vai, khoác tay, ngồi cạnh con khi nói chuyện hay đọc sách… để con được vun đắp tình cảm tích cực giữa mẹ con.

Đồng thời, chị cũng cần dạy cháu về vùng riêng tư trên cơ thể của con là vùng đồ bơi, vùng sinh dục, không ai được phép nói, nhìn, sờ chạm… và con cũng không được làm vậy với bất kỳ ai. Nói, nhìn, sờ chạm vào vùng riêng tư của người khác là tội xâm hại.

Chị cần hướng dẫn cháu biết phân biệt những đụng chạm an toàn và không an toàn, từ đó khéo léo lồng vào hành vi ôm ghì người khác khi họ chưa cho phép là không lịch sự để cháu tự nhận biết hành động của mình với cô giúp việc là chưa phù hợp. Chị có thể nhờ thêm một người cùng giới với cháu như cậu, chú, bác hay thầy giáo, người phụ trách… chia sẻ thêm với cháu về những chuyện đàn ông, nhất là những điều một người đàn ông tử tế nên làm và không nên làm.

 Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI