Con trai tôi quá lụy tình

28/04/2025 - 08:00

PNO - Đôi khi, yêu thương cũng cần có giới hạn để người được yêu có thể trưởng thành và tự bước đi.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi là một người mẹ đang rất lo lắng cho con trai mình. Cháu năm nay 32 tuổi. Con tôi là người sống nội tâm, hiền lành, có học thức, rất sâu sắc trong tình cảm. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, tôi thấy con quá lụy tình - yêu ai cũng hết lòng, hy sinh mọi thứ cho người đó và mỗi lần tình cảm tan vỡ thì suy sụp rất nặng nề.

Có những lần, con gần như không thiết sống, bỏ bê bản thân, không ăn uống điều độ, sống khép kín, từ chối gặp gỡ bạn bè, người thân. Là mẹ, tôi rất đau lòng khi thấy con ngày càng gầy gò, mệt mỏi, tinh thần sa sút. Tôi từng cố gắng khuyên nhủ, an ủi, thậm chí can thiệp nhưng con luôn bảo rằng “Mẹ đừng lo, con ổn” rồi lại tiếp tục chìm trong nỗi đau.

Là mẹ, nhìn con đau khổ, gầy rộc, tâm trạng bất ổn, tôi rất lo lắng. Tôi không dám can thiệp sâu vì con đã trưởng thành nhưng trong lòng lúc nào cũng thấp thỏm. Tôi muốn hỏi vì sao một người lại quá lụy tình như thế. Có cách nào để giúp con thoát khỏi trạng thái này? Tôi nên làm gì để vừa hỗ trợ con, vừa không làm con cảm thấy bị kiểm soát hay ngột ngạt?

Tôi rất mong nhận được lời khuyên từ chuyên gia.

Ngọc Hoa

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chị Ngọc Hoa thân mến,

Câu trả lời của Hạnh Dung về vấn đề vì sao người ta lại lụy tình có thể làm cho chị ít nhiều cảm thấy buồn. Theo các nhà tâm lý, lụy tình thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Chẳng hạn người nhạy cảm, sống nội tâm thường yêu sâu, yêu thật lòng và dành trọn tình cảm cho người mình yêu.

Đó cũng có thể do họ thiếu sự tự tin nên phải đi tìm điểm tựa tinh thần ở người khác. Họ coi tình yêu là nguồn sống, là nơi duy nhất để bấu víu. Khi mất đi điều này, họ cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, trống rỗng.

Họ cũng có thể là người từng bị tổn thương từ nhỏ hay có những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Những vết thương lòng đó khiến họ bị cuốn sâu vào những mối quan hệ có cảm xúc mãnh liệt.

Từ những điều trên, chị sẽ biết được vì sao con trai chị lại có những hành động, cảm xúc quá bi lụy, yếu đuối trong tình yêu; từ đó có thể giúp con thoát được hố sâu tinh thần.

Trước hết, chị nên lắng nghe con than thở, nói về tình yêu đã qua. Chỉ nghe mà không phán xét bởi điều con chị cần lúc này không phải là lời chê bai, đả kích hay khích tướng. Con chỉ cần được nói ra, cần một điểm tựa cảm xúc. Chỉ với mẹ, con mới có thể không phải xấu hổ vì mình đau buồn, yếu đuối; không bị áp lực phải che giấu, làm ra vẻ mạnh mẽ.

Ở độ tuổi 32, con người có thể chủ động chữa lành cho bản thân. Chị có thể góp ý cho con nhưng không nên ép con phải mạnh mẽ, phải thay đổi. Điều đó khiến con cảm thấy bị kiểm soát, bị lôi ra khỏi không gian cá nhân mà mình đang cần để trú ngụ.

Chị hãy tìm mọi cách thật tế nhị đưa con trở lại với những kết nối của cuộc sống, ví dụ rủ con đi dạo, cùng con tham gia một lớp kỹ năng (vẽ, làm gốm...), đưa con đi ăn những món ngon hoặc cùng con du lịch...

Nếu thấy tình cảnh của con có dấu hiệu nặng (mất ngủ kéo dài, tuyệt vọng, suy nghĩ cực đoan...), chị cần khéo léo gợi ý cho con đến gặp chuyên gia tâm lý. Hãy nói để con hiểu rằng con đang bế tắc, cần một chuyên gia khơi lại niềm vui sống trong con, giúp con hiểu bản thân và yêu đời trở lại.

Người mẹ nào cũng đau lòng khi thấy con mình đau ốm, bệnh tật hay chấn thương tâm lý. Vậy nhưng, yêu thương cũng cần có giới hạn để người được yêu có thể trưởng thành và tự tin bước tiếp. Chính chị hãy chăm sóc bản thân thật tốt, vì tinh thần an ổn của mẹ cũng là nguồn động lực cho con vững vàng trở lại.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI