Chỉ sau ít ngày phát bệnh, NSƯT Ngọc Hương đã nói lời vĩnh biệt khán giả, người thân bạn bè để về với cõi hồng trần. Một đời tài hoa cống hiến cho khán giả, cho sân khấu, sống chết đến cùng với nghiệp cầm ca, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nghệ sĩ Ngọc Hương chẳng còn lại gì. Có chăng, một thuở vàng son của bà trong sự nghiệp sẽ mãi là ánh hào quang khiến người đi sau phải ngắm nhìn và trân trọng.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương |
Nghệ sĩ Ngọc Hương có 2 người con ruột. Giữa không gian vắng lặng, buồn tênh của một buổi chiều tàn, anh Kỳ, con trai của nghệ sĩ Ngọc Hương đã tiếp chuyện, chia sẻ đôi điều về người mẹ danh tiếng của anh trong những giờ phút cuối cùng.
‘Mấy mươi năm ròng, hiếm khi nào mẹ có bữa cơm chung với anh em tôi’
Anh Kỳ cho biết em gái hiện đang sống Mỹ, đã mấy tháng nay không liên lạc được. Ở Việt Nam, bệnh tình của nghệ sĩ Ngọc Hương chỉ vợ chồng anh lo lắng. Anh nên duyên cùng nghệ sĩ cải lương Thanh Như Nguyệt, từng giữ vai đào chính trong đoàn Hương mùa thu do chính cha mẹ anh làm chủ cách đây 32 năm.
Anh Kỳ cho biết thêm thời điểm trước, vẫn giữ liên lạc với em gái. Cô em vẫn thi thoảng có gửi tiền về để thăm biếu cho mẹ. Anh bảo em gái đã biết tin mẹ mất nhưng vì lý do riêng mà không thể về tiễn mẹ lần cuối. Anh Kỳ cũng chẳng rõ tại trời Tây cô em gái sống như thế nào, hoàn cảnh ra sao. Còn anh và vợ đang thuê nhà sống tại quận 6, cùng cô con gái 13 tuổi.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương cùng con dâu và cháu nội |
Trong 2 người con của nghệ sĩ Ngọc Hương, không có ai nối nghiệp ca hát của bà. Theo lời anh Kỳ, 2 anh em đều được chăm lo học hành đến nơi, đến chốn. Cả hai đều học rất giỏi, là niềm tự hào của cha mẹ. Sau đó, cô em đi lấy chồng, sang Mỹ định cư.
Em gái theo học kinh tế, còn anh Kỳ, nghệ sĩ Ngọc Hương bắt phải theo nghệ thuật. Trong dòng ký ức còn đọng lại, anh bảo ban đầu, mẹ cho học đàn thầy Viễn Hùng ở rạp Quốc Thanh nhưng thấy không có khiếu nên chuyển sang học trống. Anh làm công việc đánh trống khoảng mười mấy năm trong đoàn Hương mùa thu của cha mẹ. Anh đượm buồn bảo bây giờ không thể đi làm nghệ thuật lại được nữa vì quá muộn màng. Thậm chí vợ anh, từng là đào chính của đoàn Hương mùa thu vẫn không thể trở lại nghề.
|
Sau khi bán nhà, nghệ sĩ Ngọc Hương vào sống tại viện dưỡng lão dành cho nghệ sĩ, toạ lạc tại quận 8, TP.HCM |
Các con không theo nghề hát nên nghệ sĩ Ngọc Hương ít nhiều cũng buồn. Dẫu vậy, anh Kỳ bảo bà rất ủng hộ quyết định của con cái, không hề cấm đoán. Thời điểm đỉnh cao trong sự nghiệp, nghệ sĩ Ngọc Hương không có thời gian chăm sóc con cái nhiều vì một năm, khoảng 9 tháng bà đi lưu diễn ở miền Trung. “Gần 20 năm, gia đình chúng tôi chưa hề biết cảm giác đón Tết ở Sài Gòn mà chủ yếu ở Phan Rang, Quãng Ngãi... hoặc miền Tây”, anh Kỳ nhớ lại.
Ngày nhỏ, nghệ sĩ Ngọc Hương giao anh em anh Kỳ cho ông bà ngoại trông nom. Cha mẹ đi hát, gửi tiền về cho đi học. Sau năm 1975, cha anh - soạn giả Thu An lập đoàn Sài Gòn 1. Sau đó, ông giao lại cho Nhà nước, thành lập Hương mùa thu theo hướng tư nhân. Thời điểm này, theo anh Kỳ đoàn hát cải lương mà lỗ là chuyện không có. Khán giả rất đông. Mẹ anh hát nhiều, nhưng về sau này nổi tiếng với vở Gánh cỏ sông Hàn, đi đến đâu ai cũng biết và nhắc. Đến bây giờ, đây vẫn là vai diễn mà anh Kỳ còn ấn tượng nhất về mẹ.
|
Hình ảnh nghệ sĩ Ngọc Hương khi nhận giải Thanh Tâm vào năm 1962 |
Hiếm khi nào gia đình anh Kỳ có được bữa cơm chung. Mùng 1 Tết diễn thì 27 Tết phải đi ra điểm diễn. Anh nhớ một năm chỉ có khoảng 3 ngày, rơi vào 24, 25, 26 Tết là có bữa cơm chung với mẹ, còn lại chỉ ăn với ông bà ngoại. Việc này kéo dài đến tận mấy mươi năm. “Tuy nhiên, gia đình tôi đều theo nghệ thuật nên có lẽ sợi dây gắn kết rất sâu sắc. Chúng tôi cũng vì thế rất hiểu và thông cảm cho cha mẹ”, con trai nghệ sĩ Ngọc Hương bộc bạch.
Gia đình nghệ sĩ Ngọc Hương lâm vào cảnh khó khăn khi những năm về sau này, gánh hát không còn trụ được nữa. Năm 1992, họ phải bán đi ngôi nhà thứ hai. Anh Kỳ bảo cha mẹ anh sinh nghề tử nghiệp, đều đầu tư cho gánh hát mà tiêu tan.
Năm 1992, gánh hát Hương mùa thu được thành lập lại. Khi đoàn từ miền Trung về, anh Kỳ là người đi gọi Kim Tử Long hát nhưng nam nghệ sĩ không tham gia được. Sau đó, gia đình nghệ sĩ Ngọc Hương gọi Khánh Linh đi hát. Thời điểm này, đoàn chỉ đi hát ở miền Trung mới có cơ hội, khán giả đông. Nhưng hát một ngày lại phải nghỉ nhiều ngày.
Thời điểm trước 1992, đoàn kêu Minh Vương về hát, giá mỗi đêm là 3 cây vàng. Chỉ cần dán áp phích có tên Minh Vương là khán giả đến kẹt cứng. Nhưng đoàn hát có tiếng nhưng không có miếng, cha mẹ anh phải bù lỗ liên tục.
Video clip trích đoạn của nghệ sĩ Ngọc Hương trong vở Gánh cỏ sông Hàn:
Lý giải nguyên nhân, anh Kỳ cho biết đồng lương của kép chính quá cao, những người còn lại quá thấp nên nâng chi phí cho mọi người. Ví dụ như bình thường, lương của họ là 50.000, cha mẹ anh nâng lên 150.000 để tương xứng với công sức họ bỏ ra. Cũng có những ngày, đoàn hát lời, nhưng không là bao nhiêu so với con số phải bù lỗ. Cuối cùng, họ phải bán nhà với giá 70 cây vàng, sau đó mua lại nhà hơn 20 cây vàng, rồi bán, rồi mua lại nhà 20 cây vàng, từ từ hết sạch. Xung quanh đó còn rất nhiều chuyện đưa đẩy khiến gia đình nghệ sĩ Ngọc Hương đi xuống không phanh.
Chị Nguyệt, con dâu nghệ sĩ Ngọc Hương bảo có khoảng thời gian, bà cũng giữ thể diện, vì là trưởng đoàn nên không đi hát những quán nghệ sĩ. “Mẹ có đôi chút nào đó tự ái nên bà không đi. Cả gia đình chỉ làm nghề hát nên chẳng biết phải làm gì thêm khi gánh hát giải thể. Thời điểm cha tôi lâm bệnh, mẹ lại phải chạy vại đi vay tiền để điều trị. Đến khi không gồng gánh được nữa, mẹ bắt đầu đi hát lại, ở những quán nghệ sĩ”, chị Nguyệt nhớ lại.
Thời nghệ sĩ Ngọc Hương còn ở đỉnh cao của sự nghiệp, anh em anh Kỳ ở nhà lầu, đi xe hơi. Khi cha anh mất, xe để hoài không sử dụng, nên đành phải bán đi. Về sau này, mẹ anh đi hát phải đi xe ôm. Anh Kỳ đi làm công, khi có thời gian sẽ tự chở mẹ đi hát.
Những năm tháng khốn cùng đó, anh thấy mẹ khóc hoài nhưng không dám hỏi. Nhớ lại những ngày tháng buồn tủi, anh bảo: “Mẹ tôi thuộc tuýp phụ nữ mạnh mẽ. Bà khóc nhưng không phải bù lu bù loa một cách đàn bà. Mắt mẹ đượm buồn là tôi hiểu mẹ có chuyện”. Theo anh, nghệ sĩ Ngọc Hương mạnh mẽ đến nỗi, thời gian bệnh tình trở nặng, 5 căn bệnh dồn lại một lúc, bà chưa một lần than đau. Trời cũng thương tình cho nghệ sĩ Ngọc Hương ra đi nhẹ nhàng.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương xuất hiện trong một chương trình vào năm 2016. Dù đôi chân di chuyển khó khăn nhưng bà vẫn hết lòng giúp đỡ thế hệ trẻ. |
Dẫu vậy nghệ sĩ Ngọc Hương vẫn hay trò chuyện với con cháu. Bà bảo nghề hát cho mình và gia đình tất cả nên sẽ không bao giờ phụ bạc. “Chưa đầy một tuần lễ trước ngày mất, 5h sáng mẹ lại lê từ trong phòng, chống gậy ra đốt nhang cho bàn thờ tổ hằng ngày”, anh Kỳ nói.
Sống trong viện dưỡng lão, nếu nói thoải mái là dối lòng. Nhưng vào đây, nghệ sĩ Ngọc Hương lại được sống với nghề. Từ ngày vào viện dưỡng lão, ai cần mời bà hát, họ cứ tới thẳng. Biết bệnh tình của bà, họ cho xe taxi đưa đón tận nơi. Nghệ sĩ Ngọc Hương được hát thường xuyên, sống cùng đồng nghiệp nên được trở lại những ngày xưa, một thời huy hoàng trong sự nghiệp.
‘Cận kề cái chết, mẹ vẫn lo con cái không nhà không cửa’
Đó là những gì mà nghệ sĩ Ngọc Hương vẫn còn nặng lòng khi nói lời vĩnh biệt cõi trần. Bà luôn bảo đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết. Anh Kỳ bảo bà không muốn con cháu phải khóc trong cảnh biệt ly. Điều khiến nghệ sĩ Ngọc Hương buồn là không nhìn được cháu nội thành tài. Năm nay, cô bé chỉ mới 13 tuổi.
Trong giờ phút sinh ly tử biệt của mẹ, anh Kỳ lắm lúc vẫn chưa thể tin nghệ sĩ Ngọc Hương đã ra đi, dù có chuẩn bị tâm lý trước đó. Trong dòng nước mắt nghèn nghẹn, anh bảo chỉ mong tỉnh dậy, sẽ còn thấy mẹ ở bên cạnh.
“Mẹ còn sống, anh em thương lại giúp đỡ. Sau đó, mẹ giúp lại cho chúng tôi. Có những lúc, vợ chồng tôi không có tiền đóng tiền học cho con gái, thế là mẹ lại cho. Mẹ luôn lo sợ cháu không học hành đến nơi đến chốn”, chị Nguyệt chia sẻ.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương ra đi, vẫn còn nặng lòng chuyện con cái không nhà không cửa |
Trong cái không khí đượm buồn, đôi mắt anh Kỳ bỗng loé lên một chút niềm vui nho nhỏ về danh hiệu NSƯT của mẹ. “Về sau này tôi không nắm rõ, nhưng ngày trước bằng khen của mẹ tôi là do chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký. Hiện tại, chúng tôi vẫn còn lưu giữ. Ngày đó, mẹ tôi cũng chẳng làm hồ sơ, thi thố gì cả. Danh hiệu này có là do thực tài, xét công lao dù mẹ tôi không qua bất kỳ trường lớp nào”, anh Kỳ tâm sự bằng cả niềm tự hào dành cho nghệ sĩ Ngọc Hương.
Đạo đức và chữ hiếu luôn đứng đầu trong cuộc sống của mỗi con người, là bài học lớn nhất mà anh và em gái học từ mẹ. Nghệ sĩ Ngọc Hương không chỉ giỏi giang, mà rất hiếu thảo. Không chỉ chăm lo cho gia đình nhỏ, bà còn chu toàn cho cả nhà ngoại anh Kỳ, từ ông bà, cho đến cậu dì, thậm chí em họ của anh ăn học đến nơi đến chốn.
Từ khi bán nhà cách đây 2 năm, số nợ cũ của gia đình nghệ sĩ Ngọc Hương vẫn chưa thể trả hết. Vì thế, đôi vai của anh Kỳ lại có phần nặng gánh hơn. “Tôi thì thu nhập lại không cao. Năm 15 tuổi, tôi đã biết lái xe hơi bởi nhà có sẵn, không học bằng lái. Sau này, tài xế của cha bệnh, tôi thay thế. Khi cải lương chết, tôi đi làm tài xế. Thời điểm trước, tôi làm nguyên ca. Nhưng giờ đây, vợ đi làm, con đi học không ai đón đưa, còn phải chăm sóc mẹ nên tôi chỉ có thể làm bán thời gian. Nếu thuê xe ôm chở con đi học, vợ đi làm thì còn tốn kém hơn nữa...”, anh Kỳ tâm sự.
Theo lời chia sẻ từ vợ anh Kỳ, thu nhập của anh chị rất thấp. Lương của anh Kỳ chỉ khoảng 1,8 triệu/tháng. Bên cạnh đó, nếu tranh thủ giao thêm được cơm hộp, sẽ lấy được 1.000 đồng/hộp. Còn chị Nguyệt đi làm thêm, giúp việc lặt vặt.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương nhận quà Tết từ ca sĩ Mỹ Tâm tại viện dưỡng lão nghệ sĩ |
Cũng chính vì thế, việc có trả hết nợ hay không, với người đàn ông đã đi qua cái dốc bên kia của cuộc đời vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Anh cười, một cách chua chát rằng “phải chờ đến trúng số mới có thể mơ trả hết nợ”.
Nghệ sĩ Diệu Hiền
Có lần, tôi và chị Ngọc Hương đi Mỹ hát, con gái chị ấy có biết và tới xem. Tôi không biết rõ con bé làm nghề gì, bao nhiêu tuổi. Còn con trai của chị ấy thì sống ở Việt Nam. Trong vòng một năm chị ấy ở đây (viện dưỡng lão nghệ sĩ, quận 8, TP.HCM) thì rất khoẻ, không có chuyện gì xảy ra cả. Chỉ có sự ra đi của chị ấy thật bất ngờ. Cũng may mắn, ngày hôm đó tôi sang thăm chị ấy, chứ không là không còn gặp mặt. Hôm sau, chị ấy nhập viện, tới lúc trưa thì rơi vào hôn mê, 8h rồi đi luôn, rất thanh thản, nhẹ nhàng.
Tôi vẫn hay xưng hô với chị ấy là tỷ muội cho vui. Tôi và chị Hương đi diễn chung với nhau rất nhiều. Kỷ niệm thì kể biết bao nhiêu cho hết. Tôi thì hay chọc, chị ấy lại hay la. Chị Hương cũng khá nghiêm nghị. Tôi còn nhớ chị ấy hay bảo: “Mày nói nữa tao chết trước bây giờ”. Tôi cũng nhanh chóng đáp lại, hai đứa vào một lượt thì chết một lúc, chứ không có chuyện chết trước.
|
Thuỵ Khuê