Con trai khờ

11/05/2013 - 16:21

PNO - PNCN - Tôi rất đau đầu vì con trai út đang học lớp 12 nhưng rất khờ, tâm tính như đứa trẻ lên bảy.

Cháu chỉ biết mỗi việc học. Cháu học chăm chỉ, sức học khá, nhưng không biết làm việc gì khác. Tôi dặn dò, hướng dẫn cháu nấu nồi cơm, chiên trứng… cháu đều làm không được. Cháu cũng không có bạn bè. Mỗi lần cháu nói chuyện với ai, tôi đều thấy người đó phán: “nói xàm” - vì nghe chuyện gì hay, thấy ai nói điều gì chưa đúng, dù người già hay nhỏ, cháu cũng đều chỉnh sửa và cãi tới cùng. Vì vậy, từ trường học đến ở xóm, từ bạn đồng trang lứa đến con nít, chẳng ai thích chơi với cháu. Cháu chỉ nói chuyện nhiều với các em chín-mười tuổi. Tuy nhiên, mọi người đều thương cháu vì cho rằng cháu “tội tội”. Bây giờ đang đứng trước ngưỡng cửa chọn trường, gia đình tôi và cháu đều không biết chọn ngành nghề nào. Cháu không có chính kiến, nói ba mẹ chọn trường nào cũng được. Xin hỏi, với tính tình như con tôi thì liệu cháu phù hợp với ngành thi nào? Cháu có hòa nhập được với bạn bè không và điều quan trọng là làm sao để con tôi trở thành người lớn?

Dương Thu T. (Long An)

Con trai kho

Chị T. thân mến!

Chúng tôi rất đồng cảm với những băn khoăn của chị - những băn khoăn mà tất cả các phụ huynh đang có con học năm cuối bậc trung học phổ thông đều gặp.

Trước tiên, đó là việc chọn ngành. Đây là việc hết sức quan trọng, vì một khi chọn nhầm nghề, tương lai của trẻ sẽ gặp nhiều trục trặc. Quyết định chọn ngành nào không chỉ căn cứ vào biểu hiện hành vi bên ngoài của con mà có thể quyết định. Điều cần làm là chị nên trò chuyện với con, xem cháu có nguyện vọng ra sao, thích ngành nghề nào và có dự tính gì cho tương lai. Bên cạnh đó, chị cần tìm hiểu thêm thông tin từ giáo viên chủ nhiệm ở trường của con để hiểu rõ về năng lực học tập của trẻ. Và để quyết định chọn nghề thêm chính xác, chị cũng nên cho cháu làm thử một vài trắc nghiệm chọn nghề để có thêm dữ liệu. Nhưng dù chọn nghề nào chăng nữa, điều quan trọng nhất đảm bảo cho cháu có thể thành công vẫn là thái độ sống chủ động và dám trải nghiệm cuộc sống quanh mình.

Việc làm sao để con trưởng thành, chủ động cũng chính là nỗi lo rất lớn của chị. Cũng không quá khó để thấy các biểu hiện này ở các bạn trai trong độ tuổi THPT, nên chị đừng quá hoảng hốt. Thay vào đó, hãy tác động đến con bằng những việc làm cụ thể:

- Giao việc cho con. Hãy để con tự giải quyết những việc liên quan đến bản thân mình: vệ sinh phòng, chuẩn bị quần áo, tự lo một bữa ăn cho mình… Dù trẻ có làm vụng đến đâu chị cũng phải nén lòng, làm người quan sát thay vì dọn dẹp “hậu quả”. Chính những việc làm này sẽ giúp trẻ ý thức hơn về vai trò của mình.

- Cho phép con tự quyết định. Hãy để trẻ tự quyết định những việc của bản thân mình. Vai trò của cha mẹ chỉ là người định hướng thông qua trò chuyện cùng con. Bản thân trẻ sẽ bớt vô lo hơn khi phải suy nghĩ về tương lai của mình.

- Tôn trọng và lắng nghe con. Đôi khi chính thái độ “phân biệt” mà người xung quanh dành cho trẻ cũng khiến trẻ ngại bộc lộ và tự ti. Chị cùng gia đình hãy lắng nghe và chấp nhận trẻ nhiều hơn.

Tóm lại, việc tập cho con trưởng thành là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự tác động từ nhiều phía. Phụ huynh hãy thực hiện vai trò chủ đạo, định hướng của mình bằng cách lắng nghe, tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm, để từng bước hoàn thiện nhân cách, chủ động trước các yêu cầu của cuộc sống.

Chúc chị thành công trong việc cùng con trưởng thành!

Tô Nhi A
(Giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư, TP.HCM)

Từ khóa Con trai khờ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI