Thưa chú Ti Vi
Cháu tên Hùng, năm nay học lớp Chín. Cháu học giỏi, nói chung cuộc đời cháu từ nhỏ đến giờ vẫn ổn. Nhưng gần đây, cháu bắt đầu nhận thấy thật là khó sống.
Chuyện là cháu đeo bông tai một chiếc bên trái, cháu thấy các anh diễn viên, cầu thủ bóng đá, có cả bác sĩ, kỹ sư… họ đều đeo bông tai vẫn trông rất ngầu, rất nam tính. Vậy mà, cô giáo thấy cháu đeo bông tai, vội vàng méc với mẹ cháu. Mẹ méc với bố… Mọi người nhìn cháu như một đứa biến thái vậy đó.
Rồi mẹ thở dài đau khổ, năn nỉ cô giáo đừng la cháu. Bố thì lo lắng cháu bị bóng, bê đê… Cháu chỉ im lặng thôi, kệ! Mà con trai đeo bông tai thì có gì sai hả chú?
Cháu Hùng hoang mang
|
Đàn ông khắp thế giới ưa chuộng mốt đeo bông tai. Trông họ vẫn đầy nam tính. Nhưng có lẽ cháu nên chờ vài năm nữa... Ảnh minh họa |
Hùng thân mến,
Đọc thư Hùng, chú tưởng tượng ra một cậu thiếu niên đang rị mọ tra mạng xem nam giới đeo bông tai bên trái nghĩa là gì, bên phải nghĩa là gì, và hai bên nghĩa là gì. Để thuyết phục phụ huynh, cũng như để việc mình làm có được một lý do cho “ngầu”, nhất thiết ta phải có kiến thức cháu nhé.
Không như phụ nữ muốn đeo bông tai chỉ cần bảo: “Vì tôi thích, vì tôi thấy đẹp…”, để đeo lên được một cái bông tai, nam giới phải viện lắm lý do. Thí dụ đến bọn cướp biển vốn chẳng sợ ai, vậy mà muốn đeo một cái khuyên vào tai trái, chúng cũng phải “bịa” một lý do rằng như thế mắt nhìn sẽ tốt hơn, bớt say sóng, và không… chết đuối.
Nhưng có lẽ trông cướp biển đeo khuyên tai cũng hay hay (nhiều món phụ kiện của cướp biển được người trên cạn bắt chước theo đấy Hùng ạ), cho nên nhiều nam giới cũng đeo theo, và một cái khuyên bên tai trái đã có lúc là thông điệp: “Ta là đàn ông đích thực”.
Rồi thời gian trôi đi, cướp biển đã có áo phao, thuốc chống say sóng, không thể viện lý do ngớ ngẩn kia để đeo khuyên tai nữa; còn với những người không phải cướp biển, việc chứng minh mình là nam nhi bằng cách đeo bông tai nghe cũng thật… kỳ. Ngày nay người ta được phép thẳng thắn hơn mà làm điều mình thích, đeo khuyên tai ở nam hay nữ trở thành một việc đơn thuần là trang điểm; cho đẹp hơn hay ngầu hơn thì cũng là trang điểm.
Và đó có lẽ là lý do khiến bố mẹ cháu không muốn cháu đeo bông tai, dù bên trái hay bên phải, dù một tai hay hai tai. Phụ huynh nói chung là thế: sinh ra một đứa con trai thì chỉ muốn nó thích đá banh, thích máy móc, ít quan tâm bề ngoài; sinh ra một đứa con gái thì muốn nó để tóc dài, muốn nó thích may vá và làm đẹp… Tóm lại các phụ huynh đều muốn con mình mang đặc điểm giới tính rõ ràng, nên mới có cái “nạn” cứ con gái là thứ gì cũng màu hồng và con trai là thứ gì cũng màu xanh.
Cũng có thể bố mẹ lo vì muốn cháu rõ ràng về giới tính ngay từ lúc còn thiếu niên. Tâm lý ấy không có gì sai (tuy rằng cuộc đời sau đó có nhiều thay đổi, và các bậc phụ huynh nhiều khi phải chấp nhận một sự thật rằng thế giới ngày nay không chỉ có hai giới tính).
Hoặc cũng có thể, cô giáo và bố mẹ coi việc xỏ khuyên tai của cháu là một biểu hiện phản kháng đầu tiên của một học trò giỏi, một đứa con ngoan. Sự phản kháng ở lứa tuổi các cháu thường bắt đầu từ hình thức; đứa thì cạo trọc, đứa nuôi tóc dài, có “đứa” lại đeo bông tai… Lo lắng khi thấy trẻ con có dấu hiệu phản kháng cũng là một thứ có thể thông cảm được cho người lớn, đúng không Hùng?
Quan điểm của chú Ti Vi là nam giới đeo bông tai bên nào cũng chẳng có gì sai, nếu họ thích. Vấn đề là nam giới đó đang sống với ai, đang ở lứa tuổi nào, cái thích thú vì chiếc bông tai ấy so với sự bực mình vì các phản ứng xung quanh thì cái nào lớn hơn…
Hùng đang lớp Chín, nghĩa là vẫn được bố mẹ “bao” trọn gói từ ăn học đến an ninh. Vì thế Hùng xem, nếu có thể hy sinh vài năm chưa đeo bông tai vội cho bố mẹ an tâm thì có được không? Mình nam nhi mà, tập vui vẻ nhịn một việc nhỏ trong một thời gian ngắn là một thứ cũng nên tập.
Cuối cùng, cao hơn chuyện bông tai, chú thấy tuổi thiếu niên là thời gian rất tốt để ta luyện bản lĩnh. Tập cân nhắc thiệt hơn, tập không “đu trend” khi làm bất kỳ việc gì, tập quan tâm tới cảm xúc người xung quanh… toàn là những việc mà phải thiếu niên “ngầu” lắm mới làm được.
Chú tin Hùng sẽ làm được.
Chú Ti Vi