Con trai đập đầu vào tường vì cha mẹ cãi vã liên miên

15/09/2016 - 10:50

PNO - Lúc đó con tôi chạy thẳng vào trong phòng, đập đầu liên tiếp vào bức tường mà năm trước đó, cả nhà tôi vẫn còn chụm đầu lại đo chiều cao cho con và cười giòn tan...

Không chỉ tranh cãi với chồng, tôi còn mất nhiều hơn thế

Con trai dap dau vao tuong vi cha me cai va lien mien

Nghĩ lại mọi chuyện, tôi thấy mình là một người mẹ tồi. Khoảng thời gian cách đây không lâu, tôi và chồng xảy xa nhiều mâu thuẫn nên thường xuyên cãi vã. Áp lực công việc sau mỗi ngày đi làm khiến cứ đến giờ cơm là chúng tôi lại lôi những bất đồng ra để chì chiết lẫn nhau mà không để ý rằng con trai đang chứng kiến tất cả. Mỗi lần như vậy, cháu vẫn chỉ im lặng ăn nốt cơm rồi xin phép về phòng học bài. Chính điều ấy lại càng khiến tôi nghĩ rằng con còn nhỏ nên sẽ không để ý những chuyện này.

Nhưng mọi việc bắt đầu xấu hơn khi một thời gian sau cô giáo của con gọi điện cho tôi, phản ánh rằng cháu có những thay đổi bất thường mà đầu tiên là ít nói, ít tham gia chơi đùa cùng thầy cô và bạn bè. Những cuộc gọi sau đó là nhiều lần "mách tội", rằng cháu thường xuyên gây gổ, đánh các bạn cùng lớp. Cô giáo khuyên gia đình nên có những lưu ý và khuyên răn để chấn chỉnh lại con. Đến lúc này tôi bắt đầu lo lắng thực sự. Bởi suốt từ mẫu giáo đến giờ, con trai tôi luôn là đứa thông minh, hoạt bát, vui vẻ được thầy cô, bạn bè cùng các vị phụ huynh khác khen ngợi và quý mến.

Ngay chiều hôm ấy, tôi đã định về nhà nói chuyện với con, nhưng trớ trêu thay, lại một cuộc khẩu chiến nữa giữa 2 vợ chồng khiến tôi hoàn toàn quên đi vấn đề của con trai mình. Cho đến khi một tiếng "CHOANG!!!" dội đến át đi tiếng cãi vã. Con trai tôi cầm nguyên bát cơm đầy ném xuống đất. Không kịp để bố mẹ phản ứng, con chạy thẳng vào trong phòng, đập đầu liên tiếp vào bức tường mà năm trước đó, cả nhà tôi vẫn còn chụm đầu lại đo chiều cao cho con và cười giòn tan mỗi khi cậu cao thêm được 2,3cm.

Vào giây phút ấy, xen lẫn với những hốt hoảng, xót xa, tôi mới màng hoàng nhận ra, nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn thì không chỉ tranh cãi với chồng, tôi sẽ còn mất nhiều hơn thế...

Chị P.T.Trà (32 tuổi, Quảng Ninh)

Lời khuyên từ chuyên gia

Trước nhiều trường hợp con cái có những tổn thương tâm lý khi phải trực tiếp chứng kiến cảnh bố mẹ to tiếng với nhau, Chuyên gia Tâm lý Phạm Đức Chuẩn khẳng định: "Không có đứa trẻ bất thường (về tâm lý) trong gia đình bình thường".

Để giúp các bậc phụ huynh tránh hay dù có đã lỡ "mắc lỗi", khiến trẻ có những biểu hiện tâm lý tiêu cực dần hồi phục lại, chuyên gia tâm ý khuyên cha mẹ nên:

Con trai dap dau vao tuong vi cha me cai va lien mien

1. Tránh việc cãi nhau trước mặt con

Như một lẽ dĩ nhiên, việc tiếp tục để những cuộc cãi vã chỉ như một nhát dao càng khứa sâu hơn vào vết thương đang rỉ máu của trẻ. Tùy vào độ tuổi, chúng sẽ hiểu rằng mối quan hệ của bố và mẹ đã thực sự căng thẳng vào không thể cứu vãn. Để khắc phục được điều đó, phụ huynh cần tiếp cho trẻ niềm tin rằng sau cuộc tranh cãi, những lời to tiếng sẽ tan biến và bố mẹ lại có thể trở về yêu thương lẫn nhau.

2. Dạy cho con rằng mối quan hệ nào cũng sẽ có những va chạm

Các bậc phụ huynh có thể lấy ví dụ gần gũi để trẻ dễ hình dung như: với cô, cậu bạn thân của bé, chơi thân mà cũng sẽ có những lúc tranh giành hay tranh luận với nhau về một điều gì đó, nhưng sau đấy hai bạn vẫn có thể làm hòa và chơi lại với nhau. Quan trọng hơn là cả bố mẹ và con đều phải học cách nhận ra khuyết điểm của mình và tha thứ. Có như vậy các mối quan hệ mới có thể được duy trì và bền vững hơn theo năm tháng.

Đây cũng sẽ trở thành một trong những bài học đầu tiên sẽ khắc sâu vào tâm trí trẻ về cách làm người, đối nhận xử thể cho tương lai sau này.

3. Tránh việc đóng kịch trước mặt con

Đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ đủ tinh tế để nhận ra sự giả tạo nếu chúng tồn tại giữa cha mẹ mình. Hơn thế, việc đóng kịch này sẽ góp phần gây thêm áp lực, sự kìm nén, cam chịu giữa hai vợ chồng mà đến khi vượt quá giới hạn sẽ chỉ càng đẩy mối quan hệ tiến gần hơn đến bờ vực thẳm.

4. Không để bé nghe những lời nhận xét tiêu cực của người ngoài về tình hình của hai vợ chồng

Việc để trẻ nghe những lời nhận xét, đàm tiếu tiêu cực của người ngoài về mối quan hệ của cha mẹ sẽ khiến trẻ tin rằng mình đang có một gia đình không hạnh phúc. Chưa kể đến "Tam sao thất bản", "Chuyện con kiến biến thành con voi", những lời bàn tán của người ngoài thậm chí còn có thể phản ánh không chính xác tình trạng mối quan hệ của hai người, khiến trẻ có những tổn thương không đáng có. Hoặc với những người vô ý, họ có thể lấy chuyện bất hòa của hai cha mẹ ra để trêu chọc, dọa nạt trẻ, tạo những tổn thương tâm lý vô cùng lớn đến với con.

Bởi xét cho cùng, nào ai có được trách nhiệm với con bằng chính bố mẹ chúng.

Kim Cang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI