Con trai đang trở thành đàn ông, chỉ mở lòng với bạn bè

17/12/2017 - 13:57

PNO - Chị khen cháu có ưu điểm là “chu đáo, tính tình cẩn trọng và ra vẻ đàn ông trong nhà”, đây cũng là biểu hiện cho thấy cháu đang trưởng thành. T

Con út của tôi đang học lớp Tám. Cháu là con trai duy nhất trong nhà, trên cháu còn ba người chị. Tôi lo không biết sống trong nhà toàn phụ nữ như thế (ba cháu làm ở tỉnh, cuối tháng mới về nhà một lần) cháu có bị ảnh hưởng tính nhõng nhẽo giống các chị mình không. Các con gái tôi hồi nhỏ rất thích chơi trò làm cô dâu, rồi mang em trai ra tô son trét phấn, mặc áo đầm mua vui.

Con trai dang tro thanh dan ong, chi mo long voi ban be
Ảnh minh họa

Tôi mừng khi thấy cháu lớn lên không yểu điệu nữ tính lại rất chu đáo, cẩn trọng và ra vẻ đàn ông trong nhà. Nhưng cháu rất ít nói chuyện tâm sự chia sẻ với mẹ và các chị. Vừa rồi, cô chủ nhiệm gọi điện thoại cho tôi, báo rằng trong lớp cháu nói chuyện ngày càng nhiều. Giáo viên bộ môn thường xuyên phàn nàn về cháu, làm ảnh hưởng đến lớp. Nhưng về đến nhà, cháu lại im thin thít, không phản ứng gì.

Có phải trước đây, khi cháu mon men lại gần muốn nói gì đó, vì bận rộn nên tôi gạt phăng đi, bảo để cho mẹ yên thân. Tôi rối quá, muốn hỏi han con nhưng cháu cứ im mãi. Giờ tôi phải làm sao?

Chi Hân (H. Hóc Môn)

Chị Hân mến, 

Con trai của chị học lớp Tám, đang tuổi dậy thì. Tâm lý tuổi này “đóng lòng” với cha mẹ người thân nhưng lại “mở lòng” với bạn bè, vì vậy ở nhà cháu không nói không rằng nhưng đến lớp thì nói chuyện rất nhiều cũng là biểu hiện dễ hiểu.

Trong thư chị chia sẻ đã từng “gạt phăng”, không nghe con nói chuyện khi cháu muốn nói nên nay cháu xa cách, có lẽ cũng là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là tâm lý của cháu đang biến đổi theo quá trình dậy thì. Cháu không còn là một cậu bé muốn quấn chân mẹ và các chị như trước đây, mà bắt đầu ra dáng một chàng trai, muốn có sự riêng tư, độc lập.

Chị khen cháu có ưu điểm là “chu đáo, tính tình cẩn trọng và ra vẻ đàn ông trong nhà”, đây cũng là biểu hiện cho thấy cháu đang trưởng thành. Trong quá trình phát triển cả về sinh lý và tâm lý cháu sẽ có những lúc dễ thương và những lúc khó hiểu. Cha mẹ và các chị cần hiểu và chia sẻ, hướng dẫn cháu.

Con trai chị đang trong tiến trình trở thành người đàn ông độc lập. Đàn ông thường muốn riêng tư, chỉ tâm sự khi thấy cần, mọi cố gắng gặng hỏi sẽ khó nhận lại được tâm sự nào của họ. Vì vậy, thay vì gặng hỏi hay ra lệnh cho con, chị và mọi người trong nhà hãy cởi mở, thoải mái với cháu.

Không khí gia đình vui vẻ, không nhắc đến lỗi của con sẽ khiến cháu dễ mở lòng tâm sự hơn. Cháu bị thầy cô nhắc nhở lỗi nói chuyện riêng trong lớp và đã biết lỗi, điều cháu cần là sự cảm thông, bao dung, nâng đỡ của người thân để tự thay đổi.

Nếu ở nhà mọi người tiếp tục nhắc lỗi, cháu sẽ càng "đóng lòng" lại, đến lớp gặp bạn bè lại như cá gặp nước và dù biết lỗi cũng khó sửa. Trẻ chỉ có thể sửa lỗi khi được đối xử với sự tôn trọng, bao dung, kiên nhẫn từ giáo viên và cha mẹ. 

Chị nên chia sẻ với chồng những khó khăn khi dạy con trai đang lớn để anh dành thời gian cho cháu nhiều hơn. Nếu anh ở xa vẫn có thể hằng tuần điện thoại hay nhắn tin hỏi thăm, động viên cháu. 

Cha mẹ nên tránh nhắc lỗi với trẻ nhiều lần. Khi thầy cô phản ánh chỉ cần nói nghiêm túc với trẻ một lần,  cho con biết đúng sai trong hành vi và động viên cháu thay đổi, việc còn lại là kiên nhẫn khích lệ trẻ. Để sửa hành vi nói chuyện riêng trong lớp, cha mẹ cần nói với cháu về tầm quan trọng của việc tập trung nghe giảng cho chính mình và cho cả lớp, xác định lại với cháu mục tiêu của việc học để con có động cơ học tích cực. Từ đó cháu sẽ ý thức bớt dần việc nói chuyện trong giờ học. 

Chúc chị luôn vui bên các con! 

 Chuyên gia tâm lý - ThS 
Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI