Con trai có gì mà mất?

06/12/2021 - 10:43

PNO - Các bậc cha mẹ đi làm thường gửi con mình sang nhà người khác và yên tâm khi “nó là con trai”. Nhưng ghi nhận từ nhà chuyên môn cho thấy, bé trai thường âm thầm chịu đựng hoặc e ngại khi phải nói ra việc mình bị xâm hại tình dục.


Giờ, con chỉ muốn chết!

Bị người phụ nữ bán hàng đầu hẻm trêu chọc, sờ soạng nhiều lần vào bộ phận sinh dục của mình nhưng ngoài việc tránh né, phớt lờ, S. - một học sinh lớp Sáu - gần như không có bất kỳ phản kháng nào suốt thời gian dài. Cho đến một lần, người phụ nữ này lợi dụng lúc vắng vẻ, ba mẹ S. không có nhà đã đẩy cậu bé vào phòng riêng để thỏa mãn tính dục.

S. thẫn thờ, khóc liên tục sau khi thoát khỏi tay người phụ nữ, đến lớp ngồi thu lu một góc, ai hỏi cũng không hé răng một lời. Cho đến khi gặp giáo viên tư vấn tâm lý, cậu bé mới dám mở lòng, trình bày lại vụ việc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng, người phụ nữ này vẫn thực hiện hành vi xâm hại từ nhẹ đến nghiêm trọng với nhiều trẻ em trong con hẻm nhưng cha mẹ các em chưa có động thái xử lý triệt để. Là do thiếu hiểu biết về vấn đề này hay vì nể mặt hoặc vì nghĩ rằng “con trai thì có sao đâu?” như vài người vẫn nhận định. 

S. cảm thấy nhục nhã, xấu hổ khi bị tấn công tình dục, em bày tỏ mong muốn gia đình chuyển đi nơi khác và xin phép mình giữ kín chuyện này, vì em sợ mọi người sẽ cười chê nếu biết chuyện. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

T.  một học sinh lớp Chín, sau khi bị mấy anh lớn sờ soạng và làm “chuyện đó” ngay trong phòng thay đồ của một hồ bơi tại TP.HCM đã nhắn tin cho tôi: “Thầy ơi, con chỉ muốn chết thôi! Con sợ lắm!”. 

T. là học sinh ngoan hiền, trước giờ đi đâu cũng có người đón rước. Thi cuối cấp em được điểm khá cao nên xin ba mẹ thưởng cho một chuyến đi bơi riêng cùng bạn bè. Ba mẹ can ngăn, không an tâm vì T. không quen đường sá, lại ít giao du bên ngoài nên sợ con xảy ra chuyện. 

T. đã cố gắng thuyết phục ba mẹ, hứa “đi đến nơi về đến chốn” nhưng khi chuyện không may xảy ra, sợ ba mẹ rầy la, nên em không nói hay cầu cứu bạn bè. Ngoài ra, T. sợ mình có thể sẽ mắc bệnh gì đó truyền nhiễm qua đường tình dục sau vụ việc trên nên càng kín tiếng vì sợ mọi người xa lánh. Suốt mấy ngày đêm T. không ăn, không ngủ, nhốt mình trong phòng, tự dằn vặt và có ý nghĩ “chết đi cho xong”.

Chỉ khi được bác sĩ khám và được giải tỏa tâm lý, T. mới bớt căng thẳng nhưng sau này, mỗi khi nghĩ tới chuyện bị tấn công, T. đều thấy bất an.

Trong quá trình tham vấn tâm lý từ năm 2011 tới nay, tôi gặp không ít trường hợp thừa nhận “em từng là nạn nhân” của vấn nạn xâm hại tình dục khi còn nhỏ. Các em vẫn nhớ như in giây phút kinh khủng đó và ôm nỗi đau đó đến lớn. Các em không định nói với ai hay báo cơ quan chức năng vì nghĩ ba mẹ, người lớn không tin trẻ con, càng không tin rằng con trai cũng bị xâm hại tình dục...

Như vậy, dù phải trải qua nhiều cảm xúc khó khăn, mệt mỏi, bất lực và chất chứa trong lòng nhiều tổn thương nhưng không ít bé trai và nam thanh niên ngại ngùng hoặc từ chối lên tiếng tố cáo kẻ xấu hay nói với gia đình, người thân. Trong khi đó, thực tế cho thấy, cùng một vấn đề bị tấn công, các bé gái lại dễ kể cho bố mẹ, thầy cô hoặc bạn bè nghe hơn bé trai. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Vì sao bé trai thường im lặng?

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý Singapore, có năm lý do đã chi phối đến việc “giữ im lặng” của nam giới khi bị xâm hại tình dục.

Thái độ của người lớn

Khi hàng xóm, khách đến nhà chơi ôm hôn, vỗ mông hay tụt quần của đứa trẻ để đùa giỡn nhưng nhiều bố mẹ không có động thái ngăn cản hoặc phản ứng. Đôi khi vì họ nể khách hoặc cho rằng “chỉ là chuyện bình thường”, không cần phải “xoắn lên”. Một số phụ huynh còn cảm thấy vui vẻ về hành động khiếm nhã - xâm hại này, thậm chí có cha mẹ còn “té nước theo mưa” hùa vào trêu chọc con mình. 

Một người hiểu biết và đánh giá được tác động xấu của hành vi này xác định rằng nó là hành vi xâm hại/xâm hại tình dục đứa trẻ, họ không bao giờ thờ ơ hoặc có thái độ dửng dưng. Hệ lụy từ việc này có thể khiến đứa trẻ thấy cô độc vì không ai giúp đỡ mình trước những hành vi gây xấu hổ như vậy. Cũng có thể do nhiều lần bị tấn công, thấy người lớn ít phản ứng nên dần dần trẻ nghĩ hành động xâm phạm thân thể như thế là bình thường nên không phản ứng nữa, càng lớn trẻ càng gia tăng giới hạn chịu đựng hoặc càng muốn im lặng để bình yên.

Định kiến về giới 

Khi bé trai/nam giới bị lạm dụng tình dục, họ có thể e sợ/ngần ngại về hậu quả của việc báo cơ quan chức năng hay tìm kiếm sự giúp đỡ. Bởi, đa phần sợ người đối diện sẽ phản ứng với những câu nói như: “Đàn ông con trai mà cũng gặp chuyện này à?”, “Lẽ ra anh/cậu có thể ngăn chặn hoặc xử lý được chuyện này?”...

Quan điểm chỉ phụ nữ mới cần bảo vệ càng khiến con trai không đủ can đảm để lên tiếng vì sợ cười chê. Một số nam giới cảm thấy xấu hổ và tội lỗi vì cho rằng mọi chuyện xảy ra cũng là lỗi của mình khi đã cư xử “thiếu đàn ông”, từ đó “thu hút” đối tượng tấn công hoặc không ngăn chặn được hành vi xâm hại tình dục.

Giáo dục giới tính chưa hiệu quả 

Việc giáo dục giới tính thiếu thực chất, không thường xuyên, chưa đầy đủ hay làm chiếu lệ bởi những người không có chuyên môn dẫn đến hậu quả học sinh nam nói riêng, trẻ em nói chung không nhận thức được đâu là hành vi xâm hại, xâm hại tình dục hoặc có nguy cơ. Khi xảy ra chuyện, các em lúng túng, sợ hãi, không dám kể lại/trình báo, nếu muốn trình báo cũng không biết liên hệ với cơ quan chức năng như thế nào. Nhiều em không biết việc một người đàn ông sàm sỡ người đàn ông khác cũng là vi phạm pháp luật (vì nhiều bài học đều thường chỉ đề cập tới nạn nhân là nữ). Việc chần chừ, do dự trong thời gian dài cùng với những suy nghĩ thiên lệch, không có cơ sở, không đặt trên nền tảng chuyên môn khiến nạn nhân không còn đủ sự thôi thúc để tố cáo nữa.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Ngại bị kỳ thị hay hiểu nhầm về xu hướng tính dục

Một số cán bộ công tác xã hội cho biết nhiều nạn nhân nam do dự, sợ rằng không ai tin mình vì trong đa số trường hợp, kẻ thực hiện hành vi dâm ô là nam giới. Các nạn nhân nam sợ rằng sẽ bị coi là người đồng tính hoặc “thiếu đàn ông”, còn nạn nhân đồng tính thì lo lắng sẽ bị “vạch mặt”, bị phát hiện nếu chưa công khai hoặc bị đổ lỗi “không có lửa làm sao có khói”.

Ý thức chưa đầy đủ về tổn thương 

Một trong những suy nghĩ rất thiếu thấu đáo chính là “con trai có gì mà mất”. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng việc tấn công chỉ gây tổn thương về thể chất mà bỏ qua yếu tố tinh thần/tâm lý. 

Tổn thương tâm lý nghiêm trọng hơn rất nhiều lần các tổn thương thực thể mà người ngoài không thể cảm nhận được. Khá nhiều nạn nhân bày tỏ với các nhà chuyên môn rằng: Có nói với những người xung quanh cũng chẳng ai quan tâm, và thường nói “có mất mát gì đâu”, thậm chí có báo cáo với trường học, nhà chức trách địa phương họ cũng ít quan tâm hỗ trợ hoặc lúng túng, ngoài ra còn có thể xem nhẹ việc nam giới bị tấn công tình dục, như một lối tư duy xáo mòn, xưa cũ trước giờ. 

Lâu dần, nạn nhân cam chịu và không muốn mang câu chuyện của mình ra đánh cược nữa... Từ đó, tổn thương có thể đi theo nạn nhân suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng sống, thể chất, tâm lý, tình cảm, đặc biệt là những khó khăn, cản trở trong đời sống tình dục dễ khiến nạn nhân tự ti, đau khổ.

Việc quan tâm đến các nguyên do này, một mặt có thể giúp các bậc phụ huynh, nhà giáo dục, tâm lý và người lớn nói chung tránh được các sai lầm khi nhận định về việc “con trai bị xâm hại tình dục”. Mặt khác, góp phần đề phòng vấn nạn xâm hại xảy ra trên trẻ em nói chung, trẻ trai và con cái, học trò của chúng ta nói riêng. Đồng thời, có thể điều chỉnh nhận thức, hành động của bản thân nếu từng thiếu thấu đáo, từ đó trở thành người đồng hành, chia sẻ tin cậy để trẻ trai dám “cất tiếng nói” giãi bày nếu chẳng may là nạn nhân. 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân 
(Đại học Quốc tế Sài Gòn)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI